Vì sao không nên cho trẻ sơ sinh ngủ cùng bố mẹ?

(Dân trí) - Có rất nhiều tình huống, nguy cơ có thể xảy ra với trẻ sơ sinh khi ngủ cùng cha mẹ. Điển hình nhất là hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).

Tại Việt Nam, tỉ lệ trẻ sơ sinh ngủ chung với bố mẹ chiếm đa số. Thậm chí, có nhiều trường hợp gia đình cho con ngủ cùng đến tận 6 - 9 tuổi. Trong khi đó, theo kết quả nghiên cứu điều tra tại phương Tây, chỉ có khoảng 6% trẻ em ngủ chung cùng bố mẹ, Nhật Bản là 26%.

Có thể thấy, việc có nên cho trẻ sơ sinh ngủ chung giường với bố mẹ hay không là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Song, Ủy ban an toàn sản phẩm tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC) vẫn khuyến cáo bố mẹ không nên cho trẻ ngủ chung giường với người lớn. Họ cho rằng việc làm này sẽ khiến trẻ có nguy cơ bị ngạt thở.

Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cũng khuyên các bậc phụ huynh nên cho trẻ ngủ chung phòng với mình thay vì ngủ chung giường.

Thực tế, trên thế giới không hiếm có những trường hợp trẻ sơ sinh tử vong vì bị ngạt thở do ngủ cùng cha mẹ. Tại Việt Nam cách đây 2 năm, tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) cũng đã xảy ra một tai nạn hy hữu. Theo đó, một bé sơ sinh 1 tháng tuổi được đưa đến bệnh viện trong tình trạng ngưng thở. Nguyên nhân vì người bố ngủ say nên gác tay lên mũi con mà không biết.

Các nhà khoa học khuyến cáo không nên cho trẻ sơ sinh ngủ cùng giường bố mẹ (Ảnh minh họa: Internet)
Các nhà khoa học khuyến cáo không nên cho trẻ sơ sinh ngủ cùng giường bố mẹ (Ảnh minh họa: Internet)

Theo Bác sĩ Nguyễn Đức Thường, khuyến cáo các bậc cha mẹ không nên cho trẻ dưới 6 tháng ngủ chung với người lớn vì:

Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đã cho thấy, trẻ dưới 6 tháng tuổi nên ngủ trong giường, cũi cạnh giường bố mẹ là giải pháp an toàn nhất. Nếu trẻ ngủ cùng cha mẹ sẽ làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS: Sudden infant dead syndrome), hội chứng này được chuẩn đoán khi một đứa trẻ khỏe mạnh tử vong mà không có dấu hiệu cảnh báo hay lý do rõ ràng. SIDS hiếm gặp nhưng nó vẫn có khả năng cao gây tử vong ở trẻ sơ sinh.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến hội chứng SIDS, bác sĩ Thường cho rằng, dù nguyên nhân chưa rõ ràng nhưng có thể do chăn, nệm, thú nhồi bông,… che mũi hoặc miệng của trẻ, hoặc do giường ngủ quá kín và nóng làm tăng nguy cơ SIDS.

Có rất nhiều tình huống, nguy cơ có thể xảy ra với trẻ sơ sinh khi ngủ cùng với bố mẹ. Bố mẹ tuyệt đối không ngủ cùng trẻ trong những trường hợp sau:

- Bố hoặc mẹ hút thuốc lá.

- Trẻ sinh non hoặc không đủ cân nặng.

- Bố, mẹ uống rượu hoặc sử dụng thuốc điều trị, chất kích thích. Điều này có thể ảnh hưởng tới trí nhớ và làm bố mẹ quên rằng con nhỏ đang ngủ trên giường, bố mẹ ngủ say, ôm trẻ quá chặt khiến trẻ ngạt thở.

- Người mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, hay mơ sâu, có thể khiến bố mẹ ngủ say và không kiểm soát được hành vi của mình.

Bác sĩ Nguyễn Đức Thường cho rằng tất cả các nguy cơ trên đều có thể được hạn chế bằng cách đặt trẻ nằm ở cũi, nôi riêng ở bên cạnh giường bố mẹ. Bố mẹ nên mua những chiếc nôi mở một bên có thể gắn vào giường mình để có thể gần trẻ và loại trừ khả năng đè lên trẻ khi ngủ.

- Đảm bảo giường, cũi của trẻ không có quá nhiều loại thú nhồi bông, đồ chơi, chăn đệm lộn xộn vì chúng có thể khiến trẻ dễ bị ngạt do không thể xoay đầu khi có vật đè trên mặt. Đầu và chân giường, cũi của trẻ không có kẽ hở có thể làm kẹt đầu trẻ.

- Bố trí phòng ngủ của trẻ thoáng khí. Không cho trẻ nằm trên gối hoặc để đầu của trẻ bị che phủ trong khi ngủ.

- Luôn cho trẻ nằm ngửa khi ngủ để giảm nguy cơ đột tử ở trẻ. Đặt trẻ ngủ trong tình trạng tay và chân được thoải mái, và tạo một khoảng rộng để trẻ có thể chuyển động xung quanh.

- Thường xuyên kiểm tra giấc ngủ của trẻ trong đêm để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường.

Nhữ Trang