Ba ngày chinh phục "đỉnh núi ước mơ" của các phượt thủ ở Tây Bắc

Nguyễn Đức Hùng

(Dân trí) - Đoàn leo núi gồm 8 người, đã có 3 ngày 2 đêm trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trong hành trình chinh phục đỉnh núi có cung leo khó nhất Việt Nam - Nam Kang Ho Tao.

Nam Kang Ho Tao cao 2.881m nằm ở thôn Tả Trung Hồ, xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa (Lào Cai). Từ năm 2017, đỉnh núi được nhiều người biết tới và nhanh chóng trở thành điểm đến mơ ước của các phượt thủ ưa mạo hiểm vì độ khó và vẻ đẹp.

Nam Kang chỉ đứng thứ 12 trong số 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam nhưng  được đánh giá là cung leo khó chinh phục nhất, bởi quãng đường dài (khoảng 42 km) và phải vượt qua các con suối lớn, các con dốc dựng đứng liên tục, các vách đá cheo leo nguy hiểm.

Ba ngày chinh phục đỉnh núi ước mơ của các phượt thủ ở Tây Bắc - 1

Độ cao trung bình nhưng đỉnh Nam Kang Ho Tao được đánh giá là chặng leo núi khó chinh phục nhất (Ảnh: Dũng Coli)

Tháng 10, nhóm leo núi của anh Đức Hùng (Hà Nội) gồm 8 người với những đôi chân kinh nghiệm, quyết tâm chinh phục ngọn núi trong 3 ngày 2 đêm.

Theo anh Đức Hùng, đoàn đi xe ô tô giường nằm từ Hà Nội trước một đêm, đến cầu Pắc Ta ở huyện Tân Uyên (Lai Châu) vào sáng sớm. Sau khi gặp gỡ các porter (người dẫn đường và gùi đồ địa phương), nhóm đi xe ôm khoảng 10km vào bản Thào A để xuất phát leo.

"Nhóm 8 người nhưng thuê tới 6 porter vì đây là cung leo khó. Lúc xuống núi theo mạn Lào Cai chưa có lán nghỉ dịch vụ nên chúng tôi phải mang theo nhiều đồ như lều, túi ngủ và nồi để nấu ăn cho đêm thứ 2", anh Đức Hùng kể. 

Sau khoảng 1km đầu tiên khá dễ dàng vượt qua các con suối nhỏ đến chân đèo nằm dưới núi Yên Ngựa, đường bắt đầu khó dần.

Để vượt qua 4 đoạn có các vách đá cao như tòa nhà 4-5 tầng, đoàn phải cẩn thận lần bò từng bước vì biết rằng chỉ cần sơ sẩy có thể ngã xuống vực sâu. Cũng may thời tiết ủng hộ. Trời nắng ráo, các vách núi khô nên nhóm không khó để bám và đu người lên.

Ba ngày chinh phục đỉnh núi ước mơ của các phượt thủ ở Tây Bắc - 2

Đường lên đỉnh đi qua chân con thác cạn, phía dưới là vực. Trời mưa thác sẽ tuôn nước, cố đi qua sẽ rất nguy hiểm (Ảnh: Đức Hùng)

Ba ngày chinh phục đỉnh núi ước mơ của các phượt thủ ở Tây Bắc - 3

Ở một vài con dốc khó, người dân địa phương đã bố trí dây thừng để người leo núi có thể dễ leo hơn (Ảnh: Đức Hùng).

Anh Mạnh Chiến, quản trị viên của Hội Những người đam mê leo núi hơn 100.000 thành viên, cho biết:  "Cung leo Nam Kang Ho Tao không dành cho những người mới leo, nếu gặp trời mưa thì không nên đi tiếp vì các vách núi cheo leo lúc đó trơn trượt, rất nguy hiểm nếu cố vượt qua".

Khoảng 12h kém, đoàn leo núi đến một con suối lớn để ăn trưa và nghỉ ngơi lấy lại sức. Trong lúc các porter chuẩn bị đồ ăn là xôi, bánh mì với giò, chả và hoa quả, các thành viên tranh thủ ngâm chân trong dòng suối lạnh ngắt để giúp đôi chân phục hồi.

Ba ngày chinh phục đỉnh núi ước mơ của các phượt thủ ở Tây Bắc - 4

Đường đi hiểm trở và không nhiều lối mòn như những chặng leo núi khác (Ảnh: Dũng Coli).

Sau khoảng 45 phút ăn trưa và nghỉ ngơi, nhóm tiếp tục hành trình đi lên lán nghỉ.

"Lại là các con dốc gắt dài như bất tận. Cũng may, gần như toàn bộ đường đi dưới tán cây rừng nên chúng tôi không bị nắng nóng và mất nước.

Cứ leo khoảng 30 phút, chúng tôi dừng và nghỉ vài phút uống nước và đi tiếp vì nghỉ lâu sẽ làm các cơ bị cứng và cơ thể bị lạnh.

Càng lên cao chúng tôi càng vào sâu trong rừng nguyên sinh, cảnh vật và thời tiết cũng thay đổi. Trời mù sương và lạnh hơn khiến cho khu rừng và các con suối trở lên đẹp và ma mị hơn.

Leo liên tục 5 tiếng, 3 người đầu tiên của nhóm cũng đã đến được với lán nghỉ lúc 17h30. Ai cũng thở phào vì nếu tiếp tục leo nữa chắc không còn sức", anh Hùng nói.

Ba ngày chinh phục đỉnh núi ước mơ của các phượt thủ ở Tây Bắc - 5

Lán nghỉ của cả đoàn (Ảnh: Đức Hùng).

Theo anh Hùng, lán nghỉ được người dân địa phương dựng ở một khu đất khá bằng phẳng cách đây gần 1 năm. Lán chính có thể chứa được khoảng 60 người. Một lán khác nhỏ hơn nằm cách đó không xa có thể chứa được khoảng 40 người.

Nước để phục vụ sinh hoạt cho lán được dẫn từ ngọn suối cách đó không xa. Lán nghỉ giúp cho du khách, các porter rất nhiều vì không phải ngủ ngoài lều rất lạnh vào ban đêm cũng như không phải mang theo nồi, xoong và túi ngủ.

Trong khi các porter nấu ăn, đoàn leo núi tranh thủ tắm (có nước nóng) và nghỉ ngơi. Nhóm cuối cùng trong đoàn về tới lán lúc 18h30.

Ba ngày chinh phục đỉnh núi ước mơ của các phượt thủ ở Tây Bắc - 6

Bên trong lán nghỉ khá đơn sơ, không có điện lưới (Ảnh: Đức Hùng).

Đoàn của anh Hùng ăn tối lúc 19h30, các món gồm lẩu gà, bò và sườn non, rau được các porter chuẩn bị. Sau khi ăn xong cả đoàn nhanh chóng đi ngủ để chuẩn bị cho ngày hôm sau.

"Cả đoàn dậy lúc 5h30. Chúng tôi vệ sinh cá nhân và ăn sáng, xuất phát leo lên đỉnh lúc 7h. Có kế hoạch sau khi lên đỉnh sẽ xuống núi theo mạn Lào Cai để ngắm được hết cảnh đẹp của núi rừng và có trải nghiệm leo khác nhau, nên nhóm 3 porter chuyển đồ tới thẳng lán ở phía Lào Cai, còn 3 porter khác dẫn chúng tôi lên đỉnh", anh Hùng nói.

Ba ngày chinh phục đỉnh núi ước mơ của các phượt thủ ở Tây Bắc - 7

Thời gian lý tưởng nhất để leo Nam Kang Ho Tao là tháng 10 khi thời tiết mát, trời vào mùa khô, ít gặp mưa rừng, tránh nguy cơ bị lũ quét (Ảnh: Đức Hùng).

Đoạn đường từ lán lên đỉnh vượt qua nhiều cung suối và thác nước đẹp như trong rừng cổ tích. Sau 3 tiếng leo, các thành viên đến ngã ba chia đường đi về Lào Cai, Lai Châu và lên đỉnh Nam Kang Ho Tao.

Từ đây lên đỉnh khoảng 1,5 tiếng leo qua một con dốc cao liên tục. Khu vực trên đỉnh là nơi trú ngụ của đỗ quyên cổ thụ, dẻ, dổi, gõ và trúc nhỏ. Các porter cho biết vào mùa hoa đỗ quyên tháng 3 và 4 hoa nở rực rỡ rất đẹp.

Ba ngày chinh phục đỉnh núi ước mơ của các phượt thủ ở Tây Bắc - 8

8 thành viên trong đoàn chụp ảnh với chóp inox ở trên đỉnh (Ảnh: Đức Hùng).

Sau 4,5 tiếng leo từ lán nghỉ, người đầu tiên trong đoàn chạm tới chóp inox trên đỉnh lúc 11h30. Nhiệt độ trên đỉnh lúc này khoảng 12 độ C. Nhóm cuối cùng trong đoàn lên đỉnh lúc 12h30. Sau khi chụp ảnh lưu niệm và ăn trưa với đồ ăn nhẹ là bánh mì, cơm nắm với thịt, cá hộp, đoàn leo của anh Hùng xuống núi lúc 13h30.

Ba ngày chinh phục đỉnh núi ước mơ của các phượt thủ ở Tây Bắc - 9

Thời tiết đã vào mùa khô, suối ít nước nhưng các tảng đá đầy rêu rất trơn, các thành viên trong đoàn leo nhiều lần bị ngã dù đã rất cẩn thận (Ảnh Dũng Coli).

Đường từ đỉnh núi đi về phía Lào Cai qua Vườn Quốc gia Hoàng Liên hiện chưa được mở cho du khách trừ khi được cấp phép. Do ít người qua lại nên cây cối mọc kín hết lối mòn.

Đoạn đường về tới lán thảo quả đi vắt qua vắt lại hai con suối lớn, nếu không bám nhau rất dễ bị lạc. Thời tiết đã vào mùa khô nên suối ít nước nhưng các tảng đá đầy rêu rất trơn, các thành viên nhiều lần bị ngã dù đã rất cẩn thận.

Phía rừng thuộc Vườn Quốc gia Hoàng Liên bên Lào Cai có tổng cộng hơn 14 cung suối lớn nhỏ. Nhóm đầu tiên của đoàn về tới lán thảo quả lúc 17h30, nhóm cuối cùng về lúc 19h30.

"Chúng tôi đã tính toán sai khả năng đi của các thành viên trong đoàn và 3 người trong nhóm được porter dẫn đi trong điều kiện trời tối dù có đèn đội đầu và đây là một điều nên tránh khi đi rừng.

Lán nghỉ được người dân địa phương dựng tạm để vào rừng sấy thảo quả mỗi khi thu hoạch. Lán không được dựng kín và không có sàn nên chúng tôi phải dựng lều ở trong lán đề phòng trời mưa và lạnh. Lán nằm ngay cạnh suối nên thuận tiện cho việc tắm và nấu ăn", anh Hùng chia sẻ.

Ba ngày chinh phục đỉnh núi ước mơ của các phượt thủ ở Tây Bắc - 10

Một số thành viên rời lán sấy thảo quả để về bản Dền Thàng (Ảnh: Đức Hùng).

Ngày hôm sau đoàn xuất phát lúc 7h30. Khu rừng nguyên sinh từ lán xuống chân núi được đánh giá là đẹp nhất cung leo.

Các ngọn thác và suối thơ mộng, thảo quả mọc bạt ngàn phía dưới, rừng nguyên sinh với các cây quý hiếm như bách xanh, thông đỏ, đỗ quyên đặc biệt là pơ mu, mỗi cây có đường kính hơn 1m. Các thành viên trong đoàn tranh thủ chụp ảnh làm kỷ niệm.

Ba ngày chinh phục đỉnh núi ước mơ của các phượt thủ ở Tây Bắc - 11

Trên đường xuống núi theo hướng Lào Cai xuyên qua rừng quốc gia Hoàng Liên, đoàn ghé chụp ảnh với cây pơ mu 400 năm tuổi (Ảnh: Đức Hùng).

Sau khi tụt xuống một con dốc dài tưởng như bất tận, các thành viên trong đoàn tới suối Đá, con suối lớn nhất cung leo, để nghỉ và đợi các thành viên khác trong đoàn.

Theo anh Tẩn Khệ, người dân tộc Dao có nhiều năm dẫn các tour leo núi, cung leo Nam Kang Ho Tao khá khó đi.

"Cung leo Nam Kang Ho Tao là cung leo dài thứ 2 trong tổng số 15 cung leo các đỉnh núi cao nhất ở Việt Nam, chỉ đứng sau Pusilung (ngọn núi nằm ở xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu).

Tuy nhiên, cung có các dốc núi cao hơn và nhiều vách núi chênh vênh nguy hiểm hơn, nên các porter chúng tôi đều thấy rằng Nam Kang Ho Tao là đỉnh núi khó chinh phục nhất", anh Khệ chia sẻ.

Đoàn của anh Hùng về tới bản Dền Thàng lúc 12h30 sau đúng 5 tiếng leo và lên xe đã hẹn trước để về Sa Pa, từ đó di chuyển về Hà Nội, kết thúc hành trình chinh phục đỉnh núi khó nhất Việt Nam.

"Chúng tôi đã có một chuyến đi thật gian nan, nhiều thử thách nhưng cũng đã trở về an toàn và khỏe mạnh. Đặc biệt, chúng tôi cũng mang theo mình những trải nghiệm thiên nhiên tuyệt vời mà không phải ai cũng may mắn có được trong đời", anh Hùng nói.