Ba địa danh đẹp siêu thực “bước ra” từ ngòi bút của nhà văn Việt Nam
(Dân trí) - Đó là ba địa danh đẹp kỳ diệu cả trong văn học và ngay cả đời thường khiến bất kỳ ai đã một lần đặt chân tới, sẽ ngỡ mình lạc bước chốn thiên thai.
Lặng lẽ Sapa
Với nhiều người Việt Nam và cả tác giả trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”, Sapa là một nơi đáng đến với vẻ đẹp sống động, và đầy chất thơ.
Dưới ngòi bút của nhà văn Nguyễn Thành Long, Sa Pa không những đẹp bí ẩn mà địa danh này còn mang vẻ đẹp hoang dã mà ngược lại thiên nhiên nơi đây.
Mây Sapa hiện ra mang một vẻ đẹp kì thú. Sa Pa với núi cao với thác đổ trắng xóa, đường núi uốn lượn quanh co, cây cối rậm rạp cứ chen nhau hiện dần lên bức tranh mỗi lúc một hấp dẫn: những rặng đào, những đàn bò lang cổ có đeo chuông ở các đồng cỏ trong thung lũng hai bên đường, sự sống thật thanh bình, yên ả.
Nguyễn Thành Long miêu tả, những con đèo trên Sa Pa khi được nắng chiếu sáng cũng trở nên đẹp lạ thường: nắng đã mạ bạc cả con đường đèo. Hoa ở Sa Pa thì muôn màu rực rỡ.
Không chỉ khi ra đời tác phẩm “Lặng lẽ Sapa”, du khách mới biết đến Sapa, mà trước đó đây đã là điểm nghỉ dưỡng lý tưởng của nhiều người…
Qua Đèo Ngang
Có lẽ là người Việt, dẫu cho đã từng đi du lịch qua miền Trung rồi hay chưa, không ai không biết đến bài thơ Qua Đèo Ngang rất nổi tiếng của Bà Huyện Thanh Quan. Với bóng xế tà cộng chút lặng của nhà thơ, Đèo Ngang nghiễm nhiên trở thành một cụm từ đi vào lòng mọi người một cách nhẹ nhàng, dẫu cho nhiều người còn không biết rõ, đèo Ngang ấy nằm ở “khúc nào” của đất nước.
Nằm ở vị trí ranh giới của 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, Đèo Ngang còn được gọi với tên Hoành Sơn Quan, có chiều dài chỉ khoảng 6km, cách thành phố Đồng Hới gần 100km. Trong các điểm du lịch Quảng Bình, hay những tour du lịch Phong Nha Kẻ Bàng, Đèo Ngang luôn được nhắc đến như thể quá quen thuộc với mọi du khách. Không biết có phải từ thơ của Bà Huyện Thanh Quan, mà Đèo Ngang trở nên gần gũi với du khách hay không, nhưng có một thực tế là, trong số các đường đèo, Đèo Ngang được xem là đường đèo chiếm nhiều thiện cảm của khách lữ hành nhất.
Đứng trên đỉnh đèo giữa bốn phương ào ào gió lộng, núi non bao la hùng vĩ, một không gian khoáng đãng làm cho lòng người dạt dào cảm xúc. Phóng tầm mắt về phía xa, những ngọn núi trông như một dãy lụa xanh mượt mà, uốn lượn, tung bay trong gió. Đằng xa còn có những rừng thông vi vu đẹp đến nao lòng.
Khi chiều xuống, sương mây nặng dần trên đỉnh núi mang theo cái se lạnh của đất trời mang đến một cảm xúc nao nao khó tả. Đứng trước một khung cảnh thơ mộng, tâm hồn bạn dường như nhẹ nhàng, thanh thản hơn và có nhiều cảm xúc mà trước đây do bận rộn, chúng ta phớt lờ hay không nhận ra. Đèo Ngang cũng là nơi chứng kiến nhiều sự kiện bi hùng của dân tộc từ thời dựng nước cho đến nay.
Ngày nay, đã có một đường hầm xuyên đèo, dài gần 500m, được xây dựng hiện đại và kiên cố với 6 làn xe lưu thông, song có rất nhiều người vẫn giữ thói quen phải đi qua đèo. Một lần đi qua đèo, là một lần tận hưởng sự khoáng đạt của cây cỏ đất trời, để cảm nhận những thanh âm trong trẻo từ tự nhiên đầy thi vị,
Sông Đà hùng vĩ
Cho đến nay, sau tác phẩm nổi tiếng “Người lái đò trên Sông Đà” cuả nhà văn Nguyễn Tuân, địa danh này đang là một điểm đến được nhiều người ưa chuộng. Đó là những trải nghiệm thư giãn trên sông thì ngồi trên thuyền chạy dọc sông giữa nắng và gió. Với nước xanh biếc, hai bên bờ núi nhấp nhô một màu xanh của cây cối, tạo lên một thế giới xanh tuyệt đẹp. Đó là những quả đồi thấp đứng dìm chân dưới nước xanh ngát, bên trên là rừng măng lang nhọn tua tủa đâm lên trời, trông như những ngọn giáo.
Được ví như một Hạ Long ở trên núi. Khi sông Đà bị ngăn lại, nước đã dâng lên ngập cả một vùng rộng lớn và những ngọn núi cao vời vợi lại trở thành những hòn đảo bồng bềnh. Lênh đênh trên mặt hồ, du khách có thể bắt những chiếc thuyền mảng, bè nứa, thuyền máy và sà lan vận chuyển hàng hóa đi lại khắp nơi.
Chiều xuống, hoàng hôn Sông Đà rực lửa, mặt trời đỏ ối tròn căng khuất dần sau những rặng núi tím sẫm, không gian trong lành mát mẻ, những gợn sóng nước lăn tăn. Sớm mai, bình minh lại khẽ khàng đánh thức du khách bằng tiếng chim chóc lích rích, tiếng mái chèo đạp nước, tiếng sà lan chạy ầm ì… Những thanh âm của cuộc sống giữa xứ Mường sẽ gieo vào lòng du khách những cảm xúc êm dịu và bình an.
Hữu Thắng (Tổng hợp)