Ba ngôi chợ mang biểu tượng của ba miền Việt Nam

(Dân trí) - Chẳng phải khám phá mất công chỉ cần đến chợ dạo quanh một vòng là bạn có thể biết được “bộ mặt đại diện” của ba miền: Bắc – Trung – Nam.

Đồng Xuân

Không chỉ là một trung tâm buôn bán lớn của Hà Nội và cả nước, chợ Đồng Xuân còn là một điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách thập phương. Nằm trong khu phố cổ Hà Nội, chợ Đồng Xuân từng được khách thập phương biết đến như là “dạ dày” của đất Hà thành. Lịch sử của khu chợ này gắn liền với sự hình thành và phát triển thương mại của đất Thăng Long xưa.

Ba ngôi chợ mang biểu tượng của ba miền Việt Nam

Khi nhắc tới Hà Nội du khách sẽ nhớ đến Đồng Xuân - một chợ ra đời và gắn liền quá trình phát triển thương mại của đất Thăng Long. Nơi đây không đơn thuần là điểm giao thương mà còn có giá trị văn hóa, tinh thần phản ánh cuộc sống sinh hoạt của người dân Hà Nội xưa.

Chợ Đồng Xuân không những là đầu mối phân phối, buôn bán hàng hóa mà còn là trung tâm chỉ đạo các hoạt động kinh tế của thành phố Hà Nội và chi phối cả Bắc Kỳ. Đặc biệt từ khi người Pháp xây dựng xong cầu Long Biên thì chợ Đồng Xuân còn thu hút được sự chú ý của giới thương nhân nước ngoài, nhất là các nước Pháp, Tây Ban Nha, Ấn Độ....thường xuyên qua lại buôn bán. Số thương nhân người Việt cũng như người nước ngoài đến làm ăn ở đây ngày càng nhiều làm cho không khí buôn bán ở Đồng Xuân càng thêm tấp nập.

Đông Ba

Chợ Đông Ba dưới thời vua Gia Long tọa lạc ở bên ngoài cửa Chánh Đông (cửa Đông Ba). Sau biến cố kinh thành Huế 1885 chợ bị thực dân Pháp triệt hạ. Năm 1887, vua Đồng Khánh cho xây dựng lại lấy tên là Đông Ba. Năm 1899, vua Thành Thái cho dời chợ Đông Ba về vị trí hiện nay. Trải qua thời gian chợ Đông Ba đã nhiều lần tu sửa với diện tích 47.614m2 từ cầu Gia Hội đến cầu Trường Tiền, một mặt là sông Hương, một mặt là phố chính Trần Hưng Đạo, chợ Đông Ba có kiến trúc ba lầu vuông vức với hàng ngàn lô hàng đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hoá của nhân dân.

Ba ngôi chợ mang biểu tượng của ba miền Việt Nam

Ngày nay chợ Đông Ba nằm dọc theo bờ bắc sông Hương, bên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Huế cách cầu Trường Tiền khoảng 100m về phía bắc.Chợ Đông Ba là trung tâm thương mại lớn nhất của tỉnh Thừa Thiên - Huếvà khu vực.

Những tinh tuý văn hoá vật chất của Thừa Thiên - Huế còn giữ được cho đến nay đều có thể tìm thấy ở chợ Ðông Ba như: nón lá Phú Cam, dao kéo Hiền Lương, đồ kim hoàn Kế Môn, mè xửng Song Hỷ, dâu Truồi, chè Tuần, quít Hương Cần, thanh trà Lại Bằng, sen khô hồ Tịnh, hàng mã hoa giấy làng Sình… và cả những món ăn Huế truyền thống, bình dân như: cơm hến, bún bò, bánh lá, chả tôm, bánh khoái, chè đậu ván...Chợ Ðông Ba đã trở thành trung tâm cung cấp những sơn hào hải vị cho các nhà hàng, khách sạn quốc tế, bán các món đặc sản Huế cho khách du lịch từ bốn bể năm châu đến tham quan di sản thế giới tại Huế

Bến Thành

Nằm ngay bên cạnh quảng trường Quách Thị Trang và công viên: 23/9 là khu chợ Bến Thành. Chợ có bốn cổng, mỗi cổng có gắn đồng hồ và hướng ra các tuyến phố chính như: Cửa Bắc nhìn ra đường Lê Thánh Tôn, cửa Nam nhìn ra đường Lê Lợi, cửa Đông nhìn ra đường Phan Bội Châu, cửa Tây nhìn ra đường Phan Chu Trinh và cổng chính có tháp cao nhìn ra quảng trường Quách Thị Trang.

Ba ngôi chợ mang biểu tượng của ba miền Việt Nam

Hình thành từ trước khi người Pháp đặt chân đến vùng đất này, ngôi chợ khởi thủy nằm ven sông Bến Nghé, ở một bến cận thành Quy (thành Gia Định) nên có tên là Bến Thành. Đến năm 1911, chính quyền thuộc địa Pháp quyết định dời chợ về vị trí hiện nay, khi ấy còn là một cái ao sình lầy. Chợ được khởi công từ năm 1912 cho đến cuối tháng 3-1914 mới hoàn tất và hoạt động liên tục kể từ đó cho đến nay.

Các tiểu thương ở chợ Bến Thành ngày nay không còn mang hình ảnh những phụ nữ cần cù, lam lũ, chịu thương chịu khó như trước đây nữa mà đều là những nhà kinh doanh thực thụ. Họ trẻ trung, xinh đẹp, ăn mặc thời thượng và đặc biệt là nói ngoại ngữ rất lưu loát, từ Anh, Hoa, Nhật, Hàn, Pháp, Đức….và thậm chí cả tiếng Campuchia. Chuyện người bán hàng nói hai, ba ngoại ngữ một cách thông thạo không còn là mới ở chợ Bến Thành. Theo một nhân viên ban quản lý chợ, có đến 80 – 90% nhân viên bán hàng của các quầy quần áo, mỹ phẩm, thổ cẩm, hàng lưu niệm… nói được ít nhất hai ngoại ngữ trở lên.

Ba ngôi chợ mang biểu tượng của ba miền Việt Nam

Khách vãng lai, khách du lịch, nhất là Việt kiều, khách nước ngoài… đã đến Sài Gòn thì đều thích ghé qua chợ Bến Thành, vì nó là đặc trưng văn hóa chợ của người Sài Gòn. Hầu hết các công ty du lịch, các hãng lữ hành… trong và ngoài nước đều đưa chợ Bến Thành vào tour của mình. Tờ tin tức USA Today của Mỹ đã xếp hạng 45 khu chợ ẩm thực tuyệt vời nhất thế giới, trong đó chợ Bến Thành của Việt Nam đứng thứ 15. Những khu chợ này đều được coi là biểu tượng văn hóa của mỗi quốc gia.

Minh Phan (Tổng hợp)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm