Vĩnh Long:
Vất vả nghề “làm đẹp” cho hành lá ở miền Tây
(Dân trí) - Tại xóm lặt, lột hành lá thuộc các ấp xã Tân Lược (huyện Bình Tân), hàng ngày, từ trẻ nhỏ đến những cụ già đều có thể tham gia nghề “làm đẹp” cho hành. Tuy công việc nhìn nhẹ nhàng nhưng để bỏ túi 100.000 – 200.000 đồng người lao động cũng vã mồ hôi hột.
Những người chọn nghề lặt, lột hành để mưu sinh tại xã Tân Lược đa phần là những hộ dân ít đất vườn, không lao động nặng được cũng như có thể làm tại nhà và không cần khung giờ cố định. Nghề lặt hành ở Tân Lược diễn ra quanh năm từ phụ nữ, người già cho đến trẻ em đều tham gia, còn thanh niên trai tráng thì đi nhổ và vác hành với nguồn thu nhập từ 150.000 đến 200.000 đồng/ngày.
Anh Bùi Hiếu Thuận có gần 20 năm lặt hành thuê ở ấp Tân Thới, xã Tân Lược cho biết: “Ở đây, hành lá thu hoạch nhiều vào từ tháng 4 – 7 (âm lịch). Tùy vào đơn hàng mà thương lái thu mua hành theo nhiều khung giờ khác nhau, có lúc 2 giờ sáng, cũng có lúc 16 – 17 giờ chiều. Sau khi mua hành từ các chủ ruộng, thương lái vận chuyển về giao cho những hộ chuyên “làm đẹp” cọng hành như chúng tôi xử lí”.
Với sức lao động của vợ chồng anh Thuận, mỗi ngày có nguồn thu nhập khoảng 150.000 đồng từ việc lặt 200 - 300 kg hành lá, theo đó mỗi tạ hành lặt (60 kg) lao động sẽ được trả công với mức tiền từ 24.000 - 30.000 đồng (hành còn gốc, chỉ cần lặt bỏ lá hư, lá úa); còn đối với hành lột sẽ nhận được mức tiền là 42.000 đồng (hành đã được cắt gốc, lột sạch đến vỏ trắng). Thông thường thì mỗi tạ (60 kg) hành lặt xong sẽ cho ra từ 52 - 54 kg (tùy theo dơ sạch), còn lột thì cho ra khoảng từ 38 - 45 kg thành phẩm.
Bà Nguyễn Thị Dễ ở ấp Tân Định năm nay đã 71 tuổi hàng ngày vẫn gắn bó với việc lột hành, bà cho biết : “Địa điểm này là nơi lột hành ít nhất so với những nơi khác, tuy nhiên mỗi ngày có khoảng 20 người tập trung lại lột hành. Thời gian bắt đầu từ 9 giờ sáng đến 15 giờ chiều hoặc 12 - 18 giờ chiều. Mỗi ký thành phẩm được trả 700 đồng và giá này đã tăng 200 đồng/kg so với cách nay 2 năm”.
Theo ông Nguyễn Văm Mực (76 tuổi) ở ấp Tân Định, xã Tân Lược và nhiều hộ dân khác, nghề lột hành rất dễ làm, nhẹ nhàng tuy nhiên nếu không quen thì cũng gặp phải tình trạng cay mắt, tay lở loét…để quen nghề phải mất đến 2 năm. Gặp phải trường hợp cay mắt thì lấy lá hành đặt lên vành lỗ tai sẽ thấy bớt hẳn.
Công việc "làm đẹp" cho hành lá trước khi ra chợ nhẹ nhàng nên có nhiều em nhỏ tham gia
Mỗi nơi lặt, lột hành lá sẽ tập trung lại một địa điểm từ 10 đến 50 lao động hoặc người lao động có thể nhận hành rồi mang về nhà làm. Sau khi hành được lặt bỏ lá úa, lá hư hay được làm sạch thì cho vô mỗi túi ni lông 40 kg rồi sẽ được chủ vựa đến thu gom như lúc giao hàng và vận chuyển đến các chợ đầu mối tiêu thụ như: Sa Đéc (Đồng Tháp), Cái Răng (TP. Cần Thơ), Long Xuyên (An Giang), TP. Hồ Chí Minh... Công việc diễn ra hàng ngày và sau 1 tuần thì các hộ làm thuê sẽ được trả lương theo thống kê năng suất lao động. Số lượng dân lặt hành chiếm khoảng khoảng 70% và hành lột chỉ 30% tổng số hành được sơ chế của toàn vùng.
Nói về nghề “làm đẹp” cho hành, chị Huỳnh Thị Vân chuyên lặt hành hơn 10 năm ở ấp Tân Thới cho biết: “Mỗi ngày từ 12 giờ đêm đến 5 giờ sáng công việc chính của tôi là lặt khoảng 200 kg hành lá. Buổi sáng làm phụ thêm từ việc lột hành nên nguồn thu nhập mỗi ngày cũng trên 150.000 đồng. Do đây là công việc nhẹ làm theo hộ gia đình, không ràng buộc về thời gian và có việc làm quanh năm nên được bà con nơi đây chọn để làm nghề mưu sinh. Đối với hành đẹp, cọng to thì lặt mau có tiền hơn. Dù không đất vườn nhưng làm nghề này mà gia đình tôi vẫn nuôi 2 đứa con ăn học đầy đủ và cuộc sống ổn định”.
Theo thống kê, toàn huyện Bình Tân hành lá được trồng tập trung ở các xã như: Tân Lược, Tân Quới, Tân Bình, Tân An Thạnh…với diện tích trên 1.000 ha và lao động tham gia lột, lặt hành là hàng trăm người
Hành từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 2 tháng nên công việc của các hộ dân diễn ra quanh năm.
Sau khi gom hàng các thương lái vận chuyển hành đến từng điểm lặt, lột hoặc từng hộ gia đình để sơ chế trước khi giao hàng.
Thanh niên ở địa phương thì sống khỏe nhờ vào nghề vận chuyển và vác hành thuê
Sau khi gom hàng các thương lái vận chuyển hành đến từng điểm lặt, lột hoặc từng hộ gia đình để sơ chế trước khi giao hàng.
Người lặt hành chỉ cần lặt bỏ các lá úa, giữ nguyên gốc
Còn hành lột thì người làm công phải cắt bỏ gốc và lột sạch đến vỏ trắng
Do công việc nhẹ nhàng nên có nhiều em nhỏ tham gia
Hành lột đến vỏ trắng như thế này, sẽ được trả công 42.000 đồng/tạ
Sau khi làm đẹp cho hành xong, các tiểu thương cho hành lá vào túi nilon, mỗi túi khoảng 40kg
Nguyễn Hành – Nguyễn Trần