Ba tỉnh duyên hải miền trung hợp tác phát triển du lịch

(Dân trí) - Ngày 27/2, tại thành phố Huế đã diễn ra lễ ký kết hợp tác liên kết phát triển du lịch ba tỉnh Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam.

Ngày 27/2, tại thành phố Huế đã diễn ra lễ ký kết hợp tác liên kết phát triển du lịch ba tỉnh Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam.

Đây là hoạt động do Tổng cục Du lịch chủ trì với sự hỗ trợ kỹ thuật của dự án "Chương trình Phát triển Năng lực Du lịch có Trách nhiệm với Môi trường và Xã hội" (gọi tắt là Dự án EU, do Liên minh châu Âu tài trợ).

Phiên họp về hợp tác liên kết phát triển du lịch 3 tỉnh duyên hải miền trung (Ảnh ESRT)

Phiên họp về hợp tác liên kết phát triển du lịch 3 tỉnh duyên hải miền trung (Ảnh ESRT)

Phát biểu khai mạc phiên họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Du Lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, ba tỉnh Duyên hải miền Trung được xác định là một khu vực trọng điểm phát triển du lịch của cả nước trong Chiến lược và Qui hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

“Do vậy, mô hình hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam được cụ thể hóa sẽ là một trong những ví dụ tốt về mô hình quản lý điểm đến liên tỉnh, hướng tới hiệu quả cao và đảm bảo nguyên tắc phát triển bền vững,” ông cho hay.

Trưởng ban Hợp tác và Phát triển của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam bà Berenice Muraille đánh giá “Việt Nam đang cạnh tranh với nhiều điểm đến có sức hấp dẫn tương đương tại các nước láng giềng. Do đó điều quan trọng là phải có những biện pháp mang tính quyết định để tăng cường tính cạnh tranh.”

Tại phiên họp, ông Vũ Quốc Trí, Giám đốc Dự án EU, đã trình bày về hoạt động hỗ trợ phát triển du lịch có trách nhiệm tại ba tỉnh Duyên hải miền Trung trên nguyên tắc đảm bảo tính hiệu quả và tính bền vững.

Bãi biển Đà Nẵng (Ảnh Internet)

Bãi biển Đà Nẵng (Ảnh Internet)

Trong năm 2014, Dự án EU sẽ ưu tiên trong việc thiết lập diễn đàn tư vấn cho việc quản lý điểm đến. Ngoài ra, một loạt các hoạt động khác cũng được Dự án triển khai hỗ trợ các tỉnh như khảo sát nhu cầu khách du lịch; nghiên cứu về sản phẩm du lịch vùng để từ đó phát triển sản phẩm du lịch có trách nhiệm; nghiên cứu xây dựng thương hiệu du lịch và tiếp thị du lịch vùng; cải thiện và phát triển quan hệ đối thoại Công - Tư và phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Theo Dự án EU, để hợp tác thành công, ba tỉnh cần tăng cường tính chủ động và cam kết trong việc triển khai các hoạt động. Thêm nữa, cần có sự tham gia của khu vực tư nhân vào cơ chế quản lý điểm đến thể hiện qua việc nâng cao vai trò của Hiệp hội Du lịch tại địa phương.

Kết thúc phiên họp, ba tỉnh đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác liên kết phát triển du lịch, tạo cơ sở để khai thác hợp lý tiềm năng du lịch của từng địa phương và thúc đẩy tăng trưởng du lịch của khu vực một cách bền vững.

Mô hình hợp tác liên kết phát triển du lịch tại khu vực Duyên hải miền Trung là mô hình thứ hai nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật của Dự án sau khu vực 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng. Trong tháng 3 và tháng 4 năm 2014, Dự án EU sẽ tiếp tục triển khai mô hình này tại khu vực Bắc miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh) và Đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ).


Phương Nam