Báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ di sản, phát triển du lịch bền vững
(Dân trí) - Sáng ngày 22/5 tại thành phố Hạ Long, Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp với UBND Quảng Ninh tổ chức hội thảo quốc tế “Vai trò của báo chí với sự phát triển du lịch”.
Tham dự hội thảo có sự góp mặt của ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam; ông Savankhone Razmountry, Thứ trưởng Bộ thông tin, Văn hóa, Du lịch Lào; ông Pinprathana Phanthamaly, Cục trưởng cục báo chí Lào; ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam; bà Vũ Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ thông tin và truyền thông Việt Nam; cùng đoàn đại biểu nhà báo Việt Nam - Lào.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, ông Hoàng Vĩnh Bảo nhận định: “Nói tới vai trò của báo chí với sự phát triển du lịch không thể thiếu sự đồng hành của các nhà báo thuộc các cơ quan báo chí Lào và Việt Nam, những tờ báo luôn đồng hành, hỗ trợ cho sự phát triển của ngành du lịch để sự phát triển đó tương xứng với tiềm năng và thế mạnh hiện có của các quốc gia”.
Du lịch không đơn thuần là ngành kinh tế đem lại lợi nhuận cho mỗi quốc gia, mà du lịch còn có chức năng làm cầu nối giữa các nền văn hóa, tăng cường thúc đẩy quan hệ hữu nghị các quốc gia.
“Để làm được điều đó, hai nước cần sự hỗ trợ của công tác thông tin tuyên truyền quảng bá. Hơn lúc nào hết, chúng ta phải tăng cường nhận thức về vai trò của báo chí trong công tác truyền thông về du lịch trong giai đoạn hội nhập hiện nay, từ đó nâng cao nhận thức của người dân về cơ hội cũng như thách thức của việc phát triển du lịch, thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản mà chúng ta đang có”, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh.
Trong tham luận “Vai trò của báo chí, truyền thông trong việc tuyên truyền bảo vệ di sản và phát triển du lịch bền vững, tăng cường giao lưu văn hóa”, ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng: “Một trong những động lực khách quốc tế tới thăm Việt Nam vì muốn khám phá văn hóa, danh lam thắng cảnh, phố cổ, tạo nên sự khác biệt chỉ đất nước này mới có. Du khách không muốn thăm chớp ngoáng, mà muốn hòa mình vào văn hóa địa phương như một người dân bản địa”.
“Tác động số hóa ảnh hưởng trực tiếp tới ngành du lịch, bao gồm cả báo chí. Đó là vai trò giáo dục, thông tin, giới thiệu điểm đến, văn hóa. Hiện tại việc tiếp cận thông tin trở nên dễ dàng hơn, nhưng nhiều thách thức bao gồm cả thông tin thiếu chính xác. Đây cũng là cơ hội để báo chí chính thống khẳng định vai trò của mình. Vai trò truyền thông báo chí rất quan trọng để nâng cao nhận thức, đóng vai trò quan trọng để quảng bá. Bên cạnh đó, cần định hướng khuyến khích du lịch có trách nhiệm, bao gồm cả khách quốc tế và trong nước”.
Trong khuôn khổ hội thảo, Ông Pinprathana Phanthamaly, Cục trưởng cục báo chí Lào, cũng chia sẻ những thành công và thách thức khó khăn của báo chí truyền thông Lào trong bảo vệ di sản, phát triển du lịch bền vững.
Theo ông Pinprathana Phanthamaly, truyền thông Lào có những đóng góp quan trọng trong công tác phổ biến luật pháp, tạo cho người dân nhận thức trong việc bảo vệ di sản, tạo ý thức giữ gìn nếp sống văn minh bằng việc phổ biến qua báo chí, phát thanh, truyền hình và thông tin kiểu mới; tuyên truyền thực hiện chính sách di lịch bền vững; trao đổi kinh nghiệm với Việt Nam về tuyên truyền công tác bảo vệ di sản văn hóa và khuyến khích du lịch.
Bên cạnh đó, báo chí truyền thông Lào đang đối diện với không ít khó khăn thách thức, chất lượng nội dung và hình ảnh chưa đáp ứng được yêu cầu; nhà báo còn thiếu kinh nghiệm về công tác văn hóa du lịch; đáp ứng thông tin của thế lực xấu chưa hiệu quả cao…
Có thể nói, hội thảo là cơ hội quý báu để các nhà báo giữa hai nước Việt Nam và Lào cùng chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về thực trạng hoạt động báo chí gắn liền với sự phát triển du lịch hiện nay.
Hoàng Hà