Bình Dương:

Vị giám đốc "xắn tay áo" vào bếp "nấu cơm 0 đồng" giữa mùa dịch

Vân Vũ

(Dân trí) - Trong những ngày Bình Dương diễn biến phức tạp bởi dịch bệnh, anh Bùi Văn Cường, giám đốc một doanh nghiệp về thực phẩm đã mở bếp ăn miễn phí, cung cấp hàng nghìn suất ăn cho các cơ sở cách ly.

Vừa tất bật nghe điện thoại nhận thực phẩm, vừa bận rộn chỉ đạo các công nhân nhanh tay nấu nướng để kịp các suất ăn gửi đi các cơ sở cách ly ở Bình Dương, anh Bùi Văn Cường (phường Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên) cho biết, bếp ăn miễn phí hỗ trợ các bệnh nhân Covid-19 đi vào hoạt động từ đầu tháng 8/2021.

"Khi thấy người dân bị cách ly tập trung với số lượng lớn khó có thể đảm bảo được ăn uống đầy đủ, hợp vệ sinh và đủ chất.

Nhận thấy đơn vị mình có thể đáp ứng nấu hàng nghìn suất ăn phục vụ bà con nên tôi đứng ra cùng các thành viên trong công ty nấu suất ăn phục vụ bà con", anh Cường chia sẻ về lý do thực hiện công việc thiện nguyện.  

Vị giám đốc xắn tay áo vào bếp nấu cơm 0 đồng giữa mùa dịch - 1

Anh Cường (áo trắng) trực tiếp vào bếp mở suất ăn 0 đồng hỗ trợ các bệnh nhân điều trị SARS-CoV-2.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, anh Cường là giám đốc một công ty về suất ăn công nghiệp. Sẵn có cơ sở vật chất, nhân công, vị doanh nhân này đã kết hợp cùng "nhóm bếp 0 đồng Hồng Tâm" của ông Trần Tuân, cùng nhiều mạnh thường quân khác trên địa bàn, nấu những bữa cơm miễn phí, giàu chất dinh dưỡng cho người dân tại các khu cách ly, bệnh viện trên địa bàn.

Kể từ ngày bếp ăn tập thể đi vào hoạt động, tính đến ngày 30/8, ông Cường đã cung cấp khoảng 60.000 phần ăn đến người dân, có ngày, đơn vị này cung cấp gần 6.000 suất ăn/ 2 bữa. Hiện tại, trong bếp ăn của anh Cường, có khoảng 20 người nấu nướng.

Vị giám đốc xắn tay áo vào bếp nấu cơm 0 đồng giữa mùa dịch - 2

Các món ăn trong bếp được thay đổi linh hoạt theo ngày đảm bảo chất dinh dưỡng.

Hàng ngày, cứ 4 giờ sáng mọi người lại tập trung và chuẩn bị các công đoạn để nấu ăn, kịp giờ cho mọi người dùng bữa. Mỗi người phụ trách một công đoạn, người nhặt rau, người băm thịt, người rán cá… Thực đơn của bếp cũng được thay đổi linh hoạt theo ngày. Nếu hôm qua là thịt kho thì hôm nay sẽ đổi sang món tôm rang, cá rán, gà kho sả…

"Bếp ăn của chúng tôi chỉ có 20 người nấu với hàng nghìn suất ăn mỗi nên rất vả. Dù vậy ai cũng nỗ lực, cố gắng. Từ tận đáy lòng, bản thân chúng tôi muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho cộng đồng", anh Cường nói.

Vị giám đốc xắn tay áo vào bếp nấu cơm 0 đồng giữa mùa dịch - 3

Kể từ đầu tháng 8, bếp ăn 0 đồng của vị doanh nhân này đã phục vụ hàng nghìn suất ăn.

Theo vị doanh nhân này, khó khăn lớn nhất của bếp ăn là thiếu nhân lực. Số lượng suất ăn lớn, trong khi số người phục vụ rất hạn chế. Ngoài ra, việc mua bán thực phẩm, khâu giao hàng tới các điểm cách ly cũng gặp nhiều khó khăn.

"Khoảng 5 ngày đầu chúng tôi đi giao đến những khu cách ly, nhưng 6 ngày sau thì không thể đủ nhân lực đi giao nên chúng tôi đã nhờ UBND phường đến lấy và đi giao giúp", anh Cường nói. 

Vị giám đốc xắn tay áo vào bếp nấu cơm 0 đồng giữa mùa dịch - 4

Hiện bếp có khoảng 20 nhân công làm việc. 

Khi chia sẻ trên mạng về bếp ăn miễn phí, nhiều người ngỏ ý tới giúp nhưng dịch bệnh căng thẳng nên anh Cường đành phải từ chối để đảm bảo cách ly với bên ngoài, giúp bếp ăn có thể hoạt động lâu dài.

 "Khó khăn thì chúng tôi cố gắng khắc phục. Vì nếu người ngoài đến giúp vô tình mang mầm bệnh sẽ khiến bếp ăn phải đóng cửa, như vậy nhiều người sẽ không có cơm ăn hàng ngày", anh Cường bày tỏ.

Vị giám đốc này cho biết, điều mình hạnh phúc nhất là có thể giúp được nhiều người trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh.

"Mỗi lần giao cơm, dù mặc quần áo bảo hộ, đảm bảo giãn cách nhưng nhiều người vui mừng cúi đầu cảm ơn, giơ các ký hiệu thể hiện sự hạnh phúc, bản thân tôi thấy rất vui", ông Cường nói.

Chia sẻ với Pv, bà Phạm Thị Thúy Hồng, Chủ tịch UBND Phường Hội Nghĩa cho biết, sau khi dịch bùng phát, số lượng bệnh nhân dương tính với Covid-19 rất nhiều.

Nhiều mạnh thường quân trên địa bàn đã chung tay, mở nhiều bếp ăn tuy nhiên không thuận tiện vì một số bếp ăn đã bị đóng cửa do có ca F0.

Khi đó, UBND phường trực tiếp nhờ ông Bùi Văn Cường nấu cơm phụ giúp. Trong quá trình nấu cũng có một số mạnh thường quân trong hội của vị doanh nhân này chung tay giúp đỡ. 

"Nhận được chia sẻ của ông Cường và công ty với địa phương, chúng tôi cũng ghi nhận và như nhiều người dân khác đều cảm thấy ấm lòng với hành động đẹp, ý nghĩa này", bà Phạm Thị Thúy Hồng chia sẻ thêm.