4 đặc sản kinh dị “đãi khách quý” ở vùng cao Nghệ An

(Dân trí) - Không sở hữu những món sơn hào hải vị khiến du khách “phát thèm” ngay từ lần đầu nhìn thấy, nhưng chắc chắn văn hoá ẩm thực của người dân ở vùng cao Nghệ An sẽ đem đến cho người được trực tiếp trải nghiệm nhiều bất ngờ thú vị.

Chuột rừng

Tháng 2 (âm lịch) là thời điểm giáp hạt và cũng là lúc người dân ở miền Tây Nghệ An tấp nập đi “săn” chuột rừng. Khác với chuột đồng, chuột rừng khá to, có con đạt tới trọng lượng 300 - 500 gram. Do ăn lá cây, quả rừng, ngô lúa nương,... nên chúng được bà con xem là thực phẩm sạch.

Cách thức săn chuột là đặt bẫy để qua đêm. Khi đặt bẫy, người có kinh nghiệm sẽ quan sát để phát hiện được những lối mòn có dấu chân chuột đi qua, từ đó tính toán vị trí cho phù hợp. Thời gian đặt bẫy thường là vào chiều tối, sáng dậy mới đi kiểm tra và thu bẫy về. Hiện tại chuột rừng được bán tại các chợ với giá có thể lên đến 100.000 đồng/con.

Quan niệm của người vùng cao là chỉ có khách quý mới được đem thịt chuột rừng ra để tiếp đãi.
Quan niệm của người vùng cao là chỉ có khách quý mới được đem thịt chuột rừng ra để tiếp đãi.

Chuột rừng săn về, người ta dùng rơm hay cỏ tranh khô thui vàng rồi mới mang đi mổ bụng, lấy hết nội tạng, chặt bỏ đầu, đuôi, chân. Sau đó rửa sạch sẽ, để ráo nước rồi cho lên bếp phơi khô.

Trong các căn bếp của người Khơ Mú, người Thái hay người Mông ở Kỳ Sơn (Nghệ An) đều có vài ba con chuột rừng được “giàng” lên, phòng khi có khách quý đến chơi. Chuột rừng có thể làm được nhiều món như xào sả ớt, nướng,… nhưng được ưa chuộng nhất vẫn là nậm nhoọc. Đây là món súp thịt chuột nấu với cà, lá rau rừng, các loại gia vị vùng cao, đun trong thời gian lâu cho nhừ, tan nhuyễn ra.

Nòng nọc suối

Theo tiếng địa phương, nòng nọc được gọi là bu bu hoặc bâu bâu. Những con nòng nọc béo mẫm, to bằng ngón tay chỉ để đãi khách quý hoặc chế biến khi trong nhà có việc gì đó trọng đại.

Vào khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 11 âm lịch hàng năm, người địa phương thường vào rừng từ đầu giờ sáng hoặc lúc chiều muộn để bắt nòng nọc. Lúc này, nước ở các con suối mát và khá yên tĩnh, nòng nọc thường lượn lờ kiếm ăn ở các khe đá nhỏ.

Nòng nọc khiến nhiều người rùng mình khi nhìn thấy.
Nòng nọc khiến nhiều người rùng mình khi nhìn thấy.

Dụng cụ dùng để bắt nòng nọc rất đơn giản, chỉ cần một chiếc dậm và một chiếc giỏ tre cùng lá khoắn làm mồi nhử. Người ta chỉ cần khéo léo thả nhẹ từng chiếc lá khoắn vào một chiếc dậm đặt bên khe suối. Sau khi “ngửi” được hơi lá khoắn, hàng loạt nòng nọc từ trong các khe đá sẽ kéo nhau đến tìm ăn. Lúc này chỉ cần nâng nhẹ chiếc dậm, hứng ngược dòng suối là có thể bắt được vô số nòng nọc.

Người đồng bào khẳng định, các loại thịt gà, vịt, trâu, bò…cũng không thể ngon và bổ dưỡng bằng nòng nọc. Nòng nọc có thể dùng chế biến ra nhiều món ăn như: nấu canh chua, lam, xào, bọc lá chuối nướng...

Ve sầu

Mùa ve sầu thường bắt đầu từ đầu tháng 2 âm lịch đến khoảng tháng 5 âm lịch thì kết thúc. Nếu muốn có món ăn ngon từ ve, người dân phải đi bắt từ lúc trời sẩm tối – thời điểm ve bắt đầu lột xác từ ấu trùng để trưởng thành. Lúc này, thân ve sầu rất mềm, hay còn gọi là ve sầu sữa. Chỉ sau khi lột xác khoảng 30 phút, cánh của chúng khô cứng lại, ăn sẽ không còn ngon.

Nhộng ve sầu được xem như một đặc sản quý hiếm.
Nhộng ve sầu được xem như một đặc sản quý hiếm.

Người đi “săn” ve sầu chỉ cần cầm 1 viên đá to, đập mạnh vào các cây có ve đậu nhiều để ve rớt xuống. Tiếp đến, người ta cầm đèn pin chiếu thẳng xuống đất, thu hút sự chú ý của hàng chục, hàng trăm con ve sầu. Công việc duy nhất còn lại là bắt ve đem bỏ vào giỏ.

Ve sầu được chế biến bằng cách chiên giòn hoặc băm nhỏ làm nem. Sau khi bắt được ve, người dân cho vào túi buộc kín lại, đem về rửa sạch trong nước muối loãng để chúng không mọc cánh mà thoát xác được. Để không bị ngộ độc, ve lại được nhúng qua nước sôi rồi rửa sạch bằng nước lạnh.

Trên bếp lửa rực hồng, người ta cho những con ve sầu vào chảo dầu nóng, khi thấy chúng chuyển sang màu vàng là đã chín. Vị bùi bùi của ruột ve sau lớp vỏ giòn tan thơm phức, thêm đậm đà khi chấm vào bát nước mắm, và kết thúc là cái cay tê lưỡi của rượu Nghệ An luôn kích thích vị giác của những người khó tính.

Rắn mối

Rắn mối cũng được xem là một trong những món ăn độc đáo của nhiều người Nghệ An, nhất là khu vực miền Tây. Thực khách lần đầu nhìn thấy loài bò sát này chắc chắn không tránh khỏi nỗi sợ hãi, nhưng nếu có can đảm thưởng thức thì thật khó lòng quên nổi hương vị ngọt thơm, đậm đà rất đặc trưng.

Rắn mối còn được dân gian gọi vui là loài “rắn 4 chân”
Rắn mối còn được dân gian gọi vui là loài “rắn 4 chân”

Rắn mối xuất hiện nhiều vào khoảng tháng 11, 12. Toàn thân rắn mối phủ một lớp vảy màu đen óng ánh. Chúng thường bò trên nền đất, ngoài vườn, thậm chí xuất hiện cả trên vách lá trong nhà. Rắn mối có mũi và lưỡi nhạy bén để săn mồi, chúng chạy rất nhanh và có thể “hi sinh” cái đuôi để thoát thân khi gặp nguy hiểm.

Người ta thường bắt rắn mối bằng cách câu như câu cá. Chỉ cần lấy ít cơm nguội trộn với cám hay lột vài ba con tép trấu móc vào lưỡi câu, nhẹ nhàng thả vào trong các bụi cây có rắn mối sinh sống thì thế nào cũng có vài con dính mồi.

Rắn mối mang về được đem cạo sạch vảy, chặt bỏ đầu, chân, bỏ ruột. Lưu ý, bằng mọi giá phải giữ lại chiếc đuôi của loài bò sát này vì đây mới là phần bổ nhất. Thịt rắn mối có thể làm được rất nhiều món ngon miệng như nướng than, chiên giòn, xào sả ớt, cháo rắn mối… Món nào cũng dễ chế biến mà hương vị lại đậm đà, đặc trưng.

Hoàng Ngọc

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm