“Bạc Liêu có sản phẩm du lịch đặc thù nhưng vẫn còn là em út !”
(Dân trí) - “Bạc Liêu có sản phẩm du lịch đặc thù mà không nơi nào có được như khu nhà Công tử Bạc Liêu, nhưng về hạ tầng phục vụ du lịch thì Bạc Liêu mới chỉ là em út so với nhiều địa phương khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Bạc Liêu ví von.
Theo ông Thái Quốc Lưu- Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bạc Liêu, phát triển ngành du lịch cần phải “bám” vào thời gian nghỉ, vui chơi của người dân và du khách. Chúng ta phải trau chuốt từng sản phẩm để níu kéo được khách, phải làm sao khách hành hương đến Bạc Liêu nhất định phải mua ốp nhang, giỏ trái cây, đồ lưu niệm,… “Tuy nhiên, chúng ta phải vừa phát triển ngành du lịch hôm nay, vừa phải giữ gìn môi trường cho con cháu mai sau”, ông Lưu chia sẻ.
Theo thống kê của Sở VH-TT&DL tỉnh Bạc Liêu, doanh thu ngành du lịch năm 2015 của tỉnh là trên 975 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2014. Trong 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu du lịch đạt 580 tỷ đồng, tăng 11,5% so cùng kỳ năm 2015. Theo ông Lưu, điều này nói lên rằng, lượng khách đến và tiêu xài khi tham quan du lịch ở Bạc Liêu ngày càng tăng.
Ông Lưu cho biết, trong 7 huyện, thị, thành của tỉnh Bạc Liêu thì TP Bạc Liêu vẫn là địa phương “chủ công” của ngành du lịch tỉnh, bởi trong 8 điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL thì TP Bạc Liêu đã có đến 7 điểm. “Thành phố Bạc Liêu có sản phẩm du lịch đặc thù mà không nơi nào có được như khu nhà Công tử Bạc Liêu, Nhà hát 3 nón lá,…”, ông Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL quả quyết.
Nói về việc TP Bạc Liêu xác định giai đoạn 2015-2020, ngành du lịch là kinh tế mũi nhọn và muốn xây dựng TP Bạc Liêu trở thành một thành phố du lịch, ông Thái Quốc Lưu cho rằng, việc này đòi hỏi phải giải quyết nhiều vấn đề. Thứ nhất là hạ tầng phục vụ du lịch hiện nay của Bạc Liêu còn yếu kém và chỉ là em út so với một số địa phương khác ở ĐBSCL.
“Sản phẩm du lịch có đặc thù rồi nhưng chưa được trau chuốt để nâng cao giá trị lên. Chúng ta phải làm sao cho khách xuống Bạc Liêu một lần rồi phải xuống nhiều lần nữa”, ông Lưu nói.
Cũng theo ông Lưu, sự hoàn chỉnh sản phẩm mới chỉ là cơ bản, trong khi các khu du lịch chưa chạm tới cảm xúc của du khách. Do đó, đòi hỏi phát triển du lịch thì phải luôn mới, để làm sao khách đi rồi luyến tiếc, phải quay lại.
Ngoài ra, ngành chức năng hiện cũng chưa quảng bá một cách chuyên nghiệp, sâu rộng các điểm du lịch mà chủ yếu chỉ là truyền khẩu với nhau. Như điểm du lịch Quán Âm Phật Đài hay chùa Hưng Thiện có tượng Phật Quan Âm cao nhất ĐBSCL,… thì hầu như người này đi rồi nói lại cho người kia biết, chứ cơ quan quản lý du lịch địa phương vẫn chưa thật sự quảng bá tốt để hút du khách.
Chia sẻ giải pháp để phát triển du lịch, theo Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, cần phát triển mạnh mẽ sản phẩm đặc thù riêng biệt mà chỉ Bạc Liêu mới có. Bên cạnh đó, cần chấn chỉnh lại, nâng cấp lên tất cả các cơ sở, điểm du lịch, hệ thống lưu trú,… “Các cơ sở du lịch “ăn” nhau ở chỗ lịch sự, thân thiện, an toàn, vệ sinh nên các cơ sở cần làm đẹp, làm mới cho các cơ sở của mình để hút du khách”, ông Lưu “mở" giải pháp.
Huỳnh Hải