Thanh Hóa:

Xã nghèo "thay da đổi thịt" nhờ cây vầu đắng

Bình Minh

(Dân trí) - Những năm gần đây, cây vầu đắng đã giúp cho nhiều gia đình ở xã miền núi nghèo Yên Khương (Lang Chánh, Thanh Hóa) thoát nghèo bền vững, bộ mặt nông thôn ở vùng biên viễn ngày càng thay da, đổi thịt.

Vầu đắng "lên ngôi"

Yên Khương là xã miền núi có 7km đường biên giới, địa bàn có 9 thôn, bản với 1.166 hộ/5.250 khẩu, trong đó 97% là người Thái. Do địa hình, thời tiết khắc nghiệt cùng với việc thiếu đất ở, đất sản xuất nên tình hình phát triển kinh tế của địa phương gặp nhiều khó khăn.

Năm 2018, UBND xã Yên Khương thực hiện mô hình trồng rừng thâm canh cây vầu với mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững. Trong đó, từ nguồn vốn Chương trình 30a, toàn xã trồng thâm canh 22 ha với 24 hộ dân tham gia, phân bổ 3 thôn; trồng thâm canh vầu theo Chương trình 135 có hơn 24 ha, phân bổ 5 thôn. Cả hai chương trình có 3 hộ nghèo, 17 hộ cận nghèo và 4 hộ thoát nghèo tham gia.

Xã nghèo thay da đổi thịt nhờ cây vầu đắng - 1

Người dân nhận ra trồng vầu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây ngô, sắn.

Sau thời gian triển khai trồng thử nghiệm, nhận thấy vầu đắng là loại cây trồng khỏe, không tốn công chăm sóc; có tỷ lệ sống trên 90%, ít bị sâu bệnh, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương và có thể thu hoạch quanh năm, lợi nhuận cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa, ngô, khoai sắn... Đặc biệt, chỉ với thời gian chăm sóc hai năm, cây vầu đắng đã cho thu hoạch, thời gian thu hoạch dài tới 40 đến 50 năm, bà con đã dần bỏ diện tích trồng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế thấp bằng việc trồng vầu.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Hà Văn Quỳnh ở thôn Chí Lý, một trong những hộ dân trồng cây vầu hiệu quả, với hơn 4ha. Ông Quỳnh cho biết: "Tôi thấy trồng cây vầu rất hiệu quả. Trên 4ha đất hoang trước đây, nay đã phủ một màu xanh mướt, có những cây vầu đắng cho đường kính từ 7 đến 10cm. Mỗi bộ vầu có tỷ lệ sinh măng mỗi lứa từ 5-7 cây. Rừng vầu của gia đình tôi đã có thể cho chặt tỉa và đem lại thu nhập cho gia đình. Năm tới gia đình tôi sẽ chuyển một số diện tích cây kém hiệu quả sang trồng vầu".

Chị Lữ Thị Bảy, trú tại bản Bôn, xã Yên Khương cho biết, để thực hiện mô hình trồng cây vầu, gia đình chị đã sang huyện vùng biên Quan Sơn để học hỏi kinh nghiệm ươm giống. Cùng với kỹ thuật học được ở trường đại học và cán bộ địa phương, chị đã thành công trong ươm giống và trồng cây vầu bán cho người dân địa phương, thu nhập ngày càng tăng cao.

Xã nghèo thay da đổi thịt nhờ cây vầu đắng - 2

Gia đình chị Bảy ươm vầu bán không những cho thu nhập cao mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục nhân công lao động. 

Hiện trung bình một mầm cây vầu gia đình chị bán với giá 8.000 đồng, mỗi đợt ươm giống xong, gia đình chị xuất bán từ 3.000-5.000 cây giống, thu về từ 24-40 triệu đồng. Thu nhập bình quân của gia đình chị đạt 120 triệu đồng/năm, chị còn tạo việc làm cho 20 nhân công là người địa phương với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng.

Hiện toàn xã Yên Khương có 450 ha vầu đắng. Trong đó, hơn 337 ha là diện tích vầu từ các chương trình dự án và 250 ha là diện tích vầu tự nhiên của bà con. Từ mô hình trồng vầu đắng, đến nay trên địa bàn xã Yên Khương đã thành lập được 2 hợp tác xã với gần 50 thành viên là các hộ gia đình tham gia, tổ chức sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cây vầu đắng.

"Cây vầu giúp xóa đói giảm nghèo"

Ông Vi Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Khương phấn khởi cho biết: "Giá khai thác vầu đắng là 170.000 đồng/100kg. Một ngày, bình quân một gia đình, hai vợ chồng có thể khai thác 200-300kg, mang lại thu nhập từ 600.000 đến 700.000 đồng/ngày. 

Trong những năm gần đây, mô hình trồng vầu đắng tại xã Yên Khương đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói, giảm nghèo, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho bà con trong xã.

Những hộ nghèo, cận nghèo tham gia trồng thử nghiệm vầu theo Chương trình 30a, 135 hiện đã thoát nghèo. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân đầu người đạt 8 triệu đồng thì năm 2020 đạt khoảng 20 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15,17%"

"Trên địa bàn xã đã mở rộng diện tích và lựa chọn vầu đắng là cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu như gia đình chị Lữ Thị Bảy, anh Lương Văn Lai, ông Hà Văn Quỳnh... Chúng tôi đang phấn đấu trong năm 2021, toàn xã sẽ phát triển được hơn 1000 ha trồng cây vầu đắng.

Theo tính toán của chúng tôi, 1ha vầu đắng, từ năm thứ 3, mỗi năm cho thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên. Do đó, mô hình trồng vầu đắng sẽ là khâu then chốt để nhân dân địa phương thoát nghèo, sớm về đích trong xây dựng nông thôn mới"-  ông Vi Văn Thu chia sẻ.

Cùng với việc trồng cây vầu đắng, bà con xã Yên Khương còn được bộ đội biên phòng - Đồn biên phòng Yên khương hướng dẫn các mô hình khác như trồng nấm bào ngư, nuôi vịt có giá trị kinh tế cao giúp xóa đói giảm nghèo, góp phần khởi sắc khu vực biên giới.