Vụ trẻ em rơi từ nhà cao tầng: Chuyên gia chỉ sai lầm nhiều gia đình mắc phải

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, việc thiết kế giường, tủ sát cửa sổ hoặc đặt các khối hình hộp như: chậu, thang… ở các lô-gia… có thể khiến trẻ tò mò, leo trèo gây ra những tai nạn đáng tiếc.

Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ trẻ nhỏ tử vong do rơi từ tòa nhà cao tầng. Mới đây nhất, tại Khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội), một bé trai 4 tuổi rơi từ tầng 3 tòa nhà xuống đất dẫn đến tử vong. Cũng tại chung cư Linh Đàm, vào năm 2016, một bé trai 6 tuổi cũng tử vong do rơi từ tầng 11 xuống mái tầng 2. Vụ việc thương tâm tương tự cũng từng xảy ra tại nhiều chung cư ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh…

Chia sẻ với PV Dân trí, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam cho biết, đây là những vụ việc đau lòng, đáng tiếc.

photo-1-1551596697293448143957.jpg

Thời gian gần đây liên tiếp các vụ trẻ em rơi từ nhà cao tầng. Trong ảnh là hiện trường vụ tai nạn bé trai 4 tuổi tử vong do rơi từ tầng 3 tại một chung cư ở Linh Đàm (Hà Nội).

Thực tế, việc xây dựng các chung cư, nhà cao tầng ở Việt Nam đều có quy chuẩn riêng. Theo đó các lô - gia, ban công phải có lan can bảo vệ cao 1m4, các khe hở giữa các lan can không được quá 10cm và không được làm thanh ngang để phòng việc trẻ leo trèo, hoặc chui lọt qua gây nguy hiểm. Ngoài ra, độ mở của cửa sổ nhà cao tầng, chung cư không quá 12cm để đảm bảo an toàn.

 Theo KTS Phạm Thanh Tùng dù đã có quy định rất nghiêm ngặt nhưng nhiều đơn vị thi công, chủ đầu tư vẫn không thực hiện nghiêm túc.

“Việc trẻ em rơi từ nhà cao tầng ngoài những nguyên nhân từ sự chủ quan, lơ là của người lớn thì lỗi chắc chắn đến từ việc thiết kế hoặc thi công chưa đảm bảo”, ông Tùng nói.

Cũng theo KTS Phạm Thanh Tùng, có một thực tế là hiện nay việc nghiệm thu công trình chung cư rất “đại khái”, “qua loa”, thiếu sự trách nhiệm của các bên. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều công trình chưa đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn trong thiết kế nhưng đã đưa người dân vào ở.

“Khi nghiệm thu phải đủ các thành phần từ chủ đầu tư, thiết kế, đại diện của cơ quan công an, của Bộ xây dựng. Người mua nhà, cũng phải lưu tâm xem hợp đồng, các thiết kế căn hộ cụ thể để đảm bảo an toàn. Các cơ quan chức năng phải làm tốt công tác kiểm tra, rà soát, nếu phát hiện sai phạm thì phải xử lý nghiêm”, KTS Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh.

Trong khi đó, TS Nghiêm Xuân Đạt - Phó Chủ tịch Hiệp hội môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, để phục vụ công tác cứu hỏa các cửa sổ chung cư, nhà cao tầng hiện nay không được làm chấn song cửa.

Tuy nhiên, nhiều gia đình lại chưa có các biện pháp để đảm bảo an toàn cho trẻ. Phía bên trong phòng ngủ, chủ nhà thường thiết kế giường tủ, sát với cửa sổ, hay ở khu vực lô - gia thường đặt các đồ hộp khiến trẻ tò mò, sử dụng leo trèo dẫn đến các tai nạn đáng tiếc.

“Các hộ gia đình không nên kê các đồ hộp, ghế, thang hoặc vật dễ di chuyển tại các khu vực lô- gia, hành lang lan can, cửa sổ của tòa nhà. Chỉ cần đứa trẻ trèo lên một chiếc chậu, hay một vài đồ vật của gia đình cũng là nguyên nhân khiến bé lộn cổ xuống”, ông Đạt nói.

Theo ông Đạt, để đảm bảo an toàn, các gia đình có trẻ nhỏ có thể lắp thêm lưới an toàn theo quy chuẩn được phép của PCCC. Bên cạnh đó, các phụ huynh cũng không nên lơ là, chủ quan, tuyệt đối không để trẻ nhỏ ở nhà một mình, thường xuyên giáo dục dạy trẻ các kỹ năng để tự bảo vệ mình.  

"Tại các khu vực lan can, lô-gia, hành lang nên lắp thêm các sợi dây thép dọc theo chiều cao, tránh kiểu bậc thang để hạn chế việc leo trèo của trẻ. Bên cạnh đó tại khu vực này cũng có thể trồng thêm các cây leo, dây xanh… để căn nhà vừa đảm bảo mỹ quan, an toàn lại tránh được tình trạng bê tông hóa” - TS Nghiêm Xuân Đạt khuyến cáo.

Hà Trang