Bác sĩ Việt kể khoảnh khắc thoát chết khỏi trận lở tuyết kinh hoàng ở Nepal

Minh Nhân

(Dân trí) - Bác sĩ Ngô Hải Sơn, 7 năm kinh nghiệm leo núi, kể lại khoảnh khắc tuyết lở kinh hoàng trong lần thử thách đỉnh núi cao thứ 8 trên thế giới.

Bác sĩ phẫu thuật Ngô Hải Sơn, hiện công tác tại một bệnh viện ở Hà Nội, vừa thoát chết trong trận lở tuyết ập đến trại căn cứ Manaslu (Nepal) hôm 2/10. Đây là vụ lở tuyết thứ hai trong tuần, phá hủy 30 ngôi lều và khiến nhiều người bị thương. 

Trước đó, hôm 26/9, trận lở tuyết tại sườn núi này cũng đã khiến 1 người tử vong và hơn 20 người khác bị thương.

Bác sĩ Việt kể khoảnh khắc thoát chết khỏi trận lở tuyết kinh hoàng ở Nepal - 1

Anh Ngô Hải Sơn (ngoài cùng bên phải) cùng các thành viên đoàn chinh phục đỉnh núi Manaslu (Ảnh: N.H.S).

Bác sĩ Việt kể lại khoảnh khắc "thoát chết" khỏi trận lở tuyết kinh hoàng

Tuyết lở chôn vùi những nhà leo núi

Bác sĩ Ngô Hải Sơn bắt đầu leo núi từ 7 năm trước. Sau khi chinh phục những đỉnh núi trong nước, anh thử thách bản thân với những đỉnh núi cao 5.000, 6.000m (so với mực nước biển) ở nước ngoài như Kilimanjaro (Tanzania), Mera Peak (Nepal),…

Manaslu - ngọn núi cao thứ 8 trên thế giới với độ cao 8.163m, nằm trong Mansiri Himal, một phần của dãy Himalaya Nepal, ở phía Tây - Trung bộ của Nepal, lần này được xem là một trải nghiệm lớn với anh.

"Sau 2 năm chờ đợi do Covid-19, tôi đã quay lại Nepal cho một thử thách mới và học hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm", anh nói.

Bác sĩ Việt kể khoảnh khắc thoát chết khỏi trận lở tuyết kinh hoàng ở Nepal - 2

Manaslu cao 8.163m là ngọn núi cao thứ 8 trên thế giới (Ảnh: N.H. S).

Để chuẩn bị cho chuyến leo núi lịch sử, cách đây một năm, nam bác sĩ 8X đã tìm hiểu thông tin trên các hội nhóm leo núi nước ngoài, hỏi xin kinh nghiệm từ những "tiền bối" đi trước.

Tuy nhiên, do tính chất công việc, nên 2 tháng trước khi đi, anh mới bắt đầu liên hệ các công ty tổ chức tour, đặt vé máy bay, sắp xếp đồ đạc, rèn luyện thể lực, xin nghỉ phép ở cơ quan.

Bác sĩ Việt kể khoảnh khắc thoát chết khỏi trận lở tuyết kinh hoàng ở Nepal - 3

Các nhà leo núi phải vượt qua rất nhiều khó khăn và thử thách trên con đường chinh phục đỉnh núi Manaslu (Ảnh: N.H. S).

Bác sĩ Việt kể khoảnh khắc thoát chết khỏi trận lở tuyết kinh hoàng ở Nepal - 4

Nepal là một trong những quốc gia thường xuyên xảy ra địa chấn và lở tuyết trên các ngọn núi, nhưng không thể ngăn được đam mê chinh phục của những nhà mạo hiểm ở khắp nơi trên thế giới (Ảnh: N.H. S).

Sáng sớm 1/9, anh đặt chân đến thủ đô Kathmandu của Nepal. Nhà leo núi chỉ có một ngày gặp gỡ cả đoàn, kiểm tra đồ đạc, chuẩn bị thêm những trang thiết bị cần thiết và khởi hành vào ngày 2/9.

Đoàn có 9 người đến từ Mỹ, Anh, Đức, Nga, Ba Lan, Ấn Độ và Việt Nam. Anh Sơn là đại diện duy nhất của Việt Nam trong toàn bộ các đoàn thám hiểm lần này.

Bác sĩ Việt kể khoảnh khắc thoát chết khỏi trận lở tuyết kinh hoàng ở Nepal - 5

Mùa thu 2022, có gần 500 nhà leo núi từ hơn 60 quốc gia đến Manaslu cho hành trình chinh phục ngọn núi này (Ảnh: N.H. S).

Khi lên đến trại căn cứ Manaslu ở độ cao 4.800m, cả đoàn hạ trại ở đây và tập làm quen với độ cao bằng cách di chuyển lần lượt lên các trại cao hơn như trại 1 (5.800m), trại 2 (6.400m), trại 3 (6.800m).

Theo bác sĩ Sơn, việc này giúp cơ thể thích nghi dần với độ cao và cũng là một bài kiểm tra đánh giá nhà leo núi có đủ thể lực hay cần bổ sung oxy không?

"Tôi đã hoàn thành tốt vòng thích nghi ở trại 3 và quay xuống trại căn cứ chuẩn bị cho đợt trèo lên đỉnh chính thức", anh kể.

Bác sĩ Việt kể khoảnh khắc thoát chết khỏi trận lở tuyết kinh hoàng ở Nepal - 6

Khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ phía sau những nhà leo núi (Ảnh: N.H. S).

Bác sĩ Việt kể khoảnh khắc thoát chết khỏi trận lở tuyết kinh hoàng ở Nepal - 7

Thời tiết khắc nghiệt khi vào tháng 10 tuyết rơi nhiều và dày hơn trên đỉnh Manaslu (Ảnh: N.H. S).

Trên trại căn cứ, thời tiết thay đổi liên tục, đang nắng chang chang nhưng chỉ 10 phút sau tuyết đã rơi dày đặc. Những cơn địa chấn gây ra những trận tuyết lở nhỏ hàng ngày, "nghe ầm ầm trên đầu là chuyện bình thường".

Trước ngày xuất phát lên đỉnh, khu vực xuất hiện một trận lở tuyết rất lớn, ở phía ngược lại với đường đi. Một tảng tuyết cao hơn 150m trượt xuống làm cả một vùng bụi tuyết trắng xóa.

Bác sĩ Việt kể khoảnh khắc thoát chết khỏi trận lở tuyết kinh hoàng ở Nepal - 8

Trận tuyết lở khiến cả vùng bị bao phủ bởi tuyết trắng xóa (Ảnh: N.H. S).

Sau vài ngày chờ đợi và "nghe ngóng" thời tiết, cả đoàn khởi hành lên trại 1 vào ngày 25/9. Ngày tiếp theo, họ xuất phát từ trại 1 lên thẳng trại 3.

Trên đường từ trại 2 lên trại 3, họ nhìn thấy trận tuyết lở kinh hoàng đầu tiên ở đoạn đường từ trại 3 lên trại 4, đúng vị trí có rất nhiều sherpa (những người Nepal bản địa sống trên các dãy núi, có kinh nghiệm và sức khỏe tuyệt vời) đang di chuyển.

Trận tuyết lở này đã chôn vùi rất nhiều sherpa, có người được đào lên kịp thời và cứu sống. Nhưng một sherpa dày dặn kinh nghiệm của đoàn anh Sơn đã không qua khỏi, dù được nỗ lực cấp cứu hồi sức tim phổi nhưng không hiệu quả.

Vụ tuyết lở này đã khiến một người chết, hơn 20 người khác bị thương.

Sau khi biết tin, đoàn của anh Sơn đã quay trở lại trại 2 và chờ đợi. Sau 3 tiếng, nam bác sĩ và một người bạn trong đoàn quyết định lên trại 3 để hỗ trợ các sherpa bị thương. Thời tiết xấu khiến trực thăng cứu hộ không thể tiếp cận, may mắn không có ai phải cấp cứu ngay lập tức.

Sáng hôm sau, nhiều trực thăng liên tiếp bay đến trại căn cứ 2 và 3, đón người bị thương đưa về bệnh viện điều trị. Đoàn của anh Sơn ngoài một người không qua khỏi, thì 2 sherpa khác bị thương cũng đã được đưa xuống bệnh viện ở Kathmandu điều trị.

Bác sĩ Việt kể khoảnh khắc thoát chết khỏi trận lở tuyết kinh hoàng ở Nepal - 9

Trực thăng cứu hộ các nhà leo núi bị thương.

Các nhóm khác đều có sherpa bị thương nên hầu hết đều dừng lại và quay về trại căn cứ chờ đợi. Hai thành viên khác của đoàn anh Sơn vì nhiều lý do đã quyết định dừng lại và xuống núi ngay sau vụ tuyết lở đầu tiên hôm 26/9. Nhiều người của các nhóm khác cũng bỏ cuộc.

Đoàn của anh Sơn chỉ còn lại 6 người, chờ đợi lần lên đỉnh tiếp theo, được nhận định khó khăn hơn do tháng 10 gió mạnh hơn và thời tiết thất thường. Quan trọng hơn là những trận tuyết lở vẫn luôn âm ỉ.

Bác sĩ Việt kể khoảnh khắc thoát chết khỏi trận lở tuyết kinh hoàng ở Nepal - 10

Bác sĩ Ngô Hải Sơn (góc phải) và người bạn đồng hành (Ảnh: N.H. S).

Dừng hành trình, chờ đợi thử thách tiếp theo

Sau 3 ngày chờ đợi, đoàn xuất phát lên đỉnh lần thứ 2. Do không đủ điều kiện để nghỉ lại ở trại 4, nhóm đi thẳng lên đỉnh từ trại 3, một quyết định làm tăng thêm một mức độ khó khăn.

Đêm ngủ ở trại 2, tuyết rơi dày đặc. Cứ một tiếng, các thành viên lại dậy phủi tuyết khỏi nóc lều. Đến nửa đêm, họ thay nhau xúc bớt tuyết xung quanh lều.

Sáng hôm sau, trước mắt anh Sơn là một khung cảnh trắng xóa, rất nhiều lều trống đã biến mất vì bị tuyết phủ kín. Không còn nhìn thấy đường đi nữa, nhóm đưa ra quyết định "hết sức đau lòng" là dừng hành trình và xuống núi.

Bác sĩ Việt kể khoảnh khắc thoát chết khỏi trận lở tuyết kinh hoàng ở Nepal - 11

Sau một đêm, tuyết đã bao phủ xung quanh lều trại (Ảnh: N.H. S).

Tuy nhiên, việc xuống núi cũng là một vấn đề nan giải khi tuyết vẫn tiếp tục rơi dày đặc, ngập đến gần thân trên của các nhà leo núi. Đường đi và dây an toàn đã biến mất, các nhà leo núi phải dò dẫm từng bước một.

Các nhóm khác cũng lần lượt nối nhau đi xuống, vừa đi vừa dò đường và tìm dây an toàn nên thường bị tắc nghẽn.

Tại một con dốc dài, có khoảng 20 người đang chờ các sherpa mở đường và tìm dây an toàn, thì một trận tuyết lở nhỏ ở ngay sát bên cạnh chỉ cách hàng dọc chưa đến 1m khiến tất cả hốt hoảng, phải nhảy dạt sang một bên.

"Chính trận tuyết lở này đã cuốn đi thêm một sherpa kỳ cựu nữa đang cố gắng mở đường ở ngay phía dưới đó. Phải đến 2 ngày sau với rất nhiều nỗ lực, tổ cứu nạn mới tìm được thi thể bạn ấy", anh Sơn kể.

Bác sĩ Việt kể khoảnh khắc thoát chết khỏi trận lở tuyết kinh hoàng ở Nepal - 12

Các nhóm khác leo núi xuống núi, vừa đi vừa dò đường và tìm dây an toàn.

Trên đường xuống, nam bác sĩ tiếp tục nghe thấy những trận tuyết lở khác từ trên cao. Khi đến trại căn cứ, anh mới biết sáng cùng ngày, một trận tuyết lở rất lớn trùm lên cả trại, thổi bay nhiều lều và phá hủy hoàn toàn rất nhiều lều khác, may mắn không có thiệt hại về người.

Những ngày tiếp theo, những trận tuyết lở lớn nhỏ vẫn "giáng những đòn mạnh" xuống trại căn cứ khiến trang thiết bị lều trại của một vài nhóm chưa kịp thu dọn đã bị vùi lấp toàn bộ.

Bác sĩ Việt kể khoảnh khắc thoát chết khỏi trận lở tuyết kinh hoàng ở Nepal - 13

Trại căn cứ tan hoang sau trận tuyết lở (Ảnh: N.H. S).

Ngày 8/10, đoàn leo núi của anh Sơn đã xuống chân núi và trở về thủ đô Kathmandu. Anh dự định về Việt Nam trong một vài ngày tới.

"Thật sự là may mắn xuống núi kịp thời, vì ngay hôm sau, tuyết lại tiếp tục rơi rất dày và có một vài nhóm bị mắc kẹt ở chân núi do trực thăng cứu hộ không thể tiếp cận", anh nói.

Anh Sơn cho biết, trong gần 500 nhà leo núi đến từ hơn 60 quốc gia thì chỉ có gần 20 người là những nhà leo núi chuyên nghiệp, hết sức liều lĩnh nhưng cũng rất may mắn khi chinh phục được đỉnh núi.

Kristin Harila, người đang cố gắng phá kỷ lục thế giới khi chinh phục 14 đỉnh núi trên 8.000m trong khoảng thời gian ngắn nhất (dưới 6 tháng) của Nimsdai, sau khi chinh phục thành công Manaslu lần này (đỉnh núi thứ 12/14) đã chia sẻ trên Facebook cá nhân rằng Manaslu là đỉnh núi mà cô ấy gặp nhiều khó khăn nhất từ trước đến giờ vì tình hình thời tiết quá tồi tệ.

Với kinh nghiệm thu được lần này, nam bác sĩ dự định thử thách tiếp theo sẽ là một ngọn núi 8.000m khác, còn Manaslu để dành lại sau.

"Qua lần này, tôi nhận thấy con người quá nhỏ bé trước thiên nhiên. Chúng ta chỉ có thể vượt qua chính mình. Như nhà leo núi Ed Viesturs đã từng nói: ngọn núi quyết định khi nào bạn có thể leo lên và khi nào không. Nghệ thuật của nhà leo núi đó là biết khi nào có thể tiếp tục, khi nào nên chờ đợi và khi nào nên dừng lại", anh tâm sự.

Bác sĩ Việt kể khoảnh khắc thoát chết khỏi trận lở tuyết kinh hoàng ở Nepal - 14

Tạm biệt Manaslu, hẹn ngày gặp lại!