Xóa sổ ống hút nhựa và cuộc chiến thay đổi thói quen "60 năm tuổi"

Trường Thịnh

(Dân trí) - Dù đã hình thành 60 năm, nhưng thói quen sử dụng ống hút nhựa vẫn là điều mà con người cần quyết liệt từ bỏ để kịp thời khắc phục những khủng hoảng về môi trường trên toàn cầu.

Xóa sổ ống hút nhựa và cuộc chiến thay đổi thói quen 60 năm tuổi - 1

Cần nói không với ống hút nhựa ngay từ bây giờ (Ảnh minh họa).

60 năm ống hút nhựa chiếm lĩnh thế giới, âm thầm tấn công môi trường

Thập niên 1960 đánh dấu sự ra đời của những chiếc ống hút làm bằng chất liệu nhựa trong bối cảnh nền công nghiệp sản xuất nhựa đã bùng nổ và cơ sở hạ tầng sản xuất ống hút nhựa được định hình. Ống hút nhựa có đặc tính rẻ, không bị hư hỏng và rất tiện lợi nên được ưa chuộng và sử dụng ngày càng nhiều, thúc đẩy nhiều tập đoàn tại Mỹ tăng tốc sản xuất để đáp ứng đủ nhu cầu của xã hội. Tại thời điểm đó, ống hút nhựa thực sự là một sản phẩm hữu dụng và không ai quan tâm đến tác động trong tương lai của nó đến môi trường.

Đến nay, những tác hại mà rác thải nhựa dùng một lần, trong đó có ống hút nhựa, gây ra đối với con người và môi trường đang ngày càng trở nên rõ ràng. Đã có rất nhiều báo cáo về nguy cơ với sức khỏe con người và hệ sinh thái nhưng lượng rác thải nhựa mỗi ngày vẫn không ngừng tăng lên.

Đặc biệt, trong thời điểm giãn cách xã hội hiện tại do dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ tại Việt Nam, nhu cầu đặt đồ ăn thức uống giao tận nhà tăng nhanh, dẫn đến rác nhựa dùng một lần từ các vật dụng ăn uống thải ra môi trường cũng vì thế mà chồng chất. Bất cứ thói quen nào của con người đều cần sự làm quen, tiếp nhận và hình thành lâu dài.

Sự tiện lợi thường được số đông ưu tiên nhiều hơn tính cấp thiết trong vấn đề bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trước những tác hại nghiêm trọng gây ra bởi rác thải nhựa dùng một lần, trong đó có ống hút nhựa, chúng ta cần phải hành động ngay.

Thay đổi thói quen 60 năm không dễ, nhưng là cấp thiết

Tính đến năm 2021, nhân loại đã trải qua hơn 60 năm gắn liền với thói quen dùng ống hút nhựa. Việc thay đổi thói quen có từ rất lâu này là một điều tưởng đơn giản nhưng lại không dễ thực hiện, nhất là để đồng bộ và bền vững, lâu dài. Những năm gần đây, các cơ quan ban ngành đã có những động thái cụ thể để kêu gọi người dân và cộng đồng thay đổi thói quen dùng đồ nhựa một lần.

Năm 2019 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ chủ trì phát động Phong trào "Chống rác thải nhựa" trên toàn quốc, đặt mục tiêu đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Nhiều sáng kiến hướng đến giảm rác thải nhựa được triển khai ở nhiều địa phương như thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam; phong trào "Chủ nhật xanh" tại Huế, "Nói không với túi nilon" tại Hội An - Cù Lao Chàm, Quảng Nam...

Dù vậy, nếu nhìn vào những thống kê đáng báo động về rác thải nhựa tại Việt Nam, chúng ta cần hành động quyết liệt và liên tục hơn nữa để kịp thời giải quyết hiện trạng này. Các phong trào chống rác thải nhựa cần được tích cực nhân rộng, lan tỏa và truyền thông đến nhiều đối tượng hơn. Mỗi cá nhân cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi thói quen tiêu dùng của chính mình và giúp nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho những người xung quanh.

Cộng hưởng cùng người tiêu dùng trong hành trình "giảm nhựa sống xanh" chính là các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng nhanh. Thách thức đặt ra cho doanh nghiệp là phải cân nhắc giải pháp mang tính bền vững không gây tác động xấu một lần nữa đến môi trường.

Ngoài ra, để người tiêu dùng đón nhận hơn với giải pháp mới, doanh nghiệp cần đưa ra những khuyến nghị và hướng dẫn sử dụng hợp lý để đảm bảo trải nghiệm sản phẩm được tốt nhất. Không phải ngẫu nhiên mà ống hút nhựa lại tồn tại được hơn 60 năm. Các giải pháp thay thế ống hút nhựa cũng cần những lý do đủ ưu việt để có thể tồn tại được lâu như vậy và thậm chí lâu hơn nữa.

Xóa sổ ống hút nhựa và cuộc chiến thay đổi thói quen 60 năm tuổi - 2

Đưa vào sử dụng ống hút giấy, thương hiệu Nestlé MILO giúp giảm đi gần 700 tấn rác thải nhựa mỗi năm (Ảnh: Nestlé MILO).

Dù là thói quen gì và đã tồn tại lâu đến mấy, chúng ta cũng cần tỉnh táo để kịp thời thay đổi, từng bước tiếp cận và làm quen với những giải pháp mới thân thiện với môi trường hơn. Thay vì chạy theo sự tiện lợi trước mắt, đã đến lúc con người cần nhìn xa hơn về những vấn đề sẽ tác động đến chất lượng cuộc sống về lâu dài.