Vừa thuê trọ ở Hà Nội, sinh viên "khóc ròng" vì trường "quay xe"
(Dân trí) - Nhận được thông báo đổi lịch phút chót của trường về việc chuyển phương án học trực tiếp sang online khiến nhiều sinh viên "khóc ròng" vì đã thanh toán tiền thuê trọ.
V.T.P (quê ở Hải Phòng) là sinh viên khóa 41 Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Sau dịp Tết nguyên đán, biết tin trường quyết định cho sinh viên các khóa quay trở lại học trực tiếp, P. chủ động lên Hà Nội tìm và thuê nhà trước vài tuần.
Vừa thanh toán gần 8 triệu đồng tiền phòng trọ (bao gồm tiền đặt cọc 1 tháng và tiền thuê nhà 1 tháng), P. bất ngờ nhận được thông báo đổi lịch học phút chót về việc trường chuyển phương án học từ trực tuyến sang online do số lượng ca nhiễm ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung tăng vọt.
"Em và một người bạn cùng tìm và thuê một phòng trọ ở gần trường. Chúng em vừa đóng cọc được bốn hôm, dự định lên trường vào chủ nhật thì tối qua nhận được tin trường "quay xe" cho học online tiếp. Hiện cả hai đang rất hụt hẫng và lo lắng, chưa biết xoay sở ra sao", P. nói.
Nữ sinh này tiết lộ, vì việc kiếm nhà trọ gần trường để thuận tiện đi lại khá vất vả nên đã đóng tiền cọc và thuê nhà tháng đầu tiên. "Như mấy năm trước, rất nhiều sinh viên cũng buộc phải cọc tiền để giữ nhà. Nếu mình rút cọc tức là phá hợp đồng và phải đền bù, chưa kể chẳng có chỗ ở. Em tính sắp xếp lên ở chứ để phòng trống như vậy rất lãng phí mà tiền đóng rồi cũng khó lấy lại được", 10X cho hay.
Chung hoàn cảnh "dở khóc, dở cười" vì đã đóng cọc tiền trọ, N.P.H (SN 2002, quê Phú Thọ) "tá hỏa" khi nhận tin trường đổi kế hoạch học tập phút chót. Nữ sinh Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ, cô cùng hai người bạn thân bắt xe xuống Hà Nội để tìm phòng trọ hôm 11/2.
"Vì các chỗ trọ đều đang khan hiếm phòng nên em với 2 người bạn ở cùng quê, học cùng trường xuống Hà Nội sớm và tìm thuê được một phòng trọ ở khu Trần Quốc Vượng. Chúng em đã ký hợp đồng một năm, dự định cuối tháng 2 sẽ chuyển đến. Chủ nhà nói sẽ không giữ phòng nên chúng em đành chấp nhận thuê ngay, tính ra phải nộp cho họ một tháng tiền cọc và nửa tháng tiền giữ phòng, hết 4,5 triệu đồng", H. chia sẻ.
Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tối muộn ngày 18/2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đưa ra thông báo khẩn về việc tạm dừng việc học trực tiếp đối với các hệ, các lớp; chuyển toàn bộ sang học trực tuyến tới khi có thông báo mới. Bỗng chốc, nữ sinh quê Phú Thọ bỗng rơi vào hoàn cảnh "tiến thoái lưỡng nan".
10X cho hay, nếu không trả phòng thì có thể sẽ phải chi trả tiền nhà suốt nhiều tháng. Phòng không người ở nhưng vẫn phải đóng tiền đều, gây thiệt hại về mặt kinh tế. Ngược lại, nếu trả phòng, cô sẽ mất cọc. Chưa kể, khi trường cho đi học trực tiếp trở lại, nữ sinh này cũng không đủ thời gian tìm phòng hoặc không còn phòng cho thuê.
Không chỉ P. và H., nhiều sinh viên khác cũng bày tỏ sự hoang mang trước quyết định "quay xe" từ nhà trường khi đã đóng số tiền cọc nhà đáng kể. Một số người ở tỉnh thành xa, chưa biết tính toán ra sao khi vé xe, vé máy bay cũng đã đặt hết. Dù hiểu rõ tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp nhưng các sinh viên này đều mong muốn nhận được sự thông cảm và hỗ trợ chi phí từ chủ nhà.
Được biết, theo thống kê của Bộ Giáo dục và đào tạo, 100% các trường đại học, cao đẳng đã lên kế hoạch đưa sinh viên trở lại trong tháng 2. Hiện, đa số các trường vẫn giữ nguyên phương án cho sinh viên quay trở lại học trực tiếp.