22 người ăn hải sản 42 triệu đồng: Siết tình trạng "chặt chém" du khách
(Dân trí) - Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, sẽ đề nghị Ban chỉ đạo phát triển Du lịch tổ chức hội thảo bàn giải pháp, hạn chế thấp nhất tình trạng "chặt chém" gây ảnh hưởng thương hiệu du lịch của tỉnh.
Ngày 9/5, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức họp báo công bố chương trình văn hóa, du lịch, thể thao "Nha Trang - Chào hè 2022".
Tại họp báo, liên quan đến vụ việc hóa đơn hải sản hơn 42 triệu đồng gây xôn xao dư luận trong thời gian gần đây, bà Nguyễn Thị Lê Thanh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa - cho biết, vụ việc đã ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của du lịch Nha Trang - Khánh Hòa.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa thông tin, ngay sau khi nắm bắt được vụ việc, Sở Du lịch đã phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, Sở cũng đã kêu gọi Hiệp hội Du lịch, cộng đồng doanh nghiệp đứng lên đấu tranh và có đề xuất giải pháp xử lý vấn đề trên để không ảnh hưởng đến môi trường du lịch chung của Nha Trang - Khánh Hòa.
"Chúng tôi mong muốn báo chí đồng hành với ngành du lịch có những đấu tranh, phản bác để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, "chặt chém" đối với du khách" - bà Thanh nói.
Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa thừa nhận tình trạng "chặt chém" là "vấn đề xã hội nan giải vẫn còn xảy ra".
"Để xử lý nghiêm và dứt điểm không ảnh hưởng đến du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, Sở Du lịch sẽ đề nghị Ban chỉ đạo phát triển Du lịch tổ chức hội thảo bàn ra giải pháp, hạn chế thấp nhất tình trạng "chặt chém" gây ảnh hưởng đến thương hiệu, hình ảnh du lịch Nha Trang - Khánh Hòa" - bà Thanh cho biết.
Cũng phát biểu tại buổi họp báo về vấn đề trên, ông Phan Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang, cho rằng đây không phải là hành vi chặt chém.
Theo ông Liêm, giá cả tôm hùm tăng theo mùa và kích cỡ. "Tôi mua theo thị trường thì tôm hùm size 1 - 1,1 kg đã có giá 2,1 triệu đồng/kg", ông Liêm nói.
Ông Liêm cũng cho biết ngay sau khi xảy ra vụ việc, thành phố đã chỉ đạo đoàn kiểm tra liên ngành vào cuộc ngay. Qua kiểm tra, giá cả được các quán niêm yết cụ thể và có sự thỏa thuận. Tuy nhiên, vẫn còn một số mặt hàng không niêm yết và đã được đoàn kiểm tra xử lý nghiêm.
"Quan điểm của thành phố Nha Trang là luôn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của du khách và luôn luôn bảo vệ thương hiệu du lịch của thành phố. Nếu du khách gặp vấn đề bất hợp lý khi tham quan, du lịch thì phản ánh đến Nha Trang qua đường dây nóng. Chính quyền sẽ kịp thời ứng cứu, tạo điều kiện cho du khách cũng như bảo vệ thương hiệu du lịch cho Khánh Hòa" - ông Liêm khẳng định.
Tại buổi họp báo, Khánh Hòa cũng công bố chương trình văn hóa, du lịch, thể thao "Nha Trang - Chào hè 2022" được tổ chức từ ngày 3/6 đến 5/6, gồm các hoạt động như: Chương trình nghệ thuật Văn hóa dân gian Khánh Hòa "Đêm sắc màu huyền diệu"; đêm hội thời trang "Sắc biển"; chương trình nghệ thuật "Nha Trang - Rực rỡ những sắc màu"; lễ hội âm nhạc Ocean Holic Nha Trang 2022.
Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong năm 2022 sẽ tổ chức nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật, du lịch và thể thao.
Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa cho hay, đây là một trong các giải pháp để phục hồi và thúc đẩy hoạt động du lịch, thu hút du khách đến với Nha Trang - Khánh Hòa.
Chương trình gồm có hơn 120 hoạt động được xây dựng thành chuỗi sự kiện hoạt động trong 5 thời điểm để thu hút sự quan tâm của Nhân dân và du khách. Các hoạt động, sự kiện có tính liên tục và kết nối nhau tạo nên không khí sôi động, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ cho người dân vừa thúc đẩy du lịch.
Hóa đơn hải sản hơn 42 triệu đồng gây nhiều tranh cãi
Như Dân trí đã phản ánh, trên mạng xã hội lan truyền đoạn thông tin của tài khoản facebook H.Đ.L. nói về việc bị "chặt chém" khi 14 người ăn hải sản ở một quán ăn tại TP Nha Trang hết 42,5 triệu đồng.
Sau đó, đoàn kiểm tra liên ngành của TP Nha Trang đã đến tiến hành kiểm tra quán C.S. Qua kiểm tra xác định không có việc "chặt chém" như trên mạng xã hội chia sẻ.
Trong một diễn biến khác, sau khi bị tố "chặt chém" trên mạng xã hội, đại diện quán C.S. đã chuyển hoàn lại cho ông Đ.X.M. 12 triệu đồng (30% tổng hóa đơn thanh toán).
Đến ngày 1/5, ông Đ.X.M. trao đổi với phóng viên Dân trí và cho rằng những thông tin của đoàn kiểm tra là chưa chính xác.
Ông M. nói bản thân bị taxi cố tình đưa quán C.S. thay vì quán T.S.2 như đã yêu cầu. Bên cạnh đó, các món ăn dọn lên bàn thực tế ít hơn trong hóa đơn, quán cũng không có niêm yết giá ở menu và các bể chứa ốc, tôm, mực.
Trong khi đó, ông Phan Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang (Khánh Hòa) - lại khẳng định thông tin của đoàn kiểm tra liên ngành là hoàn toàn chính xác.
Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang cho biết, sẽ đề nghị công an vào cuộc kiểm tra thông tin mà ông Đ. đã phản hồi.
Đến ngày 3/5, ông Đ.X.M. nói "muốn Công an vào cuộc và sẵn sàng đối chất với các bên để làm rõ vấn đề".
Ngày 4/5, Đại tá Trần Văn Giang - Trưởng Công an TP Nha Trang - xác nhận đang thực hiện xác minh vụ "22 người ăn hải sản hết 42 triệu đồng" theo đề nghị của UBND TP Nha Trang.
Qua xác minh vào ngày 5/5 của phóng viên Dân trí tại quán T.S.2 (nơi ông M. đặt bàn) xác nhận tối 27/4, quán có nhận đặt bàn của đoàn khách trong vụ việc trên nhưng chờ không thấy đến.
Đồng thời qua khảo sát, nhiều nhà hàng, quán bán hải sản đều cho rằng, giá ghi trong hóa đơn hải sản vụ "22 người ăn hải sản hết 42 triệu đồng" cao hơn nhiều so với mặt bằng chung.
Đến ngày 6/5, thông tin từ TP Nha Trang cho biết, nhóm du khách và quán C.S. đã gặp nhau với sự chứng kiến của chính quyền thành phố. Cả 2 bên đều mong muốn "khép lại" vụ việc.
Còn theo ông Đ.X.M., tại buổi làm việc, đại diện quán C.S. đã xin lỗi nên ông đã chấp nhận bỏ qua.
Qua tìm hiểu của phóng viên Dân trí, một số tài xế hành nghề dịch vụ đưa đón khách ở Nha Trang cho hay, tại thành phố có tình trạng taxi cố tình chèo kéo khách đưa đến các quán hải sản "ruột" để kiếm tiền "hoa hồng".