Bao cao su 3.000 năm tuổi trong lăng mộ của vị vua nổi tiếng Ai Cập cổ đại

Huy Hoàng

(Dân trí) - Ngoài những cổ vật quý giá bằng vàng bạc, gỗ mun, ngà voi, một món đồ đặc biệt khác thu hút sự chú ý của nhóm khảo cổ. Đó là vật dụng giống bao cao su, làm bằng vải lanh, chứa ADN của vị vua này.

Khi lăng mộ vua Tutankhamun được phát hiện và khai quật lần đầu tiên vào năm 1922, nhà khảo cổ học người Mỹ Howard Carter vô cùng sửng sốt khi tận mắt chứng kiến kho báu gồm vô số món cổ vật quý giá.

Đó là hơn 5.000 món đồ tạo tác làm từ nhiều chất liệu từ vàng bạc, gỗ mun cho tới ngà voi... Chúng được chế tác tinh xảo, trở thành món vật dụng không thể thiếu, đi theo vị Pharaoh nổi tiếng này sang bên kia thế giới.

Là vị Pharaoh nổi tiếng nhất thời Ai Cập cổ đại, nên không quá khó hiểu khi mọi thông tin về Vua Tut luôn được săn đón.

Bao cao su 3.000 năm tuổi trong lăng mộ của vị vua nổi tiếng Ai Cập cổ đại - 1
Cuộc đời và cái chết của Vua Tut vẫn là điều bí ẩn với hậu thế (Ảnh: Reuters).

Việc khai quật hầm mộ của Vua Tut đã diễn ra vào năm 1922 - đầu thế kỷ trước, kéo dài suốt 15 năm. Điều này đã tạo nên cơn địa chấn trên toàn thế giới khi khơi dậy sự quan tâm của công chúng với Ai Cập cổ đại.

Trong số hàng nghìn cổ vật, một món đồ nhỏ làm từ vải lanh đã thu hút sự chú ý của nhóm chuyên gia. Vật dụng được thiết kế giống như bao cao su ngày nay. Qua kiểm tra cho thấy món vật 3.000 năm tuổi này chứa ADN của vua Tut. Điều này cho thấy, đây là vật dụng không thể thiếu, đi cùng Pharaoh vào cõi vĩnh hằng.

Bao cao su 3.000 năm tuổi trong lăng mộ của vị vua nổi tiếng Ai Cập cổ đại

Theo mô tả, bao cao su của vua Tut gồm một chiếc "vỏ bọc" làm từ vải lanh mịn, ngâm trong dầu ô liu. Nó còn được gắn vào một sợi dây buộc quanh bụng. Ước tính, cổ vật được "sản xuất" vào năm 1350 trước Công Nguyên, trở thành chiếc bao cao su lâu đời nhất thế giới còn tồn tại.

Ngoài ra, trong lăng mộ vị vua này, nhóm chuyên gia còn tìm thấy hài cốt của hai bào thai. Kết quả xét nghiệm cho thấy, vua Tut chính là cha ruột.

Các chuyên gia đánh giá, nếu bao cao su này dùng để tránh thai thay vì mục đích nghi lễ hoặc phòng bệnh, có vẻ nó sẽ không mang lại hiệu quả cao.

Theo tài liệu cổ để lại, người Ai Cập cổ đại sử dụng các biện pháp tránh thai khác nhau. Một trong số đó, họ dùng hỗn hợp gồm phân cá sấu trộn cùng các thành phần khác, tạo ra vòng tránh thai. Người Ai Cập cổ đại tin rằng, phân cá sấu có tính kiềm, đóng vai trò như chất để "tiêu diệt" tinh trùng.

Bao cao su 3.000 năm tuổi trong lăng mộ của vị vua nổi tiếng Ai Cập cổ đại - 2
Bao cao su tìm thấy trong lăng mộ vua Tut (Ảnh: Bảo tàng Cairo).

Ai Cập có thể là một trong những nền văn minh đầu tiên trên thế giới sáng tạo và sử dụng bao cao su. Trong khi đó, thời La Mã cổ đại, người dân tạo ra bao cao su từ ruột hoặc bàng quang động vật. Người Trung Quốc cổ đại lại sáng tạo giấy lụa tẩm dầu. Trong khi người Hồi giáo và người Do thái thời Trung Cổ nghĩ ra việc bôi hắc ín hoặc "ngâm" bộ phận nhạy cảm của nam giới trong nước ép hành tây, với mục đích tránh thai.

Bao cao su 3.000 năm tuổi trong lăng mộ của vị vua nổi tiếng Ai Cập cổ đại - 3
Du khách từ khắp nơi tới chiêm ngưỡng nhiều món cổ vật trong lăng mộ vua, được trưng bày tại bảo tàng Cairo (Ảnh: News).

Đợt bùng phát dịch bệnh lây truyền qua đường tình dục đầu tiên trên thế giới được ghi nhận là giang mai, xảy ra vào thế kỷ 15 trong quân đội Pháp. Khi đó, nhu cầu cần một thứ gì đó để bảo vệ, chống lại bệnh tật trở nên thiết yếu hơn. Họ đã dùng những tấm vải lanh ngâm trong dung dịch hóa chất. Tới thời kỳ Phục hưng, một số bao cao su làm từ ruột hoặc bàng quang động vật.

Tiếp đó, tới đầu thế kỷ 19 cũng là thời điểm những chiếc bao cao su thời hiện đại ra đời. Tới năm 1850, một số công ty cao su bắt đầu sản xuất một loạt sản phẩm này. 

Tutankhamun là vị Pharaoh thuộc vương triều thứ 18 (khoảng 1567-1202 trước Công nguyên). Các nhà khoa học ước tính ông qua đời khoảng năm 1352 trước công nguyên, khi chưa đầy 18 tuổi. Như vậy, ông chỉ trị vì đất nước trong 9 năm.

Vị Pharaoh này thường được gọi theo tên thông dụng hơn là Vua Tut. Đến nay, cái chết của ông vẫn được coi là bí ẩn chưa có lời đáp với hậu thế. Sau khi khai quật lăng mộ của Vua Tut, các nhà khoa học tìm thấy nhiều sự kiện quan trọng liên quan tới cái chết của ông.

Từ nhiều năm qua, những món cổ vật quý hiếm lấy từ hầm mộ Vua Tut được trưng bày tại bảo tàng Cairo (Ai Cập) và mở cửa đón du khách từ khắp nơi tới tham quan, chiêm ngưỡng. Thông qua những cổ vật đó, công chúng phần nào hiểu thêm về cuộc đời của vị vua trẻ tuổi này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm