300 suất phở, hơn 500 chiếc nem Việt được khách Trung Đông ăn hết veo
(Dân trí) - Gần 300 suất phở, hơn 500 chiếc nem cuốn và nem rán đã được công chúng thưởng thức trọn vẹn chỉ sau 2 giờ trong buổi khai mạc "Ngày Việt Nam tại Ả-rập Xê-út 2024".
Đưa văn hóa Việt Nam tới Trung Đông
Chương trình Ngày Việt Nam tại Ả-rập Xê-út 2024 diễn ra từ ngày 13 đến 15/12. Chương trình mang ý nghĩa đặc biệt, góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út.
Chuỗi sự kiện này không chỉ giới thiệu những giá trị văn hóa truyền thống mà còn thể hiện khát vọng hội nhập và phát triển của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Địa điểm tổ chức sự kiện nằm trong khu ngoại giao đoàn tại thủ đô Riyadh nên đã thu hút đông đảo khách quốc tế, đặc biệt là các đại diện ngoại giao từ nhiều quốc gia.
Ông Hoàng Hữu Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Đại sứ Việt Nam tại Ả-rập Xê-út Đặng Xuân Dũng và ông Mohammed Al Otaibi, Vụ trưởng Vụ Du lịch và Sự kiện, Bộ Ngoại giao Ả-rập Xê-út đã cùng thực hiện nghi thức cắt băng khai mạc, mở màn cho chuỗi hoạt động kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Với chủ đề Hội tụ tinh hoa ngàn năm văn hóa - Vươn mình trong kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng, chương trình Ngày Việt Nam tại Ả-rập Xê-út 2024 khẳng định bản sắc văn hóa độc đáo của Việt Nam, đồng thời là minh chứng cho chiến lược ngoại giao văn hóa toàn diện và hiện đại, đưa văn hóa Việt Nam vươn xa trên bản đồ thế giới.
Không gian sự kiện được thiết kế tinh tế với tổ hợp trưng bày cùng các hoạt động trải nghiệm, giao lưu văn hóa đa dạng, phong phú, mang đậm bản sắc Việt.
Triển lãm ảnh Tinh hoa văn hóa Việt Nam và Các di sản thế giới tại Việt Nam được UNESCO ghi danh là điểm nhấn, giới thiệu đất nước Việt Nam tươi đẹp.
Công chúng Ả-rập Xê-út có cơ hội ngắm nhìn hình ảnh các danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa đặc sắc của nước ta, từ đó có cái nhìn rõ hơn về công tác bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
Khu vực trải nghiệm nghệ thuật nhận được sự quan tâm từ công chúng Ả-rập Xê-út và bạn bè quốc tế. Tại đây, các nghệ nhân Việt Nam đã hướng dẫn khách tham dự tự tay nặn tò he, vẽ tranh Đông Hồ truyền thống hay sáng tạo các tác phẩm tranh sơn mài lấp lánh.
Các hoạt động trải nghiệm không chỉ mang đến phút giây sáng tạo mà còn giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về văn hóa và tinh thần sáng tạo, khéo léo của người Việt.
Đông đảo công chúng còn được xem các màn trình diễn tứ tấu sáo, nhị, tỳ bà và đàn bầu. Đây là những loại nhạc cụ khá mới mẻ với người dân Trung Đông nói chung và Ả-rập Xê-út nói riêng.
Thực đơn đặc biệt cho các vị khách Trung Đông
Bên cạnh giới thiệu các loại hình nghệ thuật truyền thống, ban tổ chức còn đặc biệt tổ chức các gian hàng ẩm thực nhằm giới thiệu các món ăn đậm bản sắc Việt Nam.
Chuyên gia ẩm thực Nguyễn Thường Quân, Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và Việc làm Đầu bếp Việt Nam (VICA) cho biết, đã nghiên cứu kỹ đặc điểm riêng và tiêu chuẩn ẩm thực Halal của người Ả Rập. Nền ẩm thực này có nhiều quy định nghiêm ngặt từ việc giết mổ động vật tới những nguyên liệu không sử dụng như thịt lợn, rượu.
Vấn đề vệ sinh thực phẩm cần được đề cao nhưng phải đảm bảo tính hấp dẫn của món ăn. Ngoài ra, mỗi đầu bếp sẽ là những người truyền tải câu chuyện văn hóa của mỗi món ăn cho thực khách hiểu được.
Cùng với đó, ông Quân lên phương án chuẩn bị các món đồ trang trí đậm chất Việt, tìm hiểu nguyên liệu nào được phép nhập cảnh để sử dụng làm những món ăn cầu kỳ. Đó là những chiếc quang gánh, mẹt rế, đồ bày từ hoa chuối, bát đĩa mang không gian của người Việt.
Đội ẩm thực của Việt Nam có 2 người, trong đó ông Quân đứng nấu trực tiếp. Vị đầu bếp còn lại là ông Phạm Sỹ Hùng đảm nhận nhiệm vụ cắt tỉa trang trí, thổi linh hồn cho mỗi món ăn.
Thực đơn lên danh sách các món đều được bàn luận kỹ trước chuyến đi. Các đầu bếp tính toán muốn đưa nhiều món ngon vùng miền từ Bắc tới Nam trên khắp dải đất hình chữ S để khách thưởng thức trọn vẹn.
Đó là phở bò sốt vang, phở gà, bánh xèo, cá vược om cùng các loại thảo mộc, gỏi bưởi năm roi, gỏi cuốn tôm gà nướng Halal, gỏi cuốn tôm gà chay, nem sen, nem hải sản, chuối nếp nướng ăn kèm nước cốt dừa...
Mua nguyên liệu chính ngay tại chợ ở thủ đô Riyadh, các đầu bếp chỉ mua thêm các thảo mộc của người Hồi giáo như hạt hồi, nụ đinh hương, hạt thìa là để tẩm ướp cho món bò sốt vang. Đây cũng là món ăn được nhiều thực khách nước ngoài mê nhất.
"Vẫn là cách nấu phở bò, phở gà theo truyền thống của người Việt nhưng chúng tôi thay đổi chút gia vị tẩm ướp để phù hợp với ẩm thực Halal. Khoảng 300 suất phở nhanh chóng hết sạch. Nhiều khách thích tới mức còn quay lại hỏi chúng tôi xem liệu có quán ăn Việt ở Saudi Arabia không để họ thưởng thức", ông Quân chia sẻ.
Cũng trong dịp này, các đầu bếp Việt phát hiện các món khác như gỏi tôm xoài xanh, tôm và gà nướng theo phong cách Halal đều khiến khách Hồi giáo thích mê.
Những món này đều sử dụng nước mắm mua tại siêu thị Việt ở Riyadh, pha chế kiểu chua ngọt dễ ăn. Với món nem hải sản, đầu bếp Phạm Sỹ Hùng đã tạo khối, cắm theo hình con công giúp thỏa mãn cả vị giác và thị giác.
"Nhìn mọi người tập trung xếp hàng bê tô phở nóng, trân trọng từng ngụm nước dùng, từng lát bánh phở... tôi cảm nhận rõ người Ả-rập Xê-út rất thích món ăn này", chuyên gia ẩm thực chia sẻ.
Được biết, chỉ 2 tiếng sau giờ khai mạc, khoảng 300 suất phở và hơn 500 chiếc nem cuốn, nem rán các loại đều được những vị khách thưởng thức trọn vẹn.
Anh Hussan Abdulla, một trong những vị khách người Saudi Arabia đang hít hà mùi thơm nồng tỏa ra từ món phở bò, chia sẻ từng thưởng thức món này trong dịp tới Hà Nội cách đây vài năm.
"Các đầu bếp sáng tạo bằng cách sử dụng thảo mộc quen thuộc trong ẩm thực của chúng tôi để chế biến phở bò, gà nướng giúp khách Hồi giáo không bị ngợp bởi hương vị lạ lẫm, nhưng vẫn đậm nét món ăn Việt. Đây không chỉ là cơ hội được trải nghiệm ẩm thực Việt mà còn là hành trình khám phá văn hóa ấn tượng", vị khách cho biết.