Vì sao vẫn xảy ra sự cố tại những điểm vui chơi dành cho trẻ?
(Dân trí) - Chuyên gia tâm lý học chỉ ra 2 nguyên nhân chính khiến các sự cố nghiêm trọng vẫn xảy ra tại các điểm vui chơi, bể bơi dành cho trẻ ở TPHCM.
Gần đây, TPHCM liên tục xảy ra các vụ tai nạn liên quan các loại hình kinh doanh hồ bơi, trò chơi mạo hiểm cho trẻ em. Một số vụ việc gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Dẫn con đi bơi bị đuối nước
Ngày 25/12/2023, N.L.M.D. (15 tuổi), học sinh lớp 10 một trường THPT trên địa bàn thành phố đi cùng hai người bạn (1 nam, 1 nữ) đến hồ bơi Đ.Đ. trên đường Thống Nhất, phường 16, quận Gò Vấp. Thời điểm trên, hồ bơi đang đóng cửa, chỉ có 2 nhân viên bên trong.
Nhóm của D. năn nỉ nhân viên bán vé vào bơi và được chấp nhận.
Khi vào hồ, hai người bạn bơi, còn D. ngồi chơi trên ghế đá. Một lúc sau, nhân viên hồ bơi đi ra chỉ thấy hai người bạn, không thấy D. nên hỏi thăm. Sau đó người này bất ngờ phát hiện D. nằm bất động dưới đáy hồ nên xuống đưa nạn nhân lên. D đã tử vong trước khi được đưa vào viện cấp cứu.
Tại đám tang, ông Đ. (40 tuổi), cha của em D. kể: "Hôm đó, cháu vừa hoàn thành kỳ thi, có xin phép gia đình đi chơi với bạn. Tôi đang trên đường đi làm nghe tin liền tức tốc chạy vào bệnh viện…", ông Đ. nghẹn giọng.
Trước đó hai ngày, người cha dẫn theo con trai 6 tuổi đến Công viên nước C.N. trên đường số 4, phường Tam Phú, TP Thủ Đức, TPHCM. Trong lúc vui chơi dưới hồ bơi (sâu khoảng 1,4m), bé trai không may gặp sự cố đuối nước.
Phát hiện vụ việc, nhân viên khu vui chơi cùng người thân nhảy xuống hồ đưa bé trai lên bờ rồi chuyển vào bệnh viện cấp cứu nhưng nạn nhân đã tử vong ngay sau đó.
Bên cạnh tai nạn liên quan đuối nước tại các hồ bơi, nhiều khu trung tâm, khu vui chơi trẻ em cũng thường xuyên xảy ra sự cố.
Giữa tháng 11, chị Trương Thị Bích Ngọc (37 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè) dẫn con trai P.M.B.K. (9 tuổi) đến khu vui chơi Tini Park trong một trung tâm thương mại trên đường Mai Chí Thọ, phường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức. Tại đây, sau khi mua vé cho con vào chơi trò chơi leo núi, chị Ngọc sang quầy nước đối diện. Một lúc sau, chị Ngọc hay tin con trai bị ngã nên vội chạy đến kiểm tra.
Bé K. được một số nhân viên khu vui chơi hỗ trợ đưa xuống phòng y tế. Thấy tình hình nghiêm trọng, chị Ngọc đưa con đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức kiểm tra.
Bác sĩ xác định bé K. bị gãy nhiều xương bàn chân (gãy kín đốt bàn chân ngón 2, 3 chân trái) nên được bó bột và điều trị. Sau khi xảy ra vụ việc gia đình nạn nhân đã liên hệ phía khu vui chơi để giải quyết sự việc.
Theo gia đình nạn nhân, công ty cần có động thái phù hợp khi xảy ra sự cố. Đồng thời, có trách nhiệm hơn trong việc kinh doanh dịch vụ liên quan đến trẻ em. Trong đó, phải chú ý đến việc quản lý, hướng dẫn kỹ càng trước khi vui chơi nhất là các trò chơi có tính mạo hiểm.
Theo quan sát của phóng viên, một số khu vực hồ bơi, khu vui chơi, giải trí liên quan đến loại hình kinh doanh trẻ em trên địa bàn TPHCM, chủ cơ sở thường lơ là trong việc giám sát, đảm bảo an toàn.
Theo đó, tại các cơ sở này mặc dù có đồ bảo hộ, áo phao tuy nhiên trong quá trình hoạt động không hướng dẫn kỹ càng cho trẻ nhỏ sử dụng dẫn tới những sự cố không mong muốn.
Vấn đề an toàn cần đặt lên hàng đầu
Trao đổi với phóng viên, giảng viên Bùi Quang Minh Nhật, Khoa Tâm lý học, Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cho biết, vấn đề an toàn cho trẻ em, thanh thiếu niên ở nơi công cộng, đặc biệt là những khu vui chơi, hồ bơi nơi dành riêng cho trẻ nhỏ tuổi luôn được quan tâm.
Đã có những quy định cụ thể về xây dựng, từ những khâu lựa chọn vật liệu cho đến khâu thiết kế, bày trí cũng như việc kiểm định của cơ quan chức năng trước khi đưa khu vui chơi dành cho trẻ đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, xảy ra những sự cố đáng tiếc liên quan đến những điểm vui chơi dành cho trẻ thực tế cũng có nhiều nguyên nhân khác nhau.
Theo vị này, có 2 nguyên nhân cơ bản, trước hết về phía đơn vị khu vui chơi, chất lượng khu vui chơi giảm sau thời gian dài sử dụng. Họ chậm trễ trong việc bảo trì thiết bị, còn hời hợt trong khâu đảm bảo an toàn cho trẻ trước khi tham gia trò chơi.
Về phía gia đình, nhiều phụ huynh còn chủ quan, chưa trang bị cho trẻ những kỹ năng sống cơ bản để nhận diện nguy hiểm.
"Khi xảy ra việc đáng tiếc, trách nhiệm dù nhỏ hay lớn đều thuộc về mỗi đương sự có liên quan. Cha mẹ cần nâng cao giám sát từ xa khi con tham gia hoạt động chơi, trang bị những kỹ năng sống cần thiết để trẻ tự bảo vệ mình. Đơn vị khu vui chơi, hồ bơi cũng phải đưa vấn đề đạo đức lên trên hết cùng với trách nhiệm để đảm bảo tối đa các tiêu chí an toàn khi đi vào hoạt động", vị chuyên gia nói.
Theo luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình (TPHCM), đã không ít lần tại một số nơi kinh doanh trò chơi nguy hiểm cho trẻ em xảy ra tai nạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng trẻ em.
Vì vậy, việc kiểm định, kiểm tra, vận hành phải được thực hiện một cách nghiêm ngặt. Đối với từng loại hình trò chơi, phải có quy định cụ thể về độ tuổi tham gia, các biện pháp bảo đảm an toàn và phải luôn có nhân viên cứu hộ túc trực.
Trong trường hợp tai nạn xảy ra, phải xác định doanh nghiệp kinh doanh khu vui chơi giải trí có tuân thủ các nguyên tắc về bảo đảm an toàn hay chưa để làm rõ yếu tố lỗi.
"Tôi cho rằng cơ quan chức năng cần điều tra những vụ việc trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó có đuối nước dẫn đến tử vong; cần quy trách nhiệm cho cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan. Nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự, phải khởi tố theo quy định về tội Vô ý làm chết người theo quy định, phải bồi thường về mặt dân sự theo quy định Bộ luật dân sự", luật sư Hùng nhấn mạnh.