Vì sao ngư dân vẫn "mắc cạn"?

Sau 2 năm triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển kinh tế thuỷ sản, đến ngày 30-11-2016 trên địa bàn tỉnh mới có 11 chủ tàu được vay vốn đóng tàu, chiếm 28% tổng số 39 tàu có công suất trên 400CV Trung ương phân bổ chỉ tiêu cho Quảng Ninh; thấp hơn nhiều so với mức bình quân của cả nước hiện là 50%.

Ngư dân loay hoay với phương án sản xuất

Là người theo sát ngư dân thực hiện Nghị định 67 trên địa bàn huyện Vân Đồn, ông Nguyễn Quang Ninh, Phó Phòng NN&PTNT huyện, cho biết: Huyện Vân Đồn được tỉnh phân bổ 9 chiếc tàu đóng mới và 3 chiếc cải hoán. Dù đã rất tích cực vào cuộc cùng với ngư dân, nhưng trong số 5 chủ tàu có hồ sơ gửi ngân hàng thì có đến 4 hồ sơ bị trả lại với lý do phương án sản xuất không phù hợp. 4 trường hợp còn lại không nộp hồ sơ do đã nản vì gặp nhiều vướng mắc.

Vì sao ngư dân vẫn "mắc cạn"? - 1

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh hướng dẫn ngư dân Vân Đồn làm các thủ tục hồ sơ vay vốn.

Một trong những ngư dân bị Ngân hàng TMCP Công thương Chi nhánh Vân Đồn trả lại hồ sơ, anh Đỗ Văn Thuyết (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) bức xúc nói: “Khi tôi đi biển, ngân hàng gọi vợ tôi lên ký vào đơn đề nghị rút hồ sơ do ngân hàng soạn thảo với nội dung: Sau khi thẩm định, xem xét hồ sơ cho vay, phía Ngân hàng TMCP Công thương Chi nhánh Vân Đồn cho rằng phương án chưa phù hợp, đề nghị tính toán lại phương án đóng tàu khác. Nhưng vì vẫn mong muốn được đóng tàu vỏ thép, nên vợ chồng tôi đã quyết định chuyển hồ sơ vay của mình sang Ngân hàng NN&PTNT huyện Vân Đồn để nộp hồ sơ vay vốn”. Theo anh Thuyết, anh không có ý định rút hồ sơ để chuyển sang Ngân hàng NN&PTNT huyện, nhưng việc ngân hàng gọi vợ anh lên và bảo ký vào đơn đề nghị rút hồ sơ do ngân hàng tự đánh máy, khi đó anh đi biển, khác nào ép ngư dân rút hồ sơ. Anh Thuyết phàn nàn: Tôi đã mất 120 triệu đồng để làm bản thiết kế, thẩm định và các thủ tục hồ sơ vay vốn; phải sửa phương án thiết kế quá nhiều lần. Hiện tôi đang đi tàu 335CV, hàng năm trừ hết chi phí tôi thu lãi 1 tỷ đồng. Theo tính toán của chúng tôi, nếu vay vốn đóng tàu 865CV thì mỗi năm lợi nhuận thu về gấp đôi. Như vậy, sau 15 năm vay vốn, chúng tôi thừa khả năng trả gốc và lãi vay ngân hàng. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật thì chúng tôi chưa có kinh nghiệm làm một phương án sản xuất chuẩn. Phía ngân hàng thì cứ cho rằng phương án không khả thi, chúng tôi không biết phải làm thế nào.

Trường hợp của anh Lê Văn Quyết (xã Minh Châu, huyện Vân Đồn) cũng bị Ngân hàng NN&PTNT huyện Vân Đồn từ chối cho vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 cũng với lý do phương án sản xuất không khả thi, dù gia đình anh rất tha thiết được vay vốn. Ngày 8-11 vừa qua, anh tiếp tục gửi đơn đến Phòng NN&PTNT của huyện đề nghị UBND huyện và các ngành liên quan xem xét, giúp đỡ và tạo điều kiện cho gia đình anh sớm được giải ngân vay vốn đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67. Anh Quyết chia sẻ: Ngân hàng NN&PTNT huyện đã thẩm định tàu bè, nhà cửa và yêu cầu anh nộp vốn đối ứng. Anh đã bán con tàu đang chạy để nộp vốn đối ứng. Trong quá trình làm thủ tục hồ sơ, anh đã chi phí 70 triệu đồng làm thiết kế tàu; 25 triệu đồng tiền thẩm định; nhiều công sức, tiền bạc đi lại cả tháng trời học hỏi mẫu đóng tàu ở tận Thanh Hoá, Nghệ An. Khi nộp vốn đối ứng, anh tưởng mình sắp được vay vốn, nhưng nào ngờ ngân hàng gọi lên rút hồ sơ về và bảo chuyển sang Ngân hàng TMCP Công thương huyện. Anh thắc mắc: Cũng những trường hợp như nhau tại sao ở các địa phương khác vay được mà ở Vân Đồn lại không? Các ngân hàng thì cứ đẩy qua đẩy lại cho nhau. Phải chăng ngân hàng vì muốn đảm bảo an toàn của nguồn vốn, tránh mọi rủi ro?

Chúng tôi gặp vợ chồng anh Bùi Văn Như (xã Hạ Long) tại nhà riêng. Thời gian này anh phải túc trực ở nhà giải quyết các vấn đề liên quan đến vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67. Theo thông tin từ phía huyện Vân Đồn và ngân hàng, đây là trường hợp duy nhất của huyện đang chờ được giải ngân vốn vay đóng tàu. Tổng dự án đóng tàu của gia đình anh là 18,7 tỷ đồng, đề nghị vay vốn ngân hàng 18 tỷ đồng đóng mới tàu 818CV. Anh đã nộp vốn đối ứng ngân hàng 942 triệu đồng. Tuy nhiên, để đợi được đến ngày này, anh Như cũng gặp không ít khó khăn và tốn mất gần 300 triệu đồng. “Tôi đã đưa các đơn vị thiết kế sang tận Trung Quốc để học tập mô hình đóng tàu bên đó với chi phí hết trên 100 triệu đồng; thiết kế 65 triệu đồng; chi phí thẩm định 28 triệu đồng; nộp cho quỹ Nghiệp đoàn nghề cá xã Hạ Long 50 triệu đồng cam kết nếu không thực hiện vay vốn được sẽ mất 50 triệu đồng vào quỹ (vì 20 anh em trong Nghiệp đoàn đã nhường quyền lợi cho). Tôi cũng đã đi hết các nhà máy đóng tàu ở miền Bắc, ở nửa tháng với các anh em thiết kế tàu để tìm ra một mẫu thiết kế phù hợp...” - anh Như chia sẻ. Cũng như các trường hợp khác, anh Như đã phải sửa đi sửa lại hồ sơ đến 15 lần, nộp vốn đối ứng 3 lần, rút 2 lần... đến nay mới gần được.

Cái khó của ngân hàng

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, đến hết ngày 30-11-2016, toàn tỉnh có 15/28 chủ tàu hoàn thiện hồ sơ vay vốn gửi cho các ngân hàng thương mại thẩm định. Trong đó, các ngân hàng đã thực hiện ký hợp đồng tín dụng với 11 chủ tàu với số tiền cam kết cho vay là 143,4 tỷ đồng và thực hiện giải ngân được 106,6 tỷ đồng; có 7 tàu được hạ thuỷ thì đã có 4 tàu hoàn thiện đi hoạt động; 3 hồ sơ đang được ngân hàng xử lý, 1 hồ sơ từ chối cấp tín dụng. Còn 13 chủ tàu chưa gửi hồ sơ cho các ngân hàng thương mại. Có 25 chủ tàu bị đưa ra khỏi danh sách đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp do không còn nhu cầu thực hiện, quá thời hạn 5 tháng nhưng không triển khai các bước thủ tục tiếp theo, ngân hàng từ chối cho vay vốn.

Ông Hà Vân Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản (Sở NN&PTNT) nhận định: “Nguyên nhân của việc ngư dân bị “mắc cạn” là do phần lớn các dự án, phương án vay vốn chủ tàu viết đều không thuyết phục được các ngân hàng thương mại. Việc các chủ tàu phải có đủ 100% vốn đối ứng ngay từ đầu cũng gây ra khó khăn nhất định”. Bên cạnh đó, các mẫu tàu cá của Bộ NN&PTNT công bố chưa phù hợp với nhu cầu của ngư dân, do đó tất cả ngư dân đều điều chỉnh lại thiết kế, vừa mất thời gian và kinh phí khá lớn. Mặt khác, phần lớn tàu trên 20 mét, thiết kế vẫn do Tổng cục Thuỷ sản giải quyết. Một số ngư dân có nhu cầu điều chỉnh thiết kế mẫu tàu cá, nhưng lại sợ nếu bỏ tiền ra thuê điều chỉnh thiết kế nhưng sau đó ngân hàng không cho vay vốn thì sẽ bị mất số tiền lớn, trong khi đó hồ sơ vay vốn của ngân hàng thương mại nhất định phải có thiết kế hoặc điều chỉnh thiết kế tàu cá đã được phê duyệt. Thực tế đã có một số hộ bỏ tiền sửa đổi thiết kế, nhưng sau đó ngân hàng không chấp nhận cho vay, dẫn tới phát sinh đơn thư kiến nghị, nhưng vẫn không giải quyết được.

Các cơ sở đóng tàu cung cấp dự toán chi tiết đóng tàu có giá khác nhau với cùng 1 mẫu tàu, dẫn đến ngư dân còn phân vân trong lựa chọn cơ sở đóng tàu. Một số chủ tàu chưa quyết định đối với việc tham gia thực hiện, chưa lựa chọn được thiết kế, cơ sở đóng tàu, dự toán đóng tàu; còn mải đi biển dài ngày. Một số chủ tàu chưa có đủ vốn đối ứng, hoặc chưa cung cấp được tài liệu chứng minh được nguồn vốn đối ứng và tài liệu chứng minh khả năng trả nợ của dự án. Có 5 chủ tàu bị từ chối cho vay do phương án sản xuất không hiệu quả, trong khi đó trình độ của ngư dân còn thấp so với mặt bằng chung của xã hội nên việc lập phương án rất khó khăn, điều này cũng ảnh hưởng đến tâm lý chung của ngư dân trong thực hiện đóng mới, nâng cấp tàu cá.

Ông Nguyễn Văn Đoan, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh thì bức xúc: Chính quyền kêu, Sở NN&PTNT kêu, ngư dân kêu việc vay vốn chậm là do ngân hàng. Nhưng thực tế do các chủ đầu tư đóng mới chậm triển khai thực hiện các dự án. Kể từ ngày được phê duyệt theo quyết định của UBND tỉnh (7-4-2016) đến nay còn 11/28 chủ đầu tư chậm triển khai thực hiện dự án, chưa gửi hồ sơ vay vốn cho ngân hàng. Còn trong số hồ sơ đã nộp đến nay, các ngân hàng đã cho vay vốn 11 trường hợp; trường hợp của ông Bùi Văn Như, huyện Vân Đồn, thì đang xem xét, dự kiến từ nay đến 30-12-2016 sẽ giải ngân.

Các ngân hàng cũng phản ánh rằng: Việc lập hồ sơ vay vốn của các chủ tàu không đầy đủ, chất lượng và độ tin cậy của hồ sơ vay vốn thấp, song ngân hàng thương mại là bên thẩm định nên không thể làm hộ chủ đầu tư phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Các ngân hàng đã tiếp cận nhiều lần, hướng dẫn cụ thể, có danh mục thành phần hồ sơ vay vốn gửi cho chủ đầu tư, nhưng họ vẫn gửi hồ sơ vay vốn không đầy đủ, đúng quy định; chủ đầu tư thay đổi thiết kế, dự toán nhiều lần trong quá trình ngân hàng thương mại thẩm định; kéo dài thời gian hoàn thiện hồ sơ vay vốn ảnh hưởng đến việc thẩm định hồ sơ, làm cho ngân hàng mất nhiều thời gian tiếp cận, hướng dẫn, theo dõi, hỗ trợ. Thậm chí chủ đầu tư xây dựng phương án sản xuất kinh doanh giống hệt nhau; như ở Vân Đồn có 4 hồ sơ thì cứ 2 cặp hồ sơ giống hệt nhau. Điều này làm giảm thiểu độ tin cậy của phương án, gây khó cho ngân hàng thương mại trong việc thẩm định dự án.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại tâm tư: “Ở Quảng Ninh, ngư dân chủ yếu đi gần bờ, dùng máy công suất 90 với hơn 100CV. Còn các loại lớn như 400, 500CV thì hiếm. Thế nên giờ đóng tàu to, đánh bắt xa bờ, họ chưa quen ngư trường, chưa quen lối đánh bắt tàu lớn. Tự dưng bứt phá, chuyển hệ như thế, ngân hàng cũng phải cần một quá trình xem xét rồi đánh giá đủ thứ. Về phía ngư dân, vay một khoản tiền lớn như vậy để đóng tàu, họ cũng rất đ?n ?o v? lo l?ng nhi?u th?ắn đo và lo lắng nhiều thứ, lo về trách nhiệm trả nợ, trách nhiệm vật chất, lo về quản lý, vận hành một tài sản quá lớn... Trong khi đó, Nhà nước cũng chỉ hỗ trợ một phần lãi suất, còn giá trị tài sản, giá trị khoản vay lại quá lớn, lên tới cả tỷ, cả chục tỷ đồng. Còn về phía ngân hàng, đã là cho vay thì kèm theo trách nhiệm thu hồi khoản vay, trách nhiệm bảo toàn đồng vốn, phải đánh giá được tính khả thi, phải tính toán, thẩm định rạch ròi...”. Vị lãnh đạo ngân hàng này cũng chia sẻ thêm: Dẫu biết dù chính quyền các địa phương rất tích cực vào cuộc, nhưng đôi khi là chưa đúng cách, vì thế đã đẩy ngân hàng vào thế đối đầu với ngư dân, hay việc giúp ngư dân không đúng cách sẽ đẩy họ vào thế khó. Bởi thực tế, hiệu quả khai thác, năng suất đánh bắt thế nào - không dễ để dự báo khi thực tế chỉ là “chim trời cá nước”, rủi ro nhiều.

Một cái khó nữa là một số chủ tàu chưa có đủ vốn đối ứng, hoặc chưa cung cấp được tài liệu chứng minh được nguồn vốn đối ứng và tài liệu chứng minh khả năng trả nợ của dự án. Các chủ tàu chủ yếu liệt kê tài sản hiện có của mình là đất, nhà đang ở, tàu đang hoạt động song những tài sản này khó có thể chuyển đổi thành tiền để làm vốn đối ứng đóng tàu. Các chủ tàu không mặn mà tham gia bảo hiểm cho tàu cá xa bờ, cũng là một trong những nguyên nhân khiến ngân hàng ngại cho vay.

Lời kết

Thiết nghĩ, để việc triển khai Nghị định 67 của Chính phủ được hiệu quả, Bộ NN&PTNT cần tham mưu chỉ đạo các ngành liên quan tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách của Nghị định, đồng thời đề xuất phương án chuyển tiếp cho những tàu chưa đóng xong trong năm 2016; tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị định đến năm 2020. Các Ngân hàng Thương mại cần tiếp tục hướng dẫn ngư dân thực hiện các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ vay vốn của các chủ đầu tư để sớm tiến hành quyết định giải ngân vốn cho vay đóng mới, nâng cấp tàu cá. Có cơ chế giải quyết linh động tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngư dân; tạo điều kiện cho ngư dân được giải ngân phần vốn đối ứng theo tiến độ trong triển khai thực hiện. Tỉnh, sở, ngành, chính quyền các địa phương cũng như ngân hàng cần cùng nhau rút kinh nghiệm, đánh giá để có một cái nhìn chung trong giải quyết việc vay vốn cho ngư dân; đặc biệt cần tuyên truyền nhiều hơn nữa để ngư dân hiểu về chính sách của Nghị định 67 trong việc hỗ trợ ngư dân. Đặc biệt, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp cần chủ động bởi nếu cứ tiếp diễn tình trạng mỗi người một kiểu như hiện nay thì một chính sách ý nghĩa như Nghị định 67 sẽ mãi bị “mắc cạn” và không đến được với đối tượng được hưởng lợi là ngư dân.

Theo Thanh Hằng

Báo Quảng Ninh