Xây dựng huyện Phong Điền thành thị xã của tỉnh Thừa Thiên Huế
(Dân trí) - Xây dựng huyện thành thị xã trước năm 2025 là nhiệm vụ trọng tâm, là mục tiêu hướng đến của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Phong Điền trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: Theo Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhiệm vụ xây dựng thị xã Phong Điền trước năm 2025 được Huyện ủy, UBND huyện đặc biệt quan tâm.
Trước mắt, tập trung quy hoạch và phải xây dựng Phong Điền trở thành đô thị loại IV, làm cơ sở, động lực để phát triển lên thị xã. Ngoài ra, Phong Điền phải tập trung đầu tư cho các chương trình trọng điểm như: phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - làng nghề, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển du lịch - dịch vụ.
Đến nay, Phong Điền đã hoàn thành điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới các xã, quy hoạch chung đô thị mới Phong An, thị trấn Phong Điền và đô thị Điền Lộc. Đã hình thành các khu đô thị, khu dân cư mới như: khu dân cư Xạ Biêu - Tân Lập, khu dân cư Trạch Thượng II, khu dân cư phía bắc Tỉnh lộ 9, khu tái định cư giải phóng mặt bằng mở rộng Quốc lộ 1A, các khu dân cư dọc đường tránh chợ An Lỗ, khu dân cư dịch vụ Thượng An, khu dân cư trung tâm xã Điền Lộc... với diện tích lên tới gần 30ha. Toàn huyện có 2 đô thị loại V: Thị trấn Phong Điền và xã Phong An; xã Điền Lộc đang hoàn thiện công tác đánh giá để đề nghị công nhận đô thị loại V trong năm 2020.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2015-2020, tổng vốn đầu tư trên địa bàn huyện đạt trên 890 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư, tạo điều kiện khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế - xã hội. Từ một huyện nghèo, sản xuất nông nghiệp là chính, đến nay Phong Điền đã có cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, tạo nên sự phát triển nhanh, mạnh và bền vững. Giá trị sản xuất tăng bình quân 15,3%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 53 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đến hết năm 2020 dự ước còn 3,82%; 11/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới...
Là huyện cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố Huế 30km, dân số 87.783 người, diện tích đất tự nhiên 948,22 km2, Phong Điền ngày nay được biết đến là nơi có tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng cũng như có nhiều thuận lợi trong thu hút các doanh nghiệp đầu tư công nghiệp, du lịch, xây dựng đô thị...
Phong Điền nằm trên tuyến đường huyết mạch chính của hành lang kinh tế Đông Tây nối với Lào – Thái Lan – Myanmar từ cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến các cảng biển của miền Trung; điều kiện giao thông khá thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt và đường thủy. Qua địa bàn huyện có các giao thông huyết mạch như Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường Cam Lộ - Túy Loan, tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy dọc qua huyện. Cách không xa trung tâm huyện và các khu công nghiệp có sân bay Phú Bài (khoảng 50km) và sân bay quốc tế Đà Nẵng (khoảng 120km).
Phong Điền có vùng đồng bằng đất đai màu mỡ, vùng gò đồi giàu tiềm năng, có bờ biển dài 16km và gần 632 ha diện tích đầm phá và nhiều hồ đập tự nhiên với các nguồn lợi thuỷ hải sản phong phú cho phép phát triển một nền nông nghiệp toàn diện cả nông, lâm nghiệp và thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hóa. Có tài nguyên khoáng sản khá phong phú, trữ lượng một số khoáng sản lớn đủ để đầu tư khai thác công nghiệp như đá vôi, than bùn, nước khoáng… tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp.
Ngoài ra huyện còn có thế mạnh về phát triển du lịch, với nhiều địa danh nổi tiếng như làng cổ Phước Tích, suối nước khoáng Thanh Tân, chiến khu Hòa Mỹ, chùa Giác Lương… Cảnh quan thiên nhiên đa dạng, thuận tiện phát triển du lịch tắm biển - nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái biển, đầm phá. Vùng gò đồi - miền núi có nhiều danh lam thắng cảnh tự nhiên đẹp như động Adon, hồ Gương, hồ Quao, khe Me, suối khoáng nóng Thanh Tân, phong cảnh núi đồi, rừng thông…
Địa phương đã hoàn thành vượt mức 17/17 chỉ tiêu phát triển KT-XH chủ yếu của Nghị quyết đại hội XIII. Trong đó, thu ngân sách tăng bình quân 12%/năm, giá trị sản xuất tăng bình quân tăng 15,3%/năm, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống có chuyển biến tích cực.
Là một trung tâm đào tạo vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của tỉnh Thừa Thiên Huế, huyện Phong Điền có Khu Công nghiệp Phong Điền nằm trên địa bàn thu hút 14 dự án đầu tư, trong đó 13 dự án đi vào hoạt động, đạt tỷ lệ 39,11% vốn đăng ký, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp đạt 35%, giải quyết việc làm cho 7.990 lao động. Các nhà máy sản xuất công nghiệp đang hoạt động ổn định, có hiệu quả và đang mở rộng quy mô sản xuất.
Năm 2019, huyện đã phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh kêu gọi, thu hút được nhiều nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát để triển khai thực hiện các dự án như: Tập đoàn FLC, Tập đoàn Contana, Công ty Kanglongda…Đồng thời, huyện tích cực phối hợp với các nhà đầu tư thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng giao thông, hệ thống xử lý nước thải… để triển khai thực hiện các dự án.
Tại địa bàn, Công ty Scavi Huế, nhà máy xi măng Đồng Lâm đã đi vào hoạt động ổn định với công suất 1,5 triệu tấn/năm và đang đầu tư dây chuyền 2 để mở rộng sản xuất; Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, Nhà máy gạch Tuynel 1-5, các cơ sở chế biến các sản phẩm từ cát…; Công ty Phượng Hoàng Xanh, nhà máy thủy điện Hương Điền, nhà máy điện mặt trời Phong Điền 1 đã đi vào hoạt động; thủy điện Alin B2, Rào trăng 3, Rào trăng 4 đang hoàn thiện; Tổng công ty Viglacera đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng và đang kêu gọi đầu tư sản xuất; cơ sở sản xuất men Frit của công ty Cổ phần frit Phú Xuân, nhà máy gỗ của Công ty TNHH Lee&Park Wood Complex, Glasico...đã đi vào hoạt động. Có 3 nhà đầu tư đầu tư hạ tầng (Công ty C&N ViNa, Công ty Primer Thiên Phúc và Công ty Viglacera).
Bên cạnh sự nỗ lực phấn đấu của chính quyền địa phương, người dân cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Để đạt được mục tiêu trên thì rất cần sự chung tay tích cực của người dân phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, hiến đất… Chính sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ và ý thức tự giác của người dân sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển của Phong Điền.
Lãnh đạo huyện Phong Điền cũng như Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương đang nỗ lực hết sức để tạo nên một diện mạo mới cho Phong Điền hướng đến mục tiêu xanh, sạch, đẹp và trở thành đô thị loại IV vào năm 2020, xây dựng huyện Phong Điền thành thị xã thời gian ngắn sắp tới.
Trường Thịnh