An Giang:
"Vua" bò bật mí cách tăng lực cho bò đua để ẵm cup vô địch
(Dân trí) - Trước ngày ra sân đua 2 tháng, ông Tài sẽ cho bò ăn cháo, uống dừa tươi trộn trứng gà sống, đây là nước "tăng lực" để bồi bổ cho bò đủ sức thi đấu.
Môn thể thao có một không hai ở miền Tây
Đua bò là môn thể thao đặc trưng của người dân Thất Sơn (thuộc 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn) của tỉnh An Giang.
Các bậc cao niên trong nghề đua bò cho biết, ngày thường, bò là vật nuôi giúp nông dân cày bừa ruộng để trồng lúa, khoai mì... Kết thúc mùa gặt nông dân sẽ tụ họp lại đua bò.
Phần thưởng chỉ đơn giản là ách cày, dây đeo chuông nhưng ai nấy đều rất phấn khởi tham gia vì muốn tìm niềm vui sau vụ mùa.
Dần dần từ trò chơi dân gian, đua bò được chính quyền địa phương đưa vào danh sách môn thể thao đặc trưng, tổ chức nhiều giải đua trong năm, thu hút cả người Khmer lẫn người Kinh tham gia.
Sau 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19, chưa đầy một tháng nữa, đua bò Bảy Núi đã trở lại, các "tay đua" nông dân sẽ bước vào trận đua bò để tranh cúp vô địch.
"Vua bò" tiết lộ bí quyết "tăng lực" độc đáo
Được mệnh danh là "ông hoàng" đua bò xứ núi vì trong hơn 25 năm đua bò, ông Nguyễn Thành Tài (53 tuổi, tên thường gọi là Chau Pi, ngụ xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang) đã giành được vô số giải vô địch trên sân.
Chia sẻ bí quyết luyện bò thi đấu, ông Tài cho biết, để chiến thắng tại trận đua bò cần hội tụ đủ 3 yếu tố gồm bò giỏi, điều khiển giỏi và người đua phải đứng giỏi.
"Bò được chọn phải là bò đực đã bị thiến, bò không được quá mập hay quá ốm, lỗ tai không to, ngực không thòng trên đầu phải có xoáy mới chứng tỏ là bò khôn, nghe lời chủ. Thể trạng đôi bò có thể không bằng nhau nhưng chân phải đồng đều.
Thông thường bò khoảng 3 năm tuổi đã có đủ sức huấn luyện cho thi đấu, khả năng đua có thể kéo dài đến 10 năm nếu bò được chăm sóc tốt", ông Tài tiết lộ bí quyết lựa bò đua.
Ngày thường bò phục vụ sản xuất nông nghiệp, chỉ cho ăn cỏ nếu đem đi thi đấu sẽ thua thiệt vì không đủ sức. Thế nên, trước thời gian thi 2 tháng, các tay đua sẽ "tăng lực" cho bò bằng cách cho uống hỗn hợp nước dừa và hột gà sống, kết hợp ăn cháo.
"Buổi sáng tôi cho bò ăn cháo trắng, đến cử trưa hoặc xế chiều thì pha dừa tươi và hột gà cho bò uống. Mỗi tuần nạp năng lượng 2 lần, duy trì liên tục 2 tháng. Có như thế bò mới có sức bền để thi đấu", ông Tài vừa pha hỗn hợp "tăng lực" cho bò vừa nói.
Công đoạn dinh dưỡng đã xong xuôi kế đến là ra sân tập. Mỗi tuần các tay đua bò sẽ tập trung một ngày ra sân tập dợt.
Ông Tài cho biết: "Muốn bẻ lái bò đi sang bên nào thì giật sợi dây, còn muốn đi nhanh hay chậm thì dùng cùi móc, đến lúc tăng tốc thì dùng một đầu còn lại để đâm. Tuy nhiên tôi rất ít khi đâm con vật vì chúng đau quá không theo ý mình, thay vào đó tôi có cách hô khác biệt khiến bò nghe theo ý để chạy về đích...", vua bò Bảy Núi bật mí bí quyết huấn luyện bò.
Với kỹ năng điêu luyện, nghiễm nhiên ông Tài trở thành đối thủ đáng gờm của những tay đua bò có già, có trẻ.
Được biết, gia đình của ông Tài không phải "dạng vừa" trong giới đua bò. Cha ông là cụ Nguyễn Văn Tấn (81 tuổi) được xem là "huyền thoại" trong giới. Cụ Tấn chơi đua bò từ năm ngoài 30 tuổi đến 60 tuổi cụ mới nghỉ hưu. Ngay từ nhỏ ông Tài đã sớm bộc lộ niềm đam mê với môn đua bò, ông hay trốn học để ra ruộng chăn bò với cha.
"Khi tôi biết đi, biết đứng trên bừa rồi cha tập cho tôi bẻ lái, điều khiển bò theo ý. Đến năm ngoài 20 tuổi tôi bắt đầu chơi đua bò từ sân nhỏ đến sân lớn, bao năm chinh chiến tôi đem về vô số giải thưởng trong đó phần thưởng lớn nhất là chiếc xe gắn máy", ông Tài chỉ về số cờ chiến thắng, cúp vô địch.
Hiện "vua bò" đã ở tuổi ngũ tuần, vài năm nữa ông cũng phải giải nghệ. May mắn thay con trai ông cũng có đam mê đua bò trở thành thế hệ thứ ba trong gia đình nối nghiệp huấn luyện bò đua.
Vào 19/9 sắp tới, lễ hội Đua bò Bảy Núi truyền thống huyện Tri Tôn lần XVI năm 2022 sẽ được tổ chức, hứa hẹn là trận tranh tài "máu lửa" của những nông dân xứ núi.