Vì sao cái chết của Thành Cát Tư Hãn vẫn bí ẩn và chưa tìm được mộ?

Huy Hoàng

(Dân trí) - Nguyên nhân cái chết và ngôi mộ của Thành Cát Tư Hãn đến nay vẫn là một ẩn số với hậu thế. Mặc dù vậy, nhiều người dân Mông Cổ mong rằng, nơi yên nghỉ của vị vua này sẽ không được tìm thấy.

Thành Cát Tư Hãn (Genghis Khan) sinh năm 1162, mất năm 1227, là người sáng lập ra đế chế Mông Cổ. Ông được đánh giá là vị Hoàng đế vĩ đại, một trong những nhà quân sư lỗi lạc có tầm ảnh hưởng nhất lịch sử thế giới.

Vì sao cái chết của Thành Cát Tư Hãn vẫn bí ẩn và chưa tìm được mộ? - 1
Hình ảnh minh họa Thành Cát Tư Hãn (Ảnh: WK).

Cuộc chinh phạt của ông diễn ra trên khắp lãnh thổ châu Á - châu Âu để bành trướng lãnh thổ, lập nên đế chế Mông Cổ khổng lồ trải dài từ Thái Bình Dương tới Ukraine ngày nay với tổng diện tích hàng chục triệu km2.

Xung quanh cái chết của ông bị bao phủ bởi nhiều bí ẩn. Thành Cát Tư Hãn qua đời vào mùa hè năm 1227 trong chiến dịch đánh Tây Hạ dọc theo thượng nguồn sông Hoàng Hà ở Ngân Xuyên. Tuy nhiên đến nay chưa ai rõ ông chết ra sao.

Những thông tin rất ít ỏi về cái chết được tiết lộ trong sử sách. Sau khi qua đời, ông yêu cầu được chôn cất bí mật. Theo tương truyền, đội quân đưa tang mang di hài của người thủ lĩnh tới nơi an nghỉ cuối cùng và điều khiển đàn ngựa 1.000 con xóa bỏ toàn bộ dấu vết còn sót lại trên ngôi mộ.

Gần 800 năm trôi qua kể từ khi Thành Cát Tư Hãn qua đời, không một ai tìm được dấu tích về nơi ông đã nằm xuống.

Bí ẩn xung quanh cái chết của ông đã gây ra nhiều đồn đoán và sau đó truyền cảm hứng cho nhiều chuyện truyền miệng tới mức khó phân biệt được sự thật và hư cấu.

Từ rất lâu trước khi qua đời, vị vua này được cho là mong muốn nằm xuống ở một ngôi mộ không dấu vết thuộc vùng núi Burkhan Khaldun.

Vì sao cái chết của Thành Cát Tư Hãn vẫn bí ẩn và chưa tìm được mộ? - 2
Cảnh quan vùng núi Burkhan Khaldun (Ảnh: Amusing Planet).

Theo cuốn "Lịch sử bí mật của người Mông Cổ", khi đi săn gần núi Burkhan Khaldun thuộc dãy núi Khentii của quê hương, ông ngồi nghỉ dưới một gốc cây và bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp phong cảnh trước mắt.

Ngoài ra, vùng núi này còn có ý nghĩa quan trọng khác trong cuộc đời ông. Trong trận chiến chống lại bộ tộc Miệt Nhi Khất, Thành Cát Tư Hãn thoát chết trong gang tấc và chạy trốn tới Burkhan Khaldun. Tại đây, ông được một người phụ nữ lớn tuổi cho ở nhờ. Sau lần này, ông nguyện sẽ tôn vinh vùng núi này.

Sau khi nằm xuống, thi thể của vị vua được binh lính hộ tống đưa về quê nhà, chôn cất theo đúng nguyện vọng. Đó là một ngôi mộ không dấu vết, nằm ở đâu đó thuộc trung tâm núi Burkhan Khaldun. Nơi này không lập lăng mộ, đền thờ, nên hậu thế không ai biết vị trí ông nằm ở nơi nào.

Không lâu sau khi chôn cất Thành Cát Tư Hãn, quân lính phong tỏa toàn bộ khu vực rộng hơn 620km2 và gọi đó là "vùng cấm địa".

Vốn là vùng núi có rừng rậm ngăn cách, nơi này càng trở nên khó tiếp cận. Những kẻ xâm phạm đều nhận cái chết. Sau này, hậu duệ của ông vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ ngay cả khi đế quốc Mông Cổ sụp đổ.

Thời điểm nhiều vùng đất của Mông Cổ bị xâm chiếm, người dân vẫn tiếp tục ngăn cản bất cứ ai bước vào khu vực linh thiêng của tổ tiên họ.

Vào những năm 1990, một đoàn thám hiểm Nhật Bản và Mông Cổ có tên Gurvan Gol được thành lập với mục đích tìm kiếm ngôi mộ.

Các chuyên gia sử dụng phương pháp siêu âm. Họ xác định hơn 1.380 vị trí có thể là nơi đặt thi thể. Tuy nhiên cuộc tìm kiếm này vấp phải sự phản đối dữ dội từ người dân.

Nhiều người Mông Cổ tin rằng không được xáo trộn nơi an nghỉ cuối cùng của vị vua của họ. Bên cạnh đó, dãy núi Burkhan Khaldun cũng được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới nên việc tiến hành khảo cổ càng trở nên khó khăn hơn.

Khi việc khảo sát địa điểm này gần như bị cấm, một số nhà nghiên cứu chuyển sang dùng hình ảnh vệ tinh. Năm 2010, nhóm nghiên cứu do nhà khoa học Albert Yu-Min Lin đến từ Đại học California, San Diego (Mỹ) dẫn đầu, nhờ các tình nguyện viên kiểm tra hàng nghìn bức ảnh có độ phân giải cao để tìm kiếm.

Chỉ trong 6 tháng, từ 2 triệu địa điểm được đánh dấu, nhóm nghiên cứu rút gọn danh sách xuống còn 100 địa điểm. Sau đó họ tiếp tục xác định 55 điểm có ý nghĩa về khảo cổ. Tuy nhiên không nơi nào trong số này có mộ của Thành Cát Tư Hãn. 

Trong "Mông Cổ bí sử", một tài liệu cổ ghi chép ẩn danh của người Mông Cổ có đề cập tới chi tiết Thành Cát Tư Hãn qua đời, nhưng không nhắc đến lăng mộ của ông. Tài liệu này chỉ nói rằng, vào năm 1227, ông đã lên "thiên đàng".