Nhật Bản từng bước thắt chặt việc cấp tư cách lưu trú và thị thực đối với du học sinh Việt Nam
(Dân trí) - Trong thời gian gần đây, trượt COE (giấy chứng nhận tư cách lưu trú) và visa đi du học Nhật Bản đã trở thành chủ đề nóng hổi, dành được rất nhiều sự quan tâm trên các cộng đồng du học sinh (DHS). Tuy nhiên, để hiểu rõ vấn đề này ra sao và làm cách nào để có COE thị thực nhập cảnh đi du học tại Nhật Bản thì còn là một bài toán lớn.
Tình hình cấp COE cho du học sinh vào Nhật Bản
Sau gần chục năm mở cửa với mục tiêu đón nhận 300.000 du học sinh nước ngoài vào Nhật Bản, sang năm 2019, con số này đã bắt đầu chạm ngưỡng. Một trong những nước có tỉ lệ tăng trưởng DHS lớn nhất trong giai đoạn này đó chính là Việt Nam.
Theo báo cáo từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, lượng DHS Việt Nam năm 2014 là 26.439 người, đến năm 2019 đã tăng đến 72,354 người, đứng thứ 2 sau Trung Quốc. Đây được coi là yếu tố đáng mừng cho mối quan hệ hợp tác toàn diện Việt - Nhật trong thời gian qua. Đặc biệt là trong công tác hợp tác giáo dục, tăng cường việc tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên Việt Nam sang học tập tại Nhật của cả 2 nước.
Nhưng bên cạnh đó, chính vì việc mở cửa, tạo điều kiện tối đa cho du học sinh nước ngoài nói chung, DHS Việt Nam nói riêng nên trong thời gian vừa qua tỉ lệ tội phạm từ DHS nước ngoài đã gia tăng nhanh chóng, xuất hiện ngày càng nhiều du học sinh mượn cớ sang Nhật để đi làm kiếm tiền, tỉ lệ bỏ học, trốn bất hợp ngày càng gia tăng, ảnh hưởng lớn đến an ninh, an toàn xã hội Nhật Bản, đặc biệt trong bối cảnh Olympic 2020 Tokyo đang đến rất gần.
Đứng trước bối cảnh này, ngay từ đầu năm 2018, Nhật Bản đã có những động thái thặt chặt dần việc cấp tư cách lưu trú (COE) và visa du học sinh nước ngoài vào Nhật, đặc biệt là du học sinh Việt Nam.
Theo thống kê, từ năm 2018 trở về trước, tỉ lệ COE của du học sinh Việt Nam luôn đạt từ 79 - 90%, nhưng theo dự báo của các Trường Nhật ngữ thì năm 2019 con số này chỉ đạt xấp xỉ 70%.
Làm gì để tăng tỉ lệ đỗ COE?
Trong thời gian tới, Cục xuất nhập cảnh Nhật Bản sẽ gia tăng việc xét hồ sơ và mong muốn chọn lựa những DHS có nguyện vọng du học thực sự và có năng lực học tập, năng lực tài chính để duy trì học tập và sinh hoạt tại Nhật. Đây là những lý do giải thích tại sao xuất hiện ngày càng nhiều các lỗi trượt mà Cục nhập cư Nhật Bản đã thông báo cho học sinh mà trước đây ít hoặc không xuất hiện như: “Nghi ngờ sổ tiết kiệm”, “nghi ngờ học bạ”, “ nghi ngờ sổ hộ khẩu”, “ nghi ngờ thu nhập của người bảo lãnh”… hoặc sau khi đỗ COE đến khi xin visa còn bị đánh trượt bởi khi phỏng vấn Đại sứ quán trình độ tiếng Nhật kém.
Mặc dù năm 2019, tỉ lệ COE Việt Nam chỉ có thể đạt xấp xỉ 70% nhưng nếu so với các nước khác thì tỉ lệ đỗ COE của Việt Nam vẫn ở mức khá cao. Tuy nhiên để hạn chế thấp nhất những lỗi mà Cục Nhập cư có thể từ chối COE, theo ý kiến của các Trường cũng như chuyên gia du học, học sinh cần phải lưu ý như sau:
- Khi đăng ký hoặc nghe tư vấn du học, học sinh cần phải nắm đầy đủ chính xác chương trình, tình hình xét tư cách lưu trú (COE) của Nhật Bản hiện nay để biết và đưa ra quyết định phù hợp với nguyện vọng và năng lực của bản thân, kinh tế gia đình trước khi đăng ký tham gia. Tuyệt đối không lợi dụng chương trình du học để sang đi làm hoặc bỏ trốn.
- Lựa chọn những công ty uy tín lâu năm, có am hiểu về du học Nhật Bản để đăng ký tư vấn và học tập. Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ gửi sang Trường để xin tư cách lưu trú hoặc xin visa tại Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam phải đảm bảo đầy đủ, chính xác, không sửa chữa hoặc làm giả giấy tờ do Nhà nước cấp. Bên cạnh đó, học sinh phải tập trung học tiếng Nhật để đạt được chứng chỉ N5 và học nâng cao để tiệm cận trình độ N4 trước xuất cảnh mới có cơ hội đỗ COE, visa sang Nhật học tập. Du học Nhật Bản giờ đây không còn cửa cho người có năng lực học tập kém, kinh tế yếu và mong muốn đi nhanh chóng.
Ngoài ra, các học sinh và gia đình cần xác định không có công ty hay thị trường nào có tỉ lệ đỗ tư cách lưu trú (COE), visa là 100%. Quyền đỗ hay trượt phụ thuộc rất lớn vào Cục nhập cư và Đại sứ quán nước ngoài. Do đó học sinh và phụ huynh đều phải biết trước trước những khó khăn, thách thức gặp phải trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, xin tư cách lưu trú và COE, sẵn sàng phối hợp với công ty du học để được tư vấn hoàn thiện hồ sơ tốt nhất. Đặc biệt phải có sẵn các phương án dự phòng nếu bị Cục Xuất nhập cảnh Nhật từ chối như:
+ Vẫn đăng ký hồ sơ thi đại học tại Việt Nam, để nếu không đi được thì có cơ hội học đại học Việt Nam.
+ Sẵn sàng đi chương trình khác, nước khác phù hợp với năng lực học tập và tài chính của bản thân, gia đình.
+ Nếu quyết tâm đi theo chương trình cũ thì làm hồ sơ lần 2 và chấp nhận rủi ro, tỉ lệ đỗ sẽ thấp hơn.
Cũng theo báo cáo của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trong một hội chợ du học Nhật Bản tổ chức vào ngày 5 - 6/10/2019 vừa qua, số lượng du học sinh Việt Nam vẫn được Nhật Bản tiếp tục quan tâm rất lớn trong thời gian tới. Như vậy, Nhật Bản vẫn sẽ là quốc gia có sức hút lớn với DHS các nước nói chung và Việt Nam nói riêng. Điều quan trọng lúc này, các bạn học sinh phải chuẩn bị cho mình một tâm lý vững vàng và hành trang du học từ sớm; đồng thời hãy lên kế hoạch và thực sự quyết tâm với mục tiêu du học của mình.