1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Trẻ nhỏ rơi từ cửa sổ chung cư - chuyện đau lòng bao giờ mới chấm dứt?

(Dân trí) - Liên tiếp xảy ra những vụ việc thương tâm khi trẻ em vui chơi ở tầng cao các tòa nhà chung cư bị rơi xuống đất dẫn đến tử vong. Cửa sổ chung cư không có chấn song, ban công không rào chắn giống như một cái bẫy chết người, nhưng vì nhiều nguyên nhân những cái bẫy này vẫn đang được "bỏ ngỏ".

Trẻ nhỏ rơi từ cửa sổ chung cư - chuyện đau lòng bao giờ mới chấm dứt? - 1

Khu vực cửa sổ căn phòng 306, tòa nhà Rice City - Khu đô thị Linh Đàm nơi bé trai trèo lên rồi ngã xuống sảnh (Ảnh: Nguyễn Trường).

Trưa ngày 3/3, nhiều người sinh sống dưới chân tòa Trung, chung cư Rice City -Khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) giật mình bởi tiếng động mạnh vội chạy ra ngoài xem thì trông thấy một bé trai nằm bất động dưới sảnh.

Dù được người dân xung quanh hỗ trợ đưa nạn nhân đi cấp cứu, nhưng cháu bé đã tử vong vì vết thương quá nặng.

Theo ông Nguyễn Đình Chiến - Trưởng Công an quận Hoàng Mai, danh tính nạn nhân được xác định là cháu V.Đ.Q. (5 tuổi, con trai anh V.A.D. trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội). Do bận công việc, anh D. đã gửi con trai đến nhà người quen là chị Vũ Thị Thu H. (44 tuổi, chủ căn hộ 306 tòa nhà Rice City).

Vụ việc đau lòng xảy ra khi chị H. đi ra ngoài nhưng vô tình để cửa phòng sập chốt, không mở được. Trong khi chị H. nhờ bảo vệ tòa nhà mở hộ chốt cửa, cháu Q. đang chơi đùa một mình trong phòng, trèo lên cửa sổ phòng ngủ không có chấn song rồi rơi xuống đất.

Đáng chú ý, nhiều căn hộ ở chung cư Rice City chưa có biện pháp rào, bao bọc lan can của ban công, cửa sổ nhằm đảm bảo an toàn, ngăn trẻ nhỏ leo trèo.

Chị Nguyễn Ngọc Thu (40 tuổi, trú tại tòa nhà chung cư Rice City) kể, một số người cho rằng lắp lưới ban công hay chấn song cửa sổ làm khuất tầm nhìn, ảnh hưởng đến không gian của căn hộ.

“Dù các các cháu trong gia đình tôi đều đã lớn, nhưng từ khi nhận bàn giao căn hộ, việc đầu tiên tôi làm là lắp lưới ở ban công, chấn song cửa sổ để bảo đảm an toàn cho gia đình. Sau là trẻ con nhà hàng xóm, anh em bạn bè đến chơi cũng cảm thấy được yên tâm” - chị Thu cho hay.

Trong khi đó, chị Đỗ Thị Mỹ Linh  (30 tuổi, trú tại tòa nhà Nơ 4 - Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) cho biết, gia đình chị từng nhiều lần đề nghị bảo vệ tòa nhà cho phép lắp thêm lưới ở ban công nhưng không được chấp thuận.

“Họ nói rằng nếu nhà nào cũng lắp thêm lưới ở ban công sẽ khiến cho tòa nhà mất thẩm mỹ, dù tôi đã giải thích gia đình có cháu nhỏ vài tuổi, lại rất hiếu động. Điều này khiến mọi người cảm thấy bất an nhưng chưa biết làm thế nào” - chị Linh lo lắng.

Trẻ nhỏ rơi từ cửa sổ chung cư - chuyện đau lòng bao giờ mới chấm dứt? - 2

Ban công không được rào sắt như thế này luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm với trẻ nhỏ.

Trước đó, hồi tháng 5/2017, một bé trai 5 tuổi bất ngờ rơi từ tầng 17 của chung cư Skyline ở phường Văn Quán (quận Hà Đông, Hà Nội) tử vong tại chỗ. Thời điểm xảy ra vụ việc, bé trai đang ở trong căn hộ cùng với mẹ. Chỉ vài phút lơ đãng, bé đã trèo lên ghế, leo qua lan can ở khu vực cửa sổ, rơi xuống đất.

Giữa tháng 7/2016, tại tòa nhà Rainbow - Khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt) một cháu bé 6 tuổi bị rơi từ tầng 11 xuống tầng 2 tử vong. Qua tìm hiểu, gia đình nạn nhân sống ở tầng 11, tiếp giáp với giếng trời nhưng khu vực này không được lắp lưới an toàn. Khi cháu bé leo lên cửa sổ chơi thì bị té ngã.

Quy chuẩn đối với ban công, cửa sổ… như thế nào?

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết nhà ở chung cư đang là xu thế tất yếu trong quá trình đô thị hóa. Trước đây chung cư thường được hiểu trên dưới 20 tầng nhưng hiện nay có những chung cư nhà ở lên đến 35 - 40 tầng.

“Đối với những chung cư trên 30 tầng trở lên, có nên cho mở lô gia và ban công không? Đây là vấn đề cần phải tính toán trong quy chuẩn xây dựng chung cư nhà cao tầng tại Việt Nam” - ông Châu nói và cho biết, theo quy chuẩn xây dựng hiện hành, ban công chỉ được làm đến tầng thứ 6; từ tầng thứ 7 trở lên chỉ được phép làm lô gia.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ em ở chung cư, theo ông Châu, bên cạnh việc chủ đầu tư phải tuân thủ quy định của Bộ Xây dựng khi xây chung cư, cư dân sống trong chung cư cần tăng cường giám sát, huấn luyện trẻ em về nhận biết nguy hiểm, như: không được leo trèo ngoài ban công, lan can cầu thang, lô gia...

Trẻ nhỏ rơi từ cửa sổ chung cư - chuyện đau lòng bao giờ mới chấm dứt? - 3

Chung cư Skyline nơi từng xảy ra vụ việc một bé trai leo lên ghế rồi trèo qua lan can, rơi xuống đất. Ở thời điểm đó, bé trai ở nhà cùng mẹ trong một căn hộ trên tầng 17 (Ảnh: Nguyễn Trường).

Trong khi đó, đại diện Bộ Xây dựng từng nhiều lần chia sẻ về việc cơ quan này đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCXDVN 05:2008/BXD về nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe quy định về quy chuẩn lan can nhà chung cư.

Theo đó, các cạnh trống của sàn, ban công, lô gia, mái, giếng trời và các lỗ mở (lỗ mở bao gồm cả các cửa sổ - PV) phải có lan can chắn và đảm bảo các yêu cầu: Từ tầng 9 trở lên, lan can, rào chắn phải có chiều cao tối thiểu 1,4 m (các vị trí khác tối thiểu 1,1 m); phải có khả năng chịu được tác động của lực ngang và đảm bảo khe hở của lan can không đút lọt quả cầu có đường kính 100 mm; không có cấu tạo để trẻ em dễ trèo qua lan can.

Các yêu cầu kỹ thuật này đã được nghiên cứu, cân nhắc nhằm đảm bảo an toàn sinh mạng, phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường ở Việt Nam, đồng thời đảm bảo khả năng cứu nạn, cứu hộ và tự thoát nạn khi xảy ra cháy.

Trưởng Công an quận Hoàng Mai cảnh báo, việc sử dụng ban công, lô gia, đặc biệt ở những gia đình có con nhỏ, cần được mỗi cá nhân, gia đình quan tâm hơn nữa để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Nguyễn Trường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm