Bạc Liêu chuẩn bị sự kiện 100 năm Nhà “Công tử Bạc Liêu”

(Dân trí) - Vào năm 2019, bản “Dạ cổ hoài lang” và Nhà “Công tử Bạc Liêu” sẽ tròn 100 năm tuổi. Dự kiến, lần đầu tiên, tỉnh Bạc Liêu sẽ tổ chức Tuần lễ văn hóa du lịch nhân 2 sự kiện này.

Khu nhà "Công tử Bạc Liêu"

Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bac Liêu, bà Cao Xuân Thu Vân cho biết, theo kế hoạch, năm 2019, tỉnh Bạc Liêu dự kiến lần đầu tiên sẽ mở Tuần lễ văn hóa du lịch.

Theo bà Vân, tuần lễ này được tổ chức nhân sự kiện 100 năm ra đời bản “Dạ cổ hoài lang” và sự kiện 100 năm Nhà “Công tử Bạc Liêu”.

“Trong năm nay 2018, tỉnh Bạc Liêu sẽ hoàn thiện các khâu để năm tới 2019 tổ chức một Tuần lễ văn hóa du lịch hiệu quả, thành công”, bà Cao Xuân Thu Vân cho hay.

Nhà Công tử Bạc Liêu được xây dựng vào năm 1919.
Nhà "Công tử Bạc Liêu" được xây dựng vào năm 1919.
Bức ảnh nằm phía trên cây gậy chính là Cậu Ba Huy (Trần Trinh Huy)- người được mệnh danh là Công tử Bạc Liêu.
Bức ảnh nằm phía trên cây gậy chính là Cậu Ba Huy (Trần Trinh Huy)- người được mệnh danh là "Công tử Bạc Liêu".
Người dân cho biết, cây dừa này (giữa) được cho là đã lớn lên cùng thời với Nhà Công tử Bạc Liêu.
Người dân cho biết, cây dừa này (giữa) được cho là đã lớn lên cùng thời với Nhà "Công tử Bạc Liêu".

Nhà “Công tử Bạc Liêu” (hiện tọa lạc tại số 13, đường Điện Biên Phủ, phường 3, TP Bạc Liêu) nằm cạnh bờ sông Bạc Liêu. Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1919, do kỹ sư người Pháp thiết kế và tất cả vật liệu để xây dựng đều được đưa từ Pháp qua. Đây là tòa nhà được xem là bề thế nhất Nam kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ.

Khu nhà Công tử Bạc Liêu nằm ở trung tâm TP Bạc Liêu hiện nay.
Khu nhà "Công tử Bạc Liêu" nằm ở trung tâm TP Bạc Liêu hiện nay.

Ngôi nhà này đã gắn liền với nhiều giai thoại về “Công tử Bạc Liêu” – tức Trần Trinh Huy (Cậu Ba Huy) nổi tiếng một thời.

Qua nhiều lần trùng tu, ngôi nhà hiện vẫn giữ được kiến trúc xưa. Nhiều hiện vật của gia đình “Công tử Bạc Liêu” một thời vàng son từng sử dụng như bàn, ghế, giường, tủ, đồ sứ,… đã được sưu tầm về trưng bày trong ngôi nhà để phục vụ du khách tham quan, chiêm ngưỡng.


Nhiều hiện vật gắn với Công tử Bạc Liêu một thời sử dụng. (Ảnh tư liệu)

Nhiều hiện vật gắn với "Công tử Bạc Liêu" một thời sử dụng. (Ảnh tư liệu)

Bản “Dạ cổ hoài lang” (có nghĩa là đêm khuya nghe tiếng trống nhớ chồng) được cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1892 - 1976) sáng tác vào năm 1919.

Tác giả muốn qua tâm sự của người phụ nữ nhớ chồng để nói điều lớn hơn. Đó là nỗi niềm của những người dân trên vùng đất mới được khẩn hoang trước biết bao những bất công của xã hội và những đau khổ do chiến tranh gây ra.

Bản "Dạ cổ hoài lang" được xem là tiền thân của thể loại vọng cổ ngày nay.

Bản "Dạ cổ hoài lang" do nghệ sĩ Ngọc Đợi thể hiện.

Bản “Dạ cổ hoài lang” với phần lời có 20 câu, từ câu "Từ là từ phu tướng" đến câu "Cho én nhạn hiệp đôi" được lưu hành chính thức (vì có nhiều dị bản) theo Quyết định số 2257/QĐ-UBND ngày 17/9/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu.

Hiện nay, tại tỉnh Bạc Liêu có Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu (tọa lạc tại đường Cao Văn Lầu, phường 2, TP Bạc Liêu) được xây dựng với kiến trúc đep, đặc sắc và trang nghiêm. Khu lưu niệm này đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích văn hóa cấp Quốc gia.

Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
Tại Khu lưu niệm có bức tượng cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu đang ngồi đờn kìm, phía sau lưng là 20 câu phần nhạc và phần lời của bản Dạ cổ hoài lang.
Tại Khu lưu niệm có bức tượng cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu đang ngồi đờn kìm, phía sau lưng là 20 câu phần nhạc và phần lời của bản "Dạ cổ hoài lang".

Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu và Nhà “Công tử Bạc Liêu” đều là 2 điểm của tỉnh Bạc Liêu đã được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của khu vực.

Huỳnh Hải