Xóm chạy thận đón Tết

Sau 5 năm, chúng tôi trở lại ngõ 121 Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Hà Nội, nơi có hơn 60 phòng trọ với gần 150 người chạy thận sống quần tụ. Vẫn là những căn trọ cũ kỹ, tối om và những cư dân tay chằng chịt vết kim tiêm, kim truyền...

Xóm chạy thận trong một buổi sinh hoạt. Ảnh: Văn Chương
Xóm chạy thận trong một buổi sinh hoạt. Ảnh: Văn Chương

Phải chạy thận như mang “án chung thân”

Ông Hợi (ở Thanh Hóa), bệnh nhân có thâm niên ở xóm trọ này 11 năm đang ngồi thu lu đón cái nắng hanh hao cuối đông, ngay đầu cổng phòng trọ chia sẻ: “Người đến rồi ra đi vĩnh viễn liên tục. Người phải đi chạy thận như án chung thân”. Đôi mắt ông Hợi chỗ bạc trắng, chỗ đỏ ngầu, da bệu nước và xám xịt, đưa tay chỉ vào một người rồi nói: “Lắp đến van thứ 4 rồi đấy”. Ông Hợi cho hay, những người đến với xóm trọ này đều xác định tâm lý cả rồi nên nói chuyện chết chóc chẳng có gì phải giữ ý.

Những ngày cuối đông, trời trở nắng ấm, thế nhưng lòng người ở xóm chạy thận lại nguội lạnh bởi 3 ngày nay, họ đã chứng kiến 3 người “ra đi”. Bạn của ông Hợi là ông Nam, đồng hương Thanh Hóa ngồi kế bên cho biết, hiện trong xóm cũng có trường hợp một giảng viên đại học đang bệnh nặng khó qua khỏi. Chốc chốc lại thấy có người hớt hơ hớt hải chạy từ bên Bệnh viện Bạch Mai về báo tin, mặt buồn lắm. Hình như bệnh nhân đó ít cơ hội sống...

Những người sống ở xóm trọ này trên 10 năm như ông Hợi và ông Nam cũng chỉ là số ít dù họ chưa phải là những người ở đây lâu nhất. Tuy nhiên, chừng đó thời gian họ cũng phải chứng kiến quá nhiều những trường hợp bạn bệnh qua đời. Nhiều đến nỗi, với họ cái chết trở nên bình thường, dễ đón nhận hơn và dễ nói về chuyện chết chóc hơn.

Đầu năm 2011, lần đầu tiên chúng tôi đặt chân đến xóm dành cho những bệnh nhân chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai. Sau 5 năm trở lại vẫn là cảnh cũ. Những người từng gặp đã “ra đi” quá nhiều, chúng tôi lại làm quen với nhiều bệnh nhân mới. Cảnh đời éo le chẳng ai giống ai nhưng họ có chung nỗi khổ vì bệnh tật, khổ vì thiếu thốn và khổ vì xa quê hương, xa gia đình.

Không thể xa bệnh viện quá 3 ngày


Ông Tấn với cuốn sổ ghi chép số người đến và đi trong xóm.

Ông Tấn với cuốn sổ ghi chép số người đến và đi trong xóm.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi hỏi về kế hoạch Tết Nguyên đán của mình, ông Nam trả lời ngay không suy nghĩ: “Có chứ, về còn hương khói cho ông bà tổ tiên”. Ông cho biết chưa Tết nào ông ở lại xóm trọ. Hơn 100 bệnh nhân ở xóm cũng có kế hoạch về quê ăn Tết cả.

Ông Nam cho hay: “Người nào ở xa tận Nghệ An, Hà Tĩnh thì chỉ được ở nhà đúng ngày mùng 1 Tết vì phải mất 2 ngày trên đường để đi và về. Bệnh này không thể xa viện quá 3 ngày được”. Để được ở quê ăn Tết 1 ngày, Nhung (27 tuổi, ở xã Thạch Hà, Hà Tĩnh) cũng có “thâm niên” chạy thận 11 năm cho biết, cô sẽ phải trải qua hơn 600km cả đi lẫn về. Nhung bảo, cô còn sức khỏe, chứ một số cô bác yếu quá phải nằm lại phòng trọ, muốn về nhà dù một giờ đồng hồ cũng không thể được.

Ông Nguyễn Văn Tấn (quê ở xã Thụy Vân, Hiệp Hòa, Bắc Giang) ở xóm trọ này hơn chục năm, mới đây đã nhường chức “trưởng xóm” cho một người trẻ hơn. Tuy nhiên, ai cũng gọi ông là "xóm trưởng" cái tên cư dân chạy thận tự "bầu", hiếm khi gọi tên thật.

Ông Tấn đã già hơn nhiều so lần chúng tôi gặp 5 năm trước. Chỉ có điều không khác trước là tay ông vẫn những vết sẹo do phải cắm quá nhiều kim tiêm. Ông giơ tay lên chỉ cho chúng tôi thấy cánh tay phải lỗ chỗ những vết sẹo và nói: “Tay tôi giờ không thể để van bơm máu nữa mà phải chuyển sang chân”. Ông lại kéo chân lên để lộ ra một van bơm mà bác sĩ cấy vào nổi cộm lên dưới da.

Ông Tấn là người có điều kiện hơn những người cùng xóm chạy thận vốn lắm cảnh đời éo le này. Thời gian ở lại Hà Nội lâu đến mức giá cả thị trường từ ngày ông mới đặt chân đến và hiện tại đã tăng lên chóng mặt. “Năm đầu tiên ở Hà Nội, tôi chỉ thuê phòng trọ với giá 200.000 đồng/tháng. Bây giờ đã 1,5 triệu đồng/tháng”, ông Tấn cho hay.

Nhớ ngày trước, ông Tấn kể cho chúng tôi về một cặp đôi ở xóm trọ thương nhau rồi về ở với nhau. Hồi ấy, căn phòng của anh Hải và chị Thêu nhỏ đến mức chỉ đủ kê một tấm phản. Người đi vào thì được, nhưng lúc trở ra phải giật lùi bởi gia cảnh của họ khó khăn quá mà không đủ tiền thuê phòng trọ bình thường. Ngày trở lại xóm trọ, chúng tôi mới hay tin anh Hải đã mất và chị Thêu cũng rời xóm. Căn phòng trọ đặc biệt của họ cũng được gỡ đi để xây nhà mới. Ông Tấn bảo, còn nhiều cặp đôi khác nữa họ đến với nhau vì tình thương và cùng cảnh ngộ.

Đối với ông Tấn, quê nhà chỉ cách phòng trọ 3 giờ đồng hồ chạy xe khách nên việc về hay ở với ông cũng đơn giản hơn những người khác. Trước cảnh chuẩn bị đoàn viên gia đình đón Tết, ông Tấn chia sẻ: “Đã vào với xóm này rồi, không ai hẹn ngày về đoàn tụ với gia đình cả, chỉ tranh thủ về thôi. Quý thời gian còn sống trên cõi đời này lắm”.

Bệnh nhân chạy thận lên kế hoạch kiếm tiền dịp Tết Trong lúc đa số cư dân xóm trọ lên kế hoạch lọc máu ngày cuối để có nhiều thời gian trở về nhà sum họp thì một số ít người tính chuyện ở lại kiếm tiền. “Mùa Tết làm gì chẳng có tiền, từ đánh giầy, bán hàng rong cho đến dọn dẹp. 85% chi phí chữa bệnh đã được nhà nước lo cho rồi, 15% còn lại là mình phải lo. Có đồng ra đồng vào mà bồi dưỡng mới sống lâu được chứ”, cách tính toán của một bệnh nhân chạy thận ngoài 30 tuổi khiến chúng tôi không khỏi xót xa.

Theo Gia đình & Xã hội