10 bãi biển tuyệt đẹp có nguy cơ biến mất
(Dân trí) - Khí hậu thay đổi đang khiến mực nước biển tăng thêm 20cm kể từ năm 1880. Nếu con người không có những thay đổi tích cực, con số này sẽ là 1,2 mét vào năm 2100, cao hơn cả khi Nam cực tan chảy. Biển sẽ bị xói mòn, ngập lụt, nước mặn xâm lấn nước ngọt và có thể biến mất hoàn toàn. Và rất có thể, những bãi biển đẹp nhất thế giới sẽ không còn nữa.
1. Koh Tachai, Thái Lan
Thái Lan nổi tiếng với những bãi biển đẹp nhất thế giới. Bất kì du khách nào cũng có thể tìm được một bãi biển yêu thích của mình ở đây. Nhưng một số bãi biển đã trở nên quá tải. Năm ngoái, chính phủ Thái Lan đã cấm du lịch ở đảo Koh Tachai do vấn đề san hô bị tẩy trắng và suy thoái bờ biển do lượng du khách quá đông. Đối mặt giữa việc phải đóng cửa hoặc mất vĩnh viễn biển, quyết định của chính phủ là một điểm nhấn cho phát triển du lịch thân thiện với môi trường.
2. Saint Lucia
Mực nước biển tăng lên và những cơn bão thường xuyên đang tác động đến rất nhiều mặt của vùng biển Caribbean vốn phụ thuộc rất nhiều vào du lịch, ảnh hưởng đến lượng dân cư nghèo nhất và dễ tổn thương nhất của vùng. Khi biển bị xói mòn, nhiều quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề hơn hẳn: gần hai thập kỉ trước, đội quản lý rủi ro thiên tai của Ngân hàng Thế giới đã làm việc với chính phủ Saint Lucia để chống lại xói mòn và cải tạo bãi biển đang trong nguy cơ bị biến mất bằng cách xây dựng các công trình ngoài khơi để phá sóng và giữ cát. Sáng kiến này đã được coi là mô hình cho các quốc gia Caribbean khác trong cuộc chiến chống xói mòn bờ biển.
3. Big Sur, California
Du khách ít ỏi và người dân địa phương phải đi một đường vòng xa vào đầu năm 2017 sau một trận lở đất kinh hoàng gây ra bởi trận mưa lớn làm rung chuyển dải bờ biển California. Một phần của đường cao tốc ven biển Pacific bao gồm cả một cây cầu đã bị đóng cửa, ngăn cắt Big Sur với phần còn lại của bang. Đây không phải trận lở đất đầu tiên khiến khu vực này bị cô lập, một khu vực khác nằm về phía Nam nửa giờ đã bị đóng cửa ít nhất một năm. Mặc dù không du khách nào bị thương, nhiều phòng của các khách sạn địa phương đã bị hư hỏng và họ buộc phải sa thải bớt nhân công. Cho đến hiện nay, tương lai chưa rõ ràng nhưng tổn hại về kinh tế là hoàn toàn nhìn thấy được.
4. Rio de Janeiro, Brazil
Các chuyên gia thời tiết dự đoán rằng Rio sẽ là thành phố Nam Mỹ bị ảnh hưởng nhất bởi thay đổi khí hậu. Nhiệt độ đại dương ấm lên và mực nước biển tăng, cùng với phần lớn dân số thu nhập thấp của thành phố đang sống trong các ngôi nhà dễ bị ngập sẽ gánh chịu thảm họa này. Bệnh dịch, tình trạng thiếu nước ngọt, lở đất và mất biển đều là những vấn đề đáng ngại. Rio đang cố gắng bảo vệ và thích nghi trong lúc chính phủ yêu cầu các nhà lãnh đạo toàn cầu cũng có hành động tích cực. Trong lễ khai mạc thế vận hội vào năm 2016, chủ nhà Brazil đã tuyên bố rằng, dân số thế giới phải làm những gì có thể để ngăn cản sự thay đổi khí hậu.
5. The Maldives
Bộ phim tài liệu Hòn đảo Tổng thống đã ghi lại câu chuyện về vị chủ tịch của Maldives khi ông chiến đấu chống lại biến đổi khí hậu ở quốc gia thấp nhất trên thế giới. Maldives gồm hơn 1.100 hòn đảo nằm ở Ấn Độ Dương, trên mực nước biển khoảng 1,3 mét. Nếu biển tăng thêm 1 mét, bán đảo Ấn Độ Dương vốn nổi tiếng với màu nước xanh ngọc lam này sẽ không thể sinh sống được. Đất nước này đã phải chứng kiến ảnh hưởng của xói mòn và ngập lụt. Nó đang phải sử dụng những đồng tiền thu được từ du lịch để trả cho các nỗ lực bảo tồn cần thiết.
6. Tacloban, Philippines
Năm trong số 10 cơn bão chết người kinh khủng nhất của lịch sử Philippine diễn ra từ năm 2006. Đó là Haiyan năm 2013, một trong những cơn bão mạnh nhất vào đất liền, và Nina vào Giáng sinh năm 2016. Những cơn bão này, được cho là có nguyên nhân từ biến đổi khí hậu, đã gây chết người, mất nhà, san phẳng thành phố, phá hủy các rặng san hô, tốn một số tiền khổng lồ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền du lịch – nguồn thu chính của rất nhiều địa phương. Chỉ số nguy hiểm khí hậu toàn cầu năm 2015 đã xếp hạng Philippines là đất nước bị ảnh hưởng mạnh nhất do địa hình của nó. Nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn, Tacloban, địa phương gần như bị phá hủy hoàn toàn trong cơn bão Haiyan đã được khôi phục lại và các vùng san hô cũng đang được trồng lại.
7. Kiritimati, Kiribati
Các nhà khoa học nói Kiribati, một quốc gia đảo nhỏ nằm giữa Hawaii vài Úc ở Thái Bình Dương đang bị chìm. Với 33 hòn đảo thấp nằm cách biệt và đảo san hô với độ cao trung bình thấp hơn 2,1 mét, một số khu dân cư đã được di chuyển lên vùng cao hơn theo kế hoạch của chính phủ. Ngư dân được dạy thêm một số kĩ năng để vẫn có thể làm việc nếu phải tản cư và toàn bộ quốc gia có thể sẽ di chuyển sang Fiji nếu cần thiết (chính phủ Kribati đã mua một phần đất ở đây vào năm 2014). Vào năm 2016, rặng san hô quanh Kiritimati, hòn đảo san hô lớn nhất thế giới, đã chết hàng loạt do nhiệt độ ấm lên bất thường của nước biển. Các nhà nghiên cứu nói rằng khoảng 80% san hô đã chết – một trong những vụ tẩy trắng san hộ tồi tệ nhất thế giới.
8. Miami Beach, Florida
Có một vài cư dân ở Florida và chính trị gia nói rằng thay đổi khí hậu chỉ là một trò bịp, bất chấp sự thật rằng mực nước biển dâng lên ở Nam Florida đã tăng gấp ba lần trong thập kỉ vừa qua. Ở Miami, đại lộ Collins thường xuyên bị ngập khi triều cường nhưng thành phố này vẫn không cho rằng đó thủy triều là nguyên nhân. Thay vào đó, chính quyền bỏ rất nhiều tiền để nâng đường và đê chắn sóng và bổ sung các trạm bơm.
9. Đảo Sylt, Đức
Khi nhiệt độ toàn cầu tăng, người châu Âu tìm kiếm các giải pháp mát mẻ hơn cho các điểm đến Địa Trung Hải yêu thích. Đó là một phần lý do Sylt ở biển Bắc đang trở nên phổ biến. Ở đây có những bãi biển cát kéo dài, sân golf, khu spa, các môn thể thao dưới nước, nhà hàng Michelin và khu bảo tồn thiên nhiên. Vùng biển Wadden bao quanh thậm chí còn là một di sản thế giới của UNESCO. Nhưng không điều nào có thể khiến nó miễn nhiễm với khí hậu và các cơn bão tiến vào đây đang xảy ra ngày càng nhiều hơn, nghiêm trọng hơn. Năm 2015, một cơn bão đã quét sạch một phần biển phía nam và san phẳng các đụn cát cao bất chất các rào chắn bê tông bảo vệ. Các nhà khoa học đang nỗ lực làm việc để giữ múi phía nam của hòn đảo không bị biến mất hoàn toàn.
10. Đảo Torres Strait, Úc
Hòn đảo đang mất đi sự quyến rũ của nó khi thủy triều thường xuyên gây ra các cơn ngập lụt. Đây là thực tế diễn ra hiện nay với một số trong 8.000 cư dân của Torres Strait, nằm giữa Úc và hòn đảo New Guinea, gồm hơn 200 hòn đảo nằm ở các vùng xa xôi và hẻo lánh. Thời tiết khắc nghiệt và xói mòn, đặc biệt là ở các vùng đảo nằm thấp như Saibai, Masig, Boigu, Iama và Warraber. Các nỗ lực bảo vệ như tường biển rất đắt đỏ trong khi ngân sách của hòn đảo lại hạn chế. Các cư dân của hòn đảo Thái Bình Dương khác như chuỗi đảo Torres của Vanuatu đã buộc phải di chuyển lên vùng đất cao hơn.
Hữu Nguyên
Theo Cntraveler