Vợ chồng ông chủ ngày ngày chèo thuyền thăm 100 con lợn đi lánh lũ
Toàn bộ chuồng trại bị ngập, gia đình anh Nguyễn Tự Ba (Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội) phải chia đàn lợn hơn 100 con đi gửi.
Tuy vật nuôi được sơ tán hết, nhưng theo anh Ba, thiệt hại do đợt lụt lịch sử gây ra cho gia đình vào khoảng gần 100 triệu đồng.
Anh Ba chia sẻ: "Năm ngoái, tại xã Nam Phương Tiến bị ngập, dù không nặng như năm nay nhưng tôi cũng phải đưa lợn sang nhà hàng xóm gửi. Năm nay toàn bộ chuồng trại tan hoang, chìm trong biển nước. Tôi và vợ phải sơ tán hơn 100 con lợn, ngày hai buổi đến cho lợn ăn, vệ sinh chuồng trại".
Trong số 100 con lợn, có khoảng 20 con đang trong đợt xuất chuồng, nặng khoảng 70-80kg, còn lại là lợn mới nuôi được 2-3 tháng và lợn giống.
"Gia đình tôi bắt đầu sơ tán lợn từ ngày 22/7, đến nay đã hơn chục ngày rồi mà chưa thấy nước rút để chuyển về. May mắn là hàng xóm đều nhiệt tình giúp, không một lời phàn nàn nào", anh Ba tâm sự.
Hàng ngày, vợ chồng anh Ba đến các nhà hàng xóm cho lợn ăn và làm vệ sinh chuồng trại, tắm cho lợn để phòng tránh dịch bệnh.
Ông chủ trại lợn lo lắng: "Không biết đến bao giờ nước mới rút hết để sửa sang chuồng trại. Nhiều thức ăn cho lợn cũng bị ngập trong nước. Làm nông như gia đình tôi thì thiệt hại 1 trận lũ bằng cả năm tích cóp".
Theo thống kê của UBND xã Nam Phương Tiến, trận lụt lịch sử làm ngập 842 hộ với hơn 4 nghìn nhân khẩu. Thiệt hại về hoa màu trên 100ha, 8ha cây ăn quả, 235ha lúa và 85ha thủy sản.
Đối với gia súc, gia cầm nằm trong vùng ngập có nguy cơ bị ảnh hưởng, có hơn 4,5 nghìn con lợn (trong đó lợn nái: 520 con; lợn đực giống: 10 con; lợn thịt: 4.000 con), trong đó có 264 đã bị chết.
Phó chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Đỗ Đình Trung cho hay, chính quyền địa phương đang tích cực tổ chức các phương án hỗ trợ tại chỗ, đồng thời nhận các nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân để sớm ổn định cuộc sống cho người dân.
Đàn lợn hơn 100 con của gia đình anh Ba được đem đi gửi ở chuồng của các gia đình không bị ngập
Vịt được thả ra đường
Theo Vietnamnet