3 con sư tử quý hiếm bất ngờ bị tàu hoả đâm chết tại chỗ
(Dân trí) - 3 con sư tử châu Á quý hiếm bất ngờ bị tàu hỏa đâm chết ngay tại khu bảo tồn động vật hoang dã Gir, Ấn Độ.
Hôm 18/12 vừa qua, 3 con sư tử châu Á thuộc khu bảo tồn động vật hoang dã Gir bất ngờ bị tàu hỏa đâm chết. Địa điểm xảy ra tai nạn nằm gần khu rừng Gir thuộc quận Amreli của Gujarat, cách Adhmedabad khoảng 250 km.
Theo nguồn tin từ các hãng truyền thông địa phương, trước thời điểm xảy ra tai nạn, đàn sư tử gồm 6 con đang đi bộ dọc theo đường ray xe lửa gần rừng. Một đoàn tàu chở hàng từ Pipavav từ Botad bất ngờ lao tới, đâm trúng 3 con sư tử châu Á quý hiếm, dẫn tới cái chết của 2 con sư tử cái và 1 con sư tử đực.
Hiện cơ quan chức năng đang tiến hành làm rõ vụ việc. Nhiều khả năng do tàu chạy quá tốc độ cho phép quanh khu vực khu bảo tồn khiến lái tàu không làm chủ vận tốc và đâm vào bầy sư tử. “Chúng tôi sẽ rà soát xem ai là người có lỗi khi đang làm việc. Những người bị kết án sẽ nhận hình phạt thích đáng”, Giám đốc khu bảo tồn, ông DT Vasavada lên tiếng.
Trước đó, vào khoảng tháng 10 vừa qua, ít nhất 23 con sư tử châu Á đã chết trong khu bảo tồn động vật hoang dã Gir và vườn quốc gia bang Gujarat, phía tây Ấn Độ. Những sư tử thiệt mạng gồm cả sư tử cái trưởng thành và sư tử con. Theo các nhà khoa học, nguyên nhân dẫn tới cái chết hàng loạt này là do bầy sư tử bị nhiễm bệnh dịch từ chó hoang.
Ấn Độ từng là nơi rất thành công trong việc bảo tồn sư tử châu Á, khi nỗ lực tăng cá thể loài này tới khoảng 600 con hiện nay. Tuy nhiên việc bảo tồn động vật này không hề dễ dàng khi môi trường sống của chúng bị thu hẹp.
Sư tử châu Á hay sư tử Ấn Độ là một phân loài sư tử, hiện chỉ còn vài trăm con sinh sống tại rừng Gir, Ấn Độ. Loài vật này từng hiện diện từ Địa Trung Hải tới phần đông bắc tiểu lục địa Ấn Độ, nhưng do bị săn bắn quá nhiều, cộng thêm điều kiện nguồn nước ô nhiễm, suy giảm con mồi tự nhiên khiến môi trường sống của chúng giảm sút.
Vào những năm 2000, các nhà khoa học xếp sư tử châu Á trong nhóm “cực kỳ nguy cấp” của sách đỏ. Nhưng nhờ số lượng cá thể có tăng lên, năm 2008, chúng được chuyển thành hạng mục “nguy cơ tuyệt chủng”.
Quốc Việt
Theo News/ WK