Thủ khoa 30/30 lặn lội sang Anh học... đóng tàu

Trung Hiếu là người về thứ 3 trong trận Chung kết năm Olympia lần thứ 8 và là thủ khoa ĐH năm 2008.

Lê Trung Hiếu, hiện là sinh viên khóa học Thạc sĩ Kĩ sư Tàu thủy (Master of Engineering Ship Science/Naval Architecture) kéo dài 4 năm tại Đại học Southampton và là đại sứ của ngôi trường giàu truyền thống này. Trong thời gian du học Anh, Hiếu đã nhận được rất nhiều giải thưởng. Tiêu biểu là phần thưởng của Đại sứ quán Việt Nam tại London với thành tích xuất sắc trong học tập vào năm thứ hai. Vào năm học đó, anh bạn cũng giành giải thưởng mang tên gọi Engineering Leaderships Advanced Award của Hiệp hội Hoàng Gia Kỹ Sư Anh (The Royal Academy of Engineering). Giải thưởng giúp đỡ Hiếu về mặt tài chính để tham gia các khóa học nâng cao kỹ năng lãnh đạo và phát triển nghề nghiệp.

 

Hiếu còn lập cú “đúp” khi tham gia cuộc thi IBM University Business Challenge - cuộc thi về kinh doanh cho sinh viên trên toàn nước Mỹ. Đội của Hiếu lọt vào tới vòng chung kết, đứng thứ 5 trong tổng số 280 đội ban đầu tham gia.

 

Hiếu (ngoài cùng bên phải) và các thành viên trong đội thi IBM University Business Challenge
Hiếu (ngoài cùng bên phải) và các thành viên trong đội thi IBM University Business Challenge



Một bật mí nho nhỏ, nếu ai là fan của chương trình Đường lên đỉnh Olympia chắc chắn sẽ nhận ra Trung Hiếu. Anh chàng là người về thứ 3 trong trận Chung kết năm lần thứ 8 và là 1 trong những thủ khoa tuyệt đối 30/30 trong kỳ thi ĐH- CĐ 2008.

 

Chào Trung Hiếu, lý do nào đã khiến bạn quyết định học... đóng tàu và chọn Anh làm điểm đến du học?

 

Bản thân mình đam mê các môn tự nhiên, đặc biệt là Toán, Lý nên đã xác định theo đuổi ngành kỹ sư. Thêm vào đó, bố mình là giảng viên ngành Đóng tàu tại đại học Hàng Hải, từ nhỏ mình đã được bố kể nhiều câu chuyện về động cơ, máy móc và tầm vóc vĩ đại của những con tàu vượt đại dương. Vì lẽ đó mình lựa chọn theo học ngành này.

 

Nước Anh có thể coi là quê hương của ngành Đóng tàu với hãng đăng kiểm lâu đời nhất thế giới (Lloyd’s Register) và nhiều trường đại học danh tiếng. Ba trường đại học nổi tiếng nhất về ngành Đóng tàu là Strathclyde, Newcastle và Southampton. Mình lựa chọn Southampton phần lớn vì vị trí địa lý và khí hậu của thành phố thích hợp với người Việt Nam.

 

Phương pháp học tập của trường ra sao, có giống như bạn đã hình dung lúc còn ở nhà không?

 

Môi trường giáo dục ở trường mình khá cởi mở, học sinh có quyền tự do tranh luận với giáo viên. Giáo viên cũng rất thân thiện, gần gũi và muốn giúp đỡ học sinh. Thường nếu ở trên lớp không hiểu, mình có thể đến văn phòng của giáo viên để hỏi, họ rất nhiệt tình giúp đỡ và thông cảm cho sinh viên quốc tế.

 

Mình học về kỹ thuật nên phải viết báo cáo rất nhiều. Hồi ở phổ thông, mình chưa từng được học kỹ năng này nên ban đầu cũng gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, dần dần học hỏi từ sinh viên bản địa và từ những sai lầm, mình đã thành thạo và không còn lo lắng trong việc viết báo cáo nữa. Còn đối với các môn liên quan đến lý thuyết, người Việt mình có lợi thế về Toán học nên thường không gặp trở ngại gì.

 

Hiếu đã đi làm thêm ở Anh bao giờ chưa?

 

Trung Hiếu (ngoài cùng bên trái) trong một chuyến dã ngoại cùng bạn bè
Trung Hiếu (ngoài cùng bên trái) trong một chuyến dã ngoại cùng bạn bè



Hè năm thứ hai, mình làm việc cho BP Shipping trong vòng 11 tuần tại London. Mình phải vượt qua vòng Application (viết đơn xin việc), psychometric test (test trên mạng),  competency-base interview và technical interview (phỏng vấn năng lực cơ bản và chuyên môn). Mình được làm trong Engineering Standards Team, có cơ hội làm quen với rất nhiều người trong ngành Hàng hải và Dầu khí, cũng như các sinh viên thực tập trong các ngành khác nhau.

 

Hiện tại, hè này, mình đang làm cho một công ty tư vấn kỹ thuật. Mình lựa chọn điểm đến là Singapore vì nơi đây là trung tâm của các hoạt động Hàng hải trong khu vực, là cầu nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

 

Hiếu có lời khuyên nào cho các bạn học sinh để chuẩn bị cho giấc mơ du học Anh không?

 

Điều quan trọng mà Hiếu muốn nhắn gửi là rèn luyện kỹ năng giao tiếp trước khi sang Anh. Những kiến thức trong kỳ thi IELTS chỉ đủ để bạn sống ở Anh nhưng chưa đủ để bạn có thể giao tiếp một cách lưu loát cũng như tận hưởng cuộc sống ở đây. Bản thân Hiếu đã “theo đuổi” một chuyên mục chuyên biệt trên BBC (BBC learning English) để luyện giao tiếp. Trang web được chia làm nhiều mảng để người nghe có thể phát triển từng kỹ năng cũng như phù hợp với bất kỳ trình độ nào nên bất cứ ai cũng có thể học được.

 

Cám ơn cuộc trò chuyện thú vị, chúc Trung Hiếu ngày càng thành công hơn nữa!

 

Theo Tiin