Xót xa bữa cơm 5000 đồng của cặp vợ chồng “ông điếc chăm bà mù”

(Dân trí) - “Hai ông bà cứ thế quanh quẩn rau cháo nuôi nhau. Thương nhất là những khi thấy dáng ông xiêu vẹo, ngả nghiêng lôi củi từ trên đồi xuống tích trong kho để đun dần. Tuy nghèo khổ nhưng hai ông bà rất tình cảm, chưa một lần cãi vã. Trong bữa cơm, có miếng nào ngon ông cũng đều gắp cho bà”.

Xót xa bữa cơm 5000 đồng của cặp vợ chồng “ông điếc chăm bà mù” (Thực hiện: Hoàng Ngọc)

Đến thôn Đồng Lư, xã Đồng Quang (Quốc Oai, Hà Nội), hỏi nhà của ông Tài - bà Đầm, ai nấy đều chỉ tít lên trên núi. Vượt qua mấy con dốc thẳng đứng, trơn trượt sau cơn mưa giông mới thấy ngôi nhà của ông nằm lấp ló, nép mình dưới tán cây. Người dân sống trong thôn Đồng Lư cho biết, khu vực này không có nhiều người sinh sống, nhà nào nhà nấy sâu hun hút, cả ngày đóng cửa im lìm.

Nền đất trong căn nhà của ông Đầm - bà Tài nhiều chỗ đã nứt toác, xuống cấp.
Nền đất trong căn nhà của ông Đầm - bà Tài nhiều chỗ đã nứt toác, xuống cấp.

Trăm bề thiếu thốn nhưng vẫn trọn tình thương

Cách đây hơn 60 năm, chàng trai Nguyễn Văn Tài kết hôn với cô gái hơn mình một tuổi là Nguyễn Thị Đầm rồi cả hai đưa nhau về sinh sống dưới mái nhà cấp 4 đắp bằng đất. Ông bà lần luợt sinh ra 4 người con. Trớ trêu thay, người con gái đầu mất tích đến nay đã 29 năm, con trai út mất từ năm 19 tuổi, hai người con còn lại của ông bà cũng đều nằm trong diện hộ nghèo.

Do bị bệnh về mắt mà không có tiền chữa trị, bà Đầm bị biến chứng rồi chính thức mù từ năm 2015. Ở tuổi 69, bà đã lẫn lộn gần hết, khó có thể tự thực hiện vệ sinh cá nhân. Ông Tài tuy minh mẫn hơn vợ nhưng tai rất kém, phải ghé sát và nói rất to mới nghe rõ. Sức khỏe hai vợ chồng đều yếu nên đã nhiều năm nay, họ chỉ sống nhờ vào khoản trợ cấp 700.000 đồng/ tháng dành cho người tàn tật.

Bà Đầm bị mù đã mấy năm nay và không thể tự làm vệ sinh cá nhân.
Bà Đầm bị mù đã mấy năm nay và không thể tự làm vệ sinh cá nhân.

Ông Tài kể, cứ 2 ngày một lần, ông đi bộ hơn 1 cây số ra chợ mua thức ăn. “Bình thường tôi chỉ dám mua thịt rẻ tiền khoảng 6, 7 nghìn một lạng đem về ăn hai bữa. Có hôm “tiêu hoang” thì mua loại 10 nghìn về kho mặn ăn dần. Hai vợ chồng thường xuyên không ăn sáng, để dành cho bữa trưa và chiều tối, làm vậy đỡ tốn kém hơn”, ông Tài tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Ninh, con gái ông Tài- bà Đầm lấy chồng ở xa, công việc vất vả quanh năm nên không thường xuyên về chăm sóc được bố mẹ. Chị nghẹn ngào: “Hai ông bà cứ thế quanh quẩn rau cháo nuôi nhau. Thương nhất là những lúc về nhà thấy bố đang hì hụi nấu cơm nhưng vì mắt mờ nên cho cả thịt và rau vào nấu lẫn, nửa sống nửa chín định dọn đem lên mâm. Rồi những khi thấy dáng ông xiêu vẹo, ngả nghiêng lôi củi từ trên đồi xuống, tích trong kho để đun dần”.

Ngày nào ông Tài cũng gù mình nấu cơm trong góc bếp nhỏ xíu.
Ngày nào ông Tài cũng gù mình nấu cơm trong góc bếp nhỏ xíu.

Thế rồi kể đến đây, bỗng mắt chị ánh lên niềm vui: “Tuy có nghèo đói, ăn uống kham khổ nhưng hai ông bà rất yêu thương nhau, chưa một lần cãi vã. Trong bữa cơm, có miếng nào ngon ông cũng đều gắp cho bà. Sáng nay, bà bị mệt, nằm trên giường suốt nên nhìn ông cũng buồn hơn. Từ sáng đến chiều, ông mới chỉ ăn một bát cháo nhưng đã kịp “ép” cho bà thêm mấy quả trứng ăn cho lại sức”.

Mọi vật dụng cần thiết để ông Tài nấu cơm.
Mọi vật dụng cần thiết để ông Tài nấu cơm.

Quả thật, tận mắt chứng kiến mới biết được tình cảm ông Tài dành cho vợ lớn đến mức nào. Biết tai vợ nghễnh ngãng, mỗi lần nói chuyện ông đều ghé sát rất tình cảm. Bà Đầm cần đi đâu, ông đều dắt tay đưa đi. Tất cả mọi sinh hoạt của bà đều do một tay ông Tài chăm lo. Ông nhường chiếc giường duy nhất để bà có chỗ nằm rộng rãi. Phần mình, ông nằm ngay trên chiếc phản vốn được dùng để đóng quan tài cho ông bà sau này.

Người dân xung quanh kể chuyện, mỗi lần thấy ông Tài lủi thủi xách nước đi qua nhà, ai cũng hết lòng thương cảm. Nơi lấy nước cách nhà mấy trăm mét, thế mà ngày nào ông phải đi lên 2 con dốc dựng đứng mấy lần mới xách được ít nước cho bà tắm.

“Được mọi người giúp đỡ, tôi vui mà buồn cũng nhiều”

Mấy ngày nay, sau khi câu chuyện cảm động về ông Tài- bà Đầm được đăng tải, nhiều nhà hảo tâm đã đến san sẻ và ủng hộ ông bà cả về vật chất lẫn tinh thần. Người cho tiền, bánh kẹo, gạo, quần áo, người thay cho ông bà giá để bát đũa dùng đã ngót chục năm. Chỉ trong vòng vài ngày, mỳ tôm, cháo ăn liền và các loại lương thực đã chất kín trong góc gian nhà nhỏ.

Ông Tài trò chuyện với các nhà hảo tâm.
Ông Tài trò chuyện với các nhà hảo tâm.

Ông Tài bày tỏ, khao khát lớn nhất mà cả đời ông không thể thực hiện được, ấy là lắp lại chiếc cửa gỗ đã mục ruỗng và lợp tấm nhựa lên trần cho khi mưa gió đỡ hắt, đỡ dột. Nhưng nay, nhờ có sự quan tâm của mọi người, mơ ước bấy lâu đã thành hiện thực. Giờ đây, mỗi khi có ai đến thăm, hỏi ông cần gì hay muốn có thêm thứ gì, ông Tài cũng chỉ nở nụ cười móm mém mà ngại ngùng lắc đầu.

Đưa mắt nhìn những thùng mỳ, túi gạo được tặng, ông trầm ngâm mãi rồi mới cất lời: “Được mọi người tặng quà, giúp đỡ đủ đường tôi cũng vui lắm, nhưng trong lòng thì phần buồn nhiều hơn. Buồn vì mình không tự lo được miếng ăn, cái mặc, buồn vì không thể cho vợ một cuộc sống đầy đủ hơn. Hơn nữa, nhận quà của mọi người nhiều, tôi cũng thấy ngại lắm”.

Bữa cơm 5000 đồng của đôi vợ chồng nghèo.
Bữa cơm 5000 đồng của đôi vợ chồng nghèo.

Mỗi bữa, trên mâm cơm của hai vợ chồng già chỉ có đúng 2 chiếc bát con đựng canh và thức ăn. Các món ăn cũng rất đơn giản: vài miếng giò hoặc chút thịt băm ăn cùng chút rau muống luộc, lúc lại đổi món với canh khoai tây nấu cùng mỡ lợn. Tính ra, một bữa cơm của hai ông bà chỉ vỏn vẹn 5.000 đồng.

“Bữa ăn mấy ngày nay khá hơn trước nhiều. Ngày trước chỉ ăn rau cỏ dông dài, giờ trong bữa thi thoảng có thêm ít ruốc. Bà nhà tôi nhờ thế mà cũng ăn ngon miệng hơn. Tôi cũng yên tâm hơn phần nào”, ông Tài vừa nói vừa nhìn về hướng bà trìu mến.

Bài và ảnh: Hoàng Ngọc