Hà Tĩnh:
Vì sao số lượng học sinh tử vong do đuối nước gia tăng chóng mặt?
(Dân trí) - Nếu 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh Hà Tĩnh ghi nhận 8 học sinh tử vong do đuối nước, thì 6 tháng đầu năm nay, con số này đã lên đến 23 ca. Đâu là nguyên nhân?
Tăng gần 3 lần số học sinh tử nạn vì đuối nước
Theo số liệu từ ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh, 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh ghi nhận 8 ca tử vong do đuối nước ở lứa tuổi học sinh. Thế nhưng 6 tháng đầu năm nay, con số này đã gia tăng một cách chóng mặt, lên đến 23 ca.
Trong đó, vụ đuối nước mới nhất, cũng thương tâm nhất xảy ra tại Hà Tĩnh là vào ngày 30/6/2020. Vào lúc 15h30 ngày 30/6, 4 em nhỏ là Vũ Lê N., Nguyễn Đức U., Phạm Thị D. (trú tại xã Yên Hồ) và Nguyễn Hà L. (trú tại xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ), đều sinh năm 2008, rủ nhau đi tắm tại bến Trung Hậu, thuộc sông Rào Trổ, đoạn qua thôn Tiến Hòa, xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ.
Đến 16h30 thì 3 em là Vũ Lê N., Nguyễn Đức U. và Nguyễn Hà L. bị đuối nước, còn em Phạm Thị D. bơi được vào bờ, chạy về nhà báo với người lớn. Nhận được tin báo, người nhà các em đã ra khu vực bến Trung Hậu để ứng cứu, nhưng do bị đuối nước quá lâu nên cả 3 học sinh đã chìm xuống sâu. Đến khoảng 18h10 phút cùng ngày, thi thể 3 em học sinh mới được tìm thấy.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, học sinh đuối nước ở nhiều độ tuổi khác nhau, đáng chú ý là khu vực nông thôn chiếm số lượng lớn học sinh đuối nước, với hơn 15 trường hợp.
Việc gia tăng số lượng học sinh tử vong không chỉ để lại nỗi đau buồn, khó lòng khỏa lấp cho các gia đình có con em tử nạn, mà còn kéo theo một loạt các hệ lụy, khiến các nhà trường, địa phương rất đau đầu.
Đâu là nguyên nhân?
Sự gia tăng này được lý giải do thời tiết nắng nóng gay gắt từ đầu mùa, tình trạng học sinh tắm ao hồ, sông suối diễn ra phổ biến hơn.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Dân trí, nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự gia tăng mạnh các vụ đuối nước trước hết vẫn xuất phát từ sự chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm trong việc giám sát, giáo dục con em của các bậc phụ huynh.
Có trường hợp, giữa giờ nghỉ trưa, bố mẹ lơ là không để ý đã để con em tự ý đi ra khỏi nhà mà không hề xin phép. Khi tỉnh dậy không thấy con ở đâu, vợ chồng vẫn cứ nghĩ là con đi chơi với bạn gần xóm. Một lúc sau hai vợ chồng như chết đứng khi nhận được tin con tử nạn ngoài sông. Rồi có trường hợp con đi tắm ở biển Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên) bố mẹ cũng không hề hay biết cho tới khi sự việc đau lòng xảy ra.
Tiếp đó, không ít các bậc phụ huynh, người lớn chưa nêu cao trách nhiệm làm gương cho con em trong công tác phòng, chống đuối nước. Dù số lượng các vụ đuối nước không ngừng gia tăng và đều đã được thông tin, cảnh báo trên các phương tiện thông tin, nhưng một bộ phận người dân không biết sợ, thậm chí đùa giỡn, đánh cược sinh mạng của bản thân, con em mình.
Chẳng hạn, trên tuyến kênh chính của hồ Kẻ Gỗ đi qua các xã Cẩm Duệ, Cẩm Thành (huyện Cẩm Xuyên), hay cầu Hộ Độ nối TP Hà Tĩnh với huyện Lộc Hà, vào các buổi chiều, rất đông người dân tập trung trên kênh để “biểu diễn” các pha nhào lộn, nhảy cầu. Điều này càng kích thích trẻ em tắm ở kênh. Hậu quả là rất nhiều trẻ em đã kéo về kênh này để tắm, trong số đó nhiều trẻ em thiếu sự giám sát của người lớn đã bị nước cuốn tử vong.
Không chỉ chưa nêu gương, mà theo phản ánh của anh Phan Văn Đường - Bí thư Thị đoàn Hồng Lĩnh cũng như lãnh đạo xã Cẩm Thành, Cẩm Duệ huyện Cẩm Xuyên, một bộ phận người lớn thiếu ý thức đã phá hỏng, nhổ bỏ biển cảnh báo đuối nước mà chính quyền đã cắm tại cả các khu vực nguy hiểm, nước sâu.
Một nguyên nhân khác là sự chủ quan, thiếu trách nhiệm của chính quyền nhiều địa phương trong việc giám sát, quản lý các bến sông, hồ ao- nơi thường tập trung đông người, trong đó có học sinh xuống tắm. Theo ghi nhận của PV Dân trí, rất nhiều điểm tụ tập thường xuyên tập trung đông người tắm nhưng những điểm này không hề có biển cảnh báo.
Hiện trường vụ đuối nước khiến 3 học sinh tử vong vào chiều ngày 30/6 đã nói ở trên là một ví dụ điển hình. Dù bến Trung Hậu khá dài và sâu, người dân thôn Tiến Hòa xã Yên Hồ và trẻ em trong vùng vẫn thường xuyên tắm, giặt ở đây; tuy nhiên, điểm xảy ra vụ đuối nước thương tâm không có hệ thống rào chắn hay bảng cảnh báo, biển cấm.
Một nguyên nhân khác là công tác công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống đuối nước cho con em, học sinh của các của các cấp chính quyền, các nhà trường còn nhiều yếu kém, thụ động. Hình thức tuyên truyền hiện vẫn còn khô cứng, nhiều nơi vẫn chỉ phát trên loa phát thanh, thực hiện ký cam kết với các gia đình mà không tính đến hiệu quả trên thực tế.
Hà Phương