Áp sàn giá vé máy bay "đánh" thẳng vào 70% khách du lịch?
(Dân trí) - Theo TS. Lương Hoài Nam, chuyên gia du lịch - hàng không thì việc giá vé máy bay tăng sẽ là đòn knock-out với ngành du lịch, khiến cơ hội phục hồi của ngành du lịch rất khó khăn.
Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông Vận tải áp mức giá tối thiểu (giá sàn) bằng 20% mức giá tối đa vé máy bay phổ thông nội địa hiện tại từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/10/2022.
Cụ thể, với các đường bay dưới 500 km, mức giá tối thiểu đề nghị áp dụng với nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội là 320.000 đồng/chiều/hành khách, tối đa là 1,6 triệu đồng vé/chiều. Nhóm đường bay khác dưới 500 km, mức giá tối thiểu là 340.000 đồng, tối đa là 1,7 triệu đồng.
Việc áp giá sàn vé máy bay 320.000 đồng/chiều/hành khách, đồng nghĩa với "xóa sổ" vé 0 đồng. Điều này gây thiệt hại cho người tiêu dùng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch.
"Giá vé tăng, người tiêu dùng thiệt thòi"
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel nói:
"Việc áp giá sàn vé máy bay gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Bởi, trước đây, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hãng hàng không giá tốt, dịch vụ bảo đảm. Có hãng hàng không vào giai đoạn thấp điểm hay những chuyến bay giờ xấu đã áp dụng mức vé giá thấp nhất, thậm chí 0 đồng. Nhưng giờ sẽ không có giá vé thấp hơn nữa, thấp nhất là giá sàn rồi.
Bên cạnh đó, việc áp giá sàn vé máy bay ảnh hưởng rất nhiều đến du lịch, bởi lượng khách du lịch đi đường hàng không chiếm tỷ trọng rất lớn. Từ Hà Nội đến Huế, hay Phú Quốc, Nha Trang…, người ta đều chọn đi đường hàng không.
Giờ giá vé máy bay tăng, cấu thành giá tour cao sẽ hạn chế việc kích thích lượng khách đi du lịch. Giá vé thấp còn kích thích người dân đi du lịch, giá vé cao quá họ sẽ có những lựa chọn khác như đi du lịch gần thôi, di chuyển bằng ô tô. Ngành du lịch vốn bị ảnh hưởng rất mạnh sẽ càng khó phục hồi hơn.
Dù đề xuất áp dụng giá sàn vé máy bay có thời điểm thôi nhưng tôi cũng không đồng tình".
Ông Nguyễn Tiến Đạt đề xuất: "Để kích cầu ngành du lịch, và cũng để hài hòa giá vé, có thể chia thành vé lẻ và vé đoàn. Vé lẻ rất khó phân biệt người ta đi du lịch hay đi đâu nhưng vé đoàn thường là đi du lịch. Có thể tính, vé lẻ áp dụng mức giá sàn nhưng không được cao quá. Vé đoàn cũng có mức giá sàn nhưng thấp hơn mức giá lẻ. Như thế, không có giá vé 0 đồng nhưng người tiêu dùng vẫn vui vẻ chấp nhận".
Giá sàn vé máy bay "đánh" thẳng vào ngành du lịch
Xác nhận với phóng viên Dân trí, TS. Lương Hoài Nam, chuyên gia du lịch - hàng không thì việc lập giá sàn vé máy bay không chỉ sẽ giáng đòn chí mạng vào sự phục hồi của nền kinh tế mà còn là đòn knock-out với ngành du lịch. Bởi du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi không thể kích cầu do 70% khách đi du lịch bằng đường hàng không, và chi phí vé máy bay chiếm 40-50% giá tour.
"Hiện tại, thị trường du lịch cả nội địa, quốc tế đều đã về số không. Khi được mở lại, các doanh nghiệp du lịch cần phải kích cầu mạnh để lên nhanh từ số không. Cần nhiều gói du lịch giá rẻ, vì đại dịch đã làm cho rất nhiều người nghèo đi. Các khách sạn, công ty tour sẽ bán rẻ giá buồng, giá tour nhưng họ cần vé máy bay giá rẻ, vì vé máy bay chiếm một phần lớn trong giá tour.
Trước đại dịch Covid-19, ngành du lịch đóng góp vào trên dưới 10% GDP của đất nước. Giá sàn vé máy bay sẽ làm cơ hội phục hồi của ngành du lịch rất khó khăn, thậm chí bế tắc.
Giá sàn vé máy bay cũng sẽ tác động tiêu cực vào nhiều lĩnh vực kinh tế khác, kể cả thương mại, đầu tư, vì nó sẽ làm giảm số lượng chuyến bay, lựa chọn chuyến bay trở nên khó khăn hơn", TS. Lương Hoài Nam khẳng định.