Xây dựng chuỗi giá trị tiêu chuẩn Quốc tế cho nhiều sản phẩm nông nghiệp
(Dân trí) - Một số sản phẩm nông nghiệp như chuối tiêu, hồng, cam canh, bưởi diễn, nhãn muộn, thanh long, cà rốt, rau... sẽ được xây dựng giá trị đạt tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu.
Ngày 14/15 vừa qua, Công ty AIC đã cùng với đối tác Đài Loan ký biên bản ghi nhớ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh nhằm xây dựng Chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn Quốc tế cho một số sản phẩm nông nghiệp như cam canh, bưởi diễn, nhãn muộn (Hà Nội); chuối, thanh long (Vĩnh Phúc); cà rốt và rau (Bắc Ninh).
Ký kết tại Hà Nội
Ký kết tại Vĩnh Phúc
Ký kết tại Bắc Ninh
Hôm nay ngày 16/1, đoàn sẽ tiếp tục ký kết với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, Bà Rịa Vũng Tàu để hỗ trợ địa phương trong việc cải tạo đất, giống, mẫu mã sản phẩm, chuyển giao công nghệ ... để các sản phẩm nông nghiệp trồng tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước cũng như mở rộng xuất khẩu sang Đài Loan và các nước trong khu vực.
Nội dung ký kết trên sẽ được triển khai hoạt động vào tháng 2/2016.
Được biết, Công ty cổ phần tiến bộ Quốc tế AIC đã cùng với các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu, khảo sát tình hình thực tế, đưa ra các sáng kiến cải tiến công nghệ tiên tiến để đưa vào ứng dụng tại Việt Nam.
Các công nghệ này thuộc nhiều lĩnh vực như: ứng dụng các công nghệ mới để xử lý nước thải, trong đó có các bệnh viện, đô thị và làng nghề; ứng dụng công nghệ mới để làm sạch đất nông nghiệp bị ô nhiễm, tồn dư thuốc trừ sâu và hóa chất dioxin; ứng dụng các công nghệ mới để nâng cao chất lượng đào tạo, ứng dụng các thành tựu công nghệ tin học; tham gia phát triển công nghệ sóng cộng hưởng để nâng cao chất lượng nhiên liệu.
Ngoài ra, AIC nghiên cứu ứng dụng công nghệ tế bào gốc và nhận dạng gen để góp phần tìm kiếm những người mất tích trong chiến tranh và trong các thảm họa, thiên tai; ứng dụng nguồn năng lượng mới trên cơ sở các từ trường; ứng dụng công nghệ cao vào Việt Nam để xử lý vấn đề chống biến đổi khí hậu, đặc biệt là công nghệ trồng rừng ngập mặn.
Đồng thời, đưa nhiều ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao của Nhật Bản, Israel, Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan vào ngành Nông nghiệp Việt Nam để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.
Hồng Hạnh