"Vua" săn rắn hổ mang khét tiếng ở Sài Gòn
(Dân trí) - Nhắc đến “vua rắn” Tư Lợi, dân săn rắn tại Sài Gòn đều ngả mũ chào thua bởi ông chuyên bắt rắn hổ mang bằng tay không thay vì đào bới rồi chích điện.
Gần 15 sống bằng nghề bắt rắn hổ mang, ông Tư Lợi (ngụ xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM) không biết đã bắt bao nhiêu rắn và cũng không nhớ nổi đã bao nhiêu lần đối mặt với những con rắn cực độc, một nhát cắn có thể hạ gục con trâu mộng.
Xuất thân trong gia đình làm nghề chài cá, thời trai trẻ ông Tư Lợi đặt trúm lươn mưu sinh. Để có những con lươn to, ông len lỏi vào những con rạch nằm xa khu dân cư và cũng chính ở những nơi ấy, cơ duyên đến với nghề bắt rắn của ông xuất hiện. “Cách đây khoảng gần 15 năm, tôi thấy người ta ăn rắn nhiều và rắn hổ rất có giá. Rồi nhìn lại, thấy mình biết khá rõ tập tính, chỗ ở của chúng nên về làm bẫy bắt rắn thử để kiếm thêm thu nhập”, ông Tư Lợi kể.
Vậy là ông mày mò làm lọp hình trụ dài 1m, đường kính 15cm, có gắn một cái hom để khi rắn hám mồi chui vào trong thì không thể thoát ra ngoài. Một cái lọp hoàn hảo phải được gia cố chặt chẽ bằng dây kẽm bởi rắn hổ mang rất khỏe, chỉ cần có kẽ hở là có thể thúc lọp phóng ra ngoài.
“Do biết rắn hổ đất thích ở chỗ khô ráo, vắng vẻ không ngập nước như ụ đất cao, gốc cây to và mồi ruột là cóc nên tôi đặt thử vài nơi ai dè dính thiệt. Lúc đầu còn khó khăn để đưa rắn vào bao lưới, lâu dần dạn tay và có nhiều kinh nghiệm hơn nên mọi chuyện cũng dễ dàng. Lúc mới vào nghề, Sài Gòn mình thời đó bãi hoang nhiều nên rắn cũng nhiều theo. Một ngày có khi bắt được 5 - 7 kg bán được vài triệu đồng. Giờ nhìn đâu cũng là nhà, công ty, xí nghiệp… rắn vẫn còn nhưng hiếm lắm, chỉ toàn rắn nhỏ dưới”, ông Tư Lợi chia sẻ.
Trong những lần đi bắt rắn ông nhớ nhất là khoảng đất trống sát mé sông Sài Gòn, ở đây ông bắt gần 20 con rắn hổ đất. Trong đó có “ông” hổ đất nặng 2,5kg và nhiều con nặng 1,7 – 1,8kg. “Đặt lọp xong, mấy ngày sau tôi quay lại, tim tôi như ngừng đập vì thấy một cục đen ngòm nằm kín cái lọp. Cả người cứ run bần bật vì chưa thấy con rắn nào to như vậy, lỡ nó cắn một cái thì vô cũng nguy hiểm nhưng bằng kinh nghiệm có được, tôi cũng khống chế được nó, cân lên nó nặng hơn 2,5kg", ông Tư Lợi giọng hồi hộp kể.
Rồi có lần, ông và một người em hàng xóm đi bắt rắn. Hai anh em đang ngồi trên ghe để tháo rắn cho vào bao. Bất thình lình con rắn hổ đất hơn 1,5kg sảy khỏi lọp bành mang to như cái quạt khè khè. Ông Tư và cậu em sợ xanh mặt cả hai định hô nhau nhảy xuống nước thoát thân nhưng cũng sợ rắn phóng theo cắn chết.
Ông Tư Lợi nhớ lại: “Lúc đó con rắn ở giữa ghe, tui một đầu, thằng em một đầu cầm cây thủ sẵn, nó mà lao tới thì hất ra. Cái ghe chưa tới 3m2 mà con rắn dài hơn mét, mang bành ra to đùng tôi sợ xanh mặt. Mãi một lúc nó phóng xuống sông hai anh em mừng thoát chết mà cũng tiếc đứt ruột vì vừa mất đi một số tiền lớn”.
Dù sống với nghề nguy hiểm nhưng hôm nào không đi đặt lọp rắn là ông nhớ. Hiện ông đang đi bắt rắn hổ đất nhỏ, loại dưới 0,5 kg về gầy đàn. “Trước tui cũng bắt con nhỏ nuôi lớn và gầy đàn hơn 100 con. Nhưng do chưa có kinh nghiệm nên thất bại. Hy vọng chuyến này sẽ khá hơn”.
Trung Kiên