Vui buồn nghề xe lôi đạp

Ngọc Linh

(Dân trí) - Xe cộ phổ biến khiến xe lôi đạp mất dần vị thế nhưng đâu đó tại An Giang vẫn còn hình bóng những phu xe già cố gắng bám trụ với nghề.

Vui buồn nghề xe lôi đạp - 1
Xe lôi là phương tiện di chuyển công cộng đặc trưng ở miền Tây trong thời gian dài

Nhắc đến xe lôi đạp có lẽ chỉ còn An Giang là nơi duy nhất ở miền Tây còn lưu giữ nhiều hình ảnh đẹp của phương tiện này đến tận ngày nay. Trong đó Long Xuyên, Châu Đốc là 2 địa phương còn nhiều cánh phu xe theo nghề xe lôi đạp nhất.

Từ năm 2000 trở về trước, chiếc xe đạp được gắn thêm thùng phía sau là phương tiện chở khách, hàng hóa phổ biến. Khắp các nẻo đường, từ thành thị đến nông thôn, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh chiếc xe lôi đạp. Đó là thời hoàng kim của chiếc xe 4 bánh thô sơ này.

Nhưng hình ảnh này ngày nay rất khó bắt gặp, sau khi dạo một vòng thành phố Long Xuyên phồn hoa, tìm đến những người chạy xe ôm hỏi thăm tôi mới tìm được "bến xe lôi" cặp bên bờ kè Mỹ Bình.

Vui buồn nghề xe lôi đạp - 2
Ông Nguyễn Văn Quang bên chiếc xe lôi của mình

Từ xa xa đã trông thấy một người đàn ông đang lui cui chất đống ve chai, giấy vụn lên xe lôi. Lân la hỏi thăm, người đàn ông ấy giới thiệu tên là Nguyễn Văn Quang (58 tuổi, ngụ phường Mỹ Phước) có hơn 30 năm theo nghề xe lôi đạp. Khó ai ngờ, hơn 10 năm trước ông Quang từng chở đắt khách đến mức mỗi ngày có thể kiếm cả triệu đồng thì giờ đây ông và con xe đạp phải lặng lẽ mưu sinh bên gánh ve chai hoặc chở hàng dạo kiếm sống qua ngày.

"Nghề nào rồi cũng có lúc thăng, lúc trầm cô ơi. Ngày trước ở đây nhiều người chạy xe lôi đạp lắm vì nghề kiếm ra tiền mà nên ai cũng phải tranh thủ "kiếm cơm". Ai có tiền thì sắm xe để chạy không có thì vay mượn đóng thùng xe. Hồi đó chở khách được lắm, khách thuê đi chợ, đi học, thăm viếng…vòng vòng Long Xuyên này tôi đều chạy hết. Khách muốn tản mát, ngắm cảnh với xe lôi cũng chỉ mất khoảng 3.000 - 5.000 đồng/1km. Còn giờ thì…", ông Quang vừa chất ve chai trên xe vừa rầu rĩ nói.

Vui buồn nghề xe lôi đạp - 3

Xe đạp lôi từ phương tiện đắt khách một thời thì nay ế chỏng chơ

Cũng như ông Quang, khi hỏi các cánh tài xế khác về xe lôi đạp ai nấy đều vui vẻ kể lại những chuyện cũ, tích xưa. Nào là trước khi có xe lôi đạp là họ chạy xe đạp ôm, một xe chở một khách về sau khi thấy chở một người ít quá một số phu xe đóng thêm chiếc thùng xe để chở nhiều người hơn. Một người, hai người dần dà thành trào lưu rồi nghề đạp xe lôi cũng nở rộ mang đến cơm ăn, áo mặc cho bao người.

Ấy là chuyện của ngày trước còn bây giờ, xe lôi đạp ế chỏng chơ, khoảng 1000 chiếc xe lôi ngày nào giờ chỉ còn loe hoe khoảng 30, 40 chiếc. Mà ngặt nỗi hình bóng chiếc xe lôi quen thuộc ngày nào với con xe đạp gắn thùng xe chở khách đã bị thay thế thành xe thớt đạp hay xe thớt máy.

Vui buồn nghề xe lôi đạp - 4
Ông Nguyễn Hữu Lộc rầu rĩ vì từ sáng đến hơn 3 giờ chiều vẫn chưa có lấy một cuốc xe nào

Dù trải qua nhiều phiên bản phù hợp với thời đại nhưng có lẽ xe lôi đạp ở An Giang chính là một đặc sản của văn hóa miền Tây dân dã và vùng đất này còn có cả những người dân chất phác, hiền hòa và đáng mến vô cùng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm