"Xóm chạy thận" ở Tây Đô lao đao trong mùa dịch Covid-19
(Dân trí) - Ở xóm này cứ nhìn cánh tay ai chằng chịt u cục thì đích thị có "tuổi bệnh" lâu nhất. Dịch ập đến, họ vừa lo chống chọi bệnh tật vừa san sẻ nhau từng bữa ăn qua ngày .
Không có việc, tiêu đến đồng cuối cùng
Nằm cạnh chân cầu Hưng Lợi thuộc khu vực 1 (phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ), khu nhà trọ Thành Đạt của chị Nguyễn Thị Thanh Nga đã và đang là chốn nương náu của hơn 40 người.
Tất cả khách trọ ở đây đều là bệnh nhân chạy thận và người nhà đến từ nhiều tỉnh như Vĩnh Long, Đồng Tháp, Trà Vinh… lọc thận tại bệnh viện Đa khoa Thành phố Cần Thơ.
Từ ngày dịch Covid-19 bùng phát ở Cần Thơ, không thể về nhà, họ đành phải tìm nơi ở tạm để dễ chữa bệnh trong mùa dịch. Năm lần bảy lượt bị nhiều nhà trọ từ chối nhận khách, may mắn đã mỉm cười khi họ tìm được nhà trọ Thành Đạt. Cứ thế, suốt gần một tháng nay nơi này trở thành "xóm chạy thận" của hơn 40 con người, già có, trẻ có, cố gắng nương tựa vào nhau để sống.
Chị Nguyễn Thị Thanh Nga, chủ nhà trọ cho biết, chị đã ngưng nhận khách từ khi Cần Thơ áp dụng Chỉ thị 16 nhưng vì đồng cảm trước hoàn cảnh của các bệnh nhân nên chị cho họ mướn phòng trọ với giá rẻ.
"Nhà trọ của tôi cho thuê theo giờ hoặc theo ngày, giá thuê phòng là 150.000 đồng/ngày. Trước đó tôi đã ngưng nhận khách vì tuân thủ quy định phòng, chống dịch Covid-19 nhưng vì bà con năn nỉ nhiều quá nên tôi thu xếp cho họ lưu trú tạm, lấy tiền thuê phòng theo đầu người", chị Nga chia sẻ.
Mang trong mình căn bệnh suy thận đã 4 năm, tuần nào em Cao Hữu Duyên (20 tuổi, ngụ huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) đều cùng mẹ đi xe buýt qua Cần Thơ lọc thận. Duyên còn nhớ như in ngày Cần Thơ giãn cách xã hội, em và mẹ phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm nhà trọ.
"Em và mẹ đi rất nhiều nhà trọ nhưng chẳng chỗ nào dám nhận khách, lúc đó đầu óc em rối bời không biết ngày tháng sau này tính sau. Về quê thì không có chỗ lọc thận, còn ở lại Cần Thơ thì không có chỗ ở. May mắn lúc đó em nhớ ra có cô Út cùng quê cũng nuôi chồng chạy thận, em gọi điện nhờ cô giúp đỡ nên mới tìm được chỗ ở gần một tháng nay", Duyên ngậm ngùi kể.
Năm nay 58 tuổi, bà Lê Thị Tuyết Phương (Trà Ôn, Vĩnh Long) sang Cần Thơ lọc thận đã 6 năm nay. Bà cho biết trung bình mỗi tuần người bệnh phải đến bệnh viện lọc thận 3 lần, ngoài ra còn truyền đạm hoặc truyền sắt theo yêu cầu của bác sĩ.
Theo bà Phương, chạy thận lâu xương yếu, đi lại khó khăn, đi một lát tay chân mỏi không đi nổi. Có người mang nhiều bệnh lý khác nên họ còn phải mua thêm thuốc huyết áp, canxi và thuốc trợ tim để uống.
"Đâu chỉ có thuốc men, chi phí truyền đạm, mỗi lần vào lọc thận còn tốn thêm mấy trăm ngàn tiền xét nghiệm Covid-19, âm tính mới được vào bệnh viện. Hầu như người nào trong xóm chạy thận này đều đã tiêu đến đồng tiền tích cóp cuối cùng, có người còn phải vay mượn khắp nơi", bà Phương rầu rĩ.
Giữa khó khăn của đại dịch gặp được người tốt
Bà Trần Thanh Út đã phải vay mượn tiền ngược xuôi để lo cho chồng lọc thận. Ông Hồ Văn Sang (40 tuổi, chồng bà Út) là bệnh nhân chạy thận lâu nhất ở xóm trọ này. Ông có 15 năm "chạy đua với tử thần" khiến cơ thể ngày một xuống dốc. Cứ vài ba ngày ông phải truyền sắt, truyền đạm một lần. Trên cánh tay khẳng khiu của người đàn ông mới 40 tuổi này nổi đầy những cục u nần, đây là dấu hiệu nhận biết cơ bản của người chạy thận lâu năm.
Hơn một thập kỷ ròng rã chạy chữa bệnh cho chồng khiến cuộc sống gia đình ngày một khánh kiệt. Bà Út kể, vợ chồng đều là lao động tự do, không đất đai ruộng vườn, chỉ biết làm thuê mà sống qua ngày.
"Chồng tôi bệnh nặng nên mọi việc trong nhà đều do tôi lo hết. Trước khi có dịch bệnh, mỗi lần đi lọc thận về tôi đều tranh thủ lặt hạt điều gia công, lúc nào nước ròng thì lội sông mò hến. Ai thuê mướn gì tôi cũng nhận làm miễn sao có tiền lo cho chồng con", bà Út lau nước mắt nói.
Chị Nguyễn Thị Thanh Nga, chủ nhà trọ cho biết thêm: "Dịch bệnh khiến người dân xóm chạy thận lâm vào khó khăn, nhưng rất may, suốt thời gian qua, ông Trần Văn Hiền (ngụ thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) là chủ mái ấm tình thương cưu mang gần 40 bệnh nhân chạy thận".
Theo bà Nga, ngày 2 buổi, ông Hiền vận chuyển nhu yếu phẩm như bánh mì, cơm, gạo, rau, củ... từ Vĩnh Long sang Cần Thơ để giúp đỡ những bệnh chạy thận đang ở trọ tại nhà của bà.
"Dịch bệnh ập đến ai cũng khó khăn, tôi hy vọng những hỗ trợ của mình có thể phần nào tiếp sức cho người bệnh trong lúc khó khăn để họ chống chọi với bệnh tật", ông Trần Văn Hiền cho biết.