Vợ chồng trẻ nhờ bà ngoại chăm con, cùng tập luyện diễu binh dịp lễ 30/4
(Dân trí) - Vợ chồng phi công Nguyễn Ngọc Khánh đón bà ngoại từ miền Trung vào Đồng Nai chăm sóc con trai 6 tuổi để vợ chồng yên tâm hoàn thành nhiệm vụ diễu binh, diễu hành đại lễ 30/4.
Những ngày qua, các buổi tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành của 36 khối quân đội, công an, dân quân tự vệ chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã thu hút sự quan tâm lớn của người dân.
Trên thao trường đóng quân, các chiến sĩ, cán bộ của lực lượng vũ trang vẫn quyết tâm, miệt mài tập luyện trước ngày lễ lớn.
Trong hơn 13.000 cán bộ, chiến sĩ của 36 khối diễu binh, diễu hành lực lượng vũ trang, có vợ chồng trẻ là Thiếu tá Nguyễn Ngọc Khánh (33 tuổi, Phi đội trưởng Phi đội 2, thuộc Trung đoàn 935, Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không - Không quân) và Thiếu úy Bùi Thị Lan Chăm (28 tuổi, Nhân viên Tuyên huấn cùng đơn vị).

Thiếu tá Khánh cùng đội bay khối Phòng không - Không quân bay biểu diễn trên bầu trời TPHCM, còn vợ diễu binh trong khối Quân nhạc. Chính vì vậy, họ quyết định tạm gác chuyện nhà, nhờ bà ngoại chăm con trai để cùng đồng lòng hoàn thành tốt nhiệm vụ thiêng liêng trong ngày lễ trọng đại của dân tộc.
Thiếu úy Bùi Thị Lan Chăm chia sẻ, hiện vợ chồng anh sống tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) cùng với con trai 6 tuổi. Vì khối Quân nhạc tập luyện ở Hà Nội nên từ đầu năm, người mẹ trẻ phải tạm xa gia đình để hành quân ra Hà Nội tập luyện.
Những ngày này, Lan Chăm cùng đồng đội đóng quân tập trung ở Quân đoàn 4 (TP Dĩ An, Bình Dương) để tiếp tục tập luyện, chuẩn bị cho đại lễ nên cũng chưa có thời gian về nhà thăm con.

Trong suốt nhiều tháng tham gia tập luyện chuẩn bị cho sự kiện trọng đại của đất nước, cả hai phải xa nhau khoảng cách địa lý hơn 1.500 km. Công việc của mỗi người đều bận rộn, nhưng tình cảm và sự nhớ nhung vẫn luôn hiện hữu trong mỗi người.
Suốt thời gian tập luyện căng thẳng ở miền Bắc, tối về Thiếu úy Chăm lại gọi hỏi thăm gia đình. Những cuộc điện thoại đã tiếp thêm động lực lớn giúp cả hai người cùng tiếp tục vững bước trong nhiệm vụ thiêng liêng với đất nước.
Thiếu tá Nguyễn Ngọc Khánh chia sẻ: "Vì nhiệm vụ thiêng liêng, vợ chồng tôi luôn động viên cùng nhau cố gắng tập luyện, quyết tâm cao nhất hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Để cả hai yên tâm công tác, bà ngoại từ Khánh Hòa cũng vào Đồng Nai chăm sóc cháu học lớp 1".
Trước khi quyết định đăng ký dự tuyển khối Quân nhạc, Chăm nói với chồng: "Đây là vinh dự cả đời, không biết bao lâu mới được đi một lần. Nếu bỏ lỡ thì em tiếc lắm". Thế là vợ chồng quyết định đón bà ngoại vào Đồng Nai trông con trai 6 tuổi đang học lớp 1 để vợ chồng anh yên tâm đi thực hiện nhiệm vụ.

Dù có hơn 600 giờ bay, khi nhận nhiệm vụ tham gia bay trên bầu trời TPHCM nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Khánh lại có một cảm xúc thật đặc biệt, xen lẫn chút lo lắng.
"Khi nhìn thấy người dân thành phố hào hứng chụp hình, quay clip và đăng tải lên mạng xã hội với những bài viết đầy xúc động, tự hào, anh em phi công luôn tự nhủ những chuyến bay sau phải tốt hơn, chính xác và an toàn hơn nữa", Thiếu tá Nguyễn Ngọc Khánh chia sẻ.
Cách đây 2 tuần, tại sân ga Biên Hòa đợi đón vợ hành quân từ Hà Nội vào miền Nam sau nhiều tháng xa nhau, chàng phi công Nguyễn Ngọc Khánh đã kể lại câu chuyện tình yêu đẹp cũng bắt đầu trên chuyến tàu cách đây 10 năm.

Thiếu tá Khánh kể lại: "Cách đây 10 năm, trên chuyến tàu từ Nha Trang vào Đồng Nai, tôi tình cờ quen cô sinh viên năm nhất, đang trên đường vào nhập học tại Học viện Hành chính quốc gia (nay là phân hiệu Học viện Hành chính và Quản trị công) tại TPHCM.
Từ cuộc gặp ấy, hai người thân nhau, tình cảm bắt đầu nảy nở hơn qua những dòng tin nhắn. Sau khi cô ấy tốt nghiệp đại học, chúng tôi quyết định về chung một nhà".