Những bí ẩn ít biết xung quanh “Hậu duệ của khủng long”

(Dân trí) - Đó là loài bò sát lớn nhất thế giới có quan hệ mật thiết với loài khủng long đã tuyệt chủng cách đây hàng triệu năm. Nhắc đến rồng Komado, người ta không khỏi sửng sốt trước bao điều kỳ bí về chúng.


Những bí ẩn ít biết xung quanh “Hậu duệ của khủng long”

Sở dĩ gọi rồng Komodo là “hậu duệ của khủng long” vì nó là loài cận chủng với giống khủng long ngày xưa. Nhìn một con rồng Komodo sẽ khiến người ta phần nào hình dung được dáng vẻ dũng mãnh của những loài khủng long thời kỳ tiền sử.

Rồng Komodo chỉ sống tại Indonesia

Rồng Komodo là loài đặc hữu của Indonesia; ngoài xứ này, không đâu có. Rồng Komodo được phát hiện ra vào năm 1910 bởi các nhà khoa học phương tây. Các nghiên cứu về hóa thạch cho thấy rằng, loài động vật này có nguồn gốc từ Australia. Chúng tồn tại hàng triệu năm trên trái đất.

Rồng Komodo sống đông nhất trên đảo Komodo có diện tích khoảng 1.800 km² nhưng thưa dân, chỉ khoảng trên 2.000 người. Hòn đảo này là một phần của Vườn quốc gia Komodo. Tên của loài bò sát này là gọi theo địa danh của hải đảo này.

Rồng Komodo là niềm tự hào của người dân Indonesia, chính vì vậy mà con vật này đã được sử dụng làm biểu tượng cho SEA Games 26 diễn ra tại Indonesia cuối năm 2011. Loài bò sát khổng lồ cũng là một nét đặc trưng thu hút khách du lịch cho hòn đảo Komodo.

Rồng Komodo chỉ sống tại Indonesia

Rồng Komodo chỉ sống tại Indonesia

“Cuộc chiến” gay cấn để giành bạn tình

Loài vật hiếm này đang có nguy cơ tuyệt chủng khi chỉ còn 4.000-5.000 cá thể trong đời sống hoang dã. Tuy nhiên trong số đó chỉ còn khoảng 300 con cái là có khả năng sinh sản. Vì sự khan hiếm "phái nữ", các chàng rồng luôn phải chiến đấu cam go để giành cho mình một cô nàng. Rồng đực càng to, khỏe thì khả năng giành giật bạn tình và bảo vệ lãnh thổ càng lớn.


Hai rồng đực Komodo đang chiến đấu để giành bạn tình

Hai rồng đực Komodo đang chiến đấu để giành bạn tình
Khi trở thành người chiến thắng, chàng rồng sẽ tiến tới dùng lưỡi liếm nhẹ lên cô nàng để thăm dò phản ứng của nàng. Chàng ta còn dùng vuốt của mình cào lên cô nàng như một sự nhắc nhở cho cuộc “giao lưu” diễn ra trong khoảng vài phút.
Một cặp đôi đang giao phối

Một "cặp đôi" đang giao phối

"Mình hạc xương mai", tổn thọ vì thiên chức làm mẹ

Một nghiên cứu được công bố vào năm 2012 của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Melbourne, Australia, đã chỉ ra rằng, tuổi thọ của rồng Komodo cái chỉ bằng khoảng một nửa so với những con đực bởi chúng phải làm quá nhiều "việc nhà", như xây tổ và bảo vệ trứng.

Từ khi sinh ra đến tuổi thứ 7, rồng đực và rồng cái có kích thước cơ thể tương đương nhau, nhưng sau đó, khi đến tuổi sinh sản thì rồng cái bị tụt hậu với chiều dài trung bình 1,2 m và trọng lượng trung bình 22 kg. Trong khi đó, chiều cao và trọng lượng trung bình của con đực là 1,6 m và 65 kg.

Một trong những lý do đó là rồng cái phải dành tới 6 tháng mỗi năm để xây tổ, đẻ trứng và chăm con. Sự thiếu hụt rồng cái nghiêm trọng đã khiến rồng đực phải tranh giành nhau bạn tình qua những cuộc đấu gay cấn.

Rồng cái Komodo chui vào hang chuẩn bị đẻ trứng

Rồng cái Komodo chui vào hang chuẩn bị đẻ trứng

Rồng Komodo cái: “Không chồng mà chửa”

Đây là một đặc tính được cho là kỳ lạ của loài rồng Komodo. Những con rồng cái có thể sinh sản đơn tính (hay còn gọi là trinh sản) nghĩa là chúng hoàn toàn có thể mang thai và tự thụ tinh cho trứng của mình mà không có tinh trùng của con đực. Các nhà khoa học vẫn đang đi tìm câu trả lời cho hiện tượng này.

Tuy nhiên, khi gặp con đực, rồng cái vẫn có thể “mang bầu” và sinh sản bình thường.

Một chú rồng Komodo con chào đời

Một chú rồng Komodo con chào đời

Sự thật nghiệt ngã: Ăn thịt đồng loại

Rồng Komodo rất phàm ăn và món ăn yêu thích của chúng là các loại thịt. Chúng tấn công các con mồi như hươu, dê, lợn rừng, chó và đôi khi chính là con người.

Loài rồng này còn sẵn sàng ăn thịt chính đồng loại của mình khi không tìm thấy con mồi nào. Do vậy, có thể dễ hiểu tại sao, sau khi hết thời gian được mẹ bảo vệ, che chở, các chú rồng con Komodo phải leo lên cây sống ẩn dật để tránh bị ăn thịt, và kẻ thù có thể chính là mẹ của chúng. Trên hòn đảo Komodo, rồng Komodo chỉ có kẻ thù duy nhất, chính là những con rồng lớn hơn.

Rồng Komodo sẵn sàng ăn thịt đồng loại nếu không tìm thấy con mồi nào

Rồng Komodo sẵn sàng ăn thịt đồng loại nếu không tìm thấy con mồi nào

“Dựng tóc gáy” chiến thuật săn mồi của rồng Komodo

Trong nước bọt của chúng có chất kịch độc tương đương với một số loài rắn trên thế giới. Khi tấn công con mồi, nọc độc trong nước bọt sẽ ngấm vào con mồi đồng thời nọc độc đó cũng làm cho máu của chúng không đông. Vì thế khi con mồi bị rồng Komodo cắn sẽ chảy máu đến khi hết rồi chết.

Vì thân hình cồng kềnh nên chúng sẽ để con mồi bỏ chạy, nhưng con mồi đó sẽ dần bị tê liệt do tác dụng của nọc độc. Hơn nữa, hàm răng giống cá mập của chúng rất lợi cho việc săn mồi của mình. Rồng Komodo có chiếc lưỡi đa năng dài đến khoảng 10 cm, được sử dụng để phát hiện, đánh giá món ăn. Chiếc lưỡi lợi hại này có thể xác định xác chết thối cách xa từ 4-9.5 km.

Nọc độc của rồng Komodo có thể gây chết người trong vài giờ. Theo một số người dân địa phương, bình thường rồng Komodo rất thân thiện với con người, chúng chỉ tấn công con người khi bị khiêu khích. Đã có vài người thiệt mạng và một số người bị thương trong vòng vài năm trở lại đây.

Trong nước bọt của chúng có chất kịch độc

Trong nước bọt của chúng có chất kịch độc

Dũng mãnh là thế nhưng rồng Komodo cũng có điểm yếu

Vào những ngày nóng nhất trong năm, chúng phải tạm ngưng mọi hoạt động và tìm kiếm bóng râm của các cây cao to để trú ẩn và cân bằng nhiệt độ cơ thể. Thính giác và thị giác của rồng Komodo không nhạy bén nhưng ngược lại khứu giác rất tinh, cảm nhận bằng lưỡi. Chúng chỉ có thể nghe được âm thanh từ 400-2000 hertz mặc dù có lỗ tai khá to, và đặc biệt khả năng quan sát vào ban đêm rất kém.

Thuộc nhóm động vật máu lạnh nên rồng Komodo không thể tự điều chỉnh thân nhiệt mà phải dựa vào nhiệt độ môi trường để làm thân nhiệt tăng lên hay giảm xuống.

Rồng Komodo thường di trú vào những ngày nóng nhất trong năm

Rồng Komodo thường di trú vào những ngày nóng nhất trong năm

 
Phương Nam
Tổng hợp