Vấn nạn chợ tạm, chợ cóc “lấn át” chợ truyền thống ở Hà Nội

(Dân trí) - Chợ cóc, chợ tạm mọc tràn lan khắp các đường phố, ngõ ngách, khu dân cư là thực trạng tồn tại nhiều năm nay ở Hà Nội. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới giao thông, mỹ quan đô thị mà còn khiến nhiều tiểu thương trong chợ truyền thống thất thu.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có hơn 400 chợ chính, trong đó riêng các quận nội thành có hơn 100 chợ truyền thống. Bình quân một quận nội thành có 10 chợ truyền thống, tuy nhiên người dân tại một số khu vực, đặc biệt là các khu dân cư, khu đô thị mới không muốn đi chợ này thay vào đó là những ngôi chợ tạm, chợ cóc được mọc tràn lan.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do việc mua sắm ở chợ cóc, chợ tạm rất nhanh chóng và thuận tiện, bởi ở đó tập trung đầy đủ mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đời sống hằng ngày của người dân, giờ giấc họp chợ lại rất linh hoạt. Mặc khác, dù nhiều người dân vẫn có nhu cầu và thói quen đi chợ truyền thống nhưng chợ lại được bố trí ở những vị trí không hợp lý.

Đây là những nguyên nhân chính khiến cho nhiều chợ tạm, chợ cóc phát triển tự phát. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tới giao thông, mỹ quan đô thị và mà còn làm ảnh hưởng tới việc kinh doanh của các tiểu thương trong chợ truyền thống.

Ghi nhận của chúng tôi tại ngôi chợ Ngọc Hà, phường Đội Cấn, quận Ba Đình vào thời điểm nhộn nhịp nhất nhưng việc mua bán lại diễn ra khá ảm đạm mặc dù ngôi chợ có diện tích tương đối lớn và khang trang. Chị Nguyễn Lan Hương, tiểu thương trong chợ cho biết: “Tất cả các chủ hộ kinh doanh trong chợ như chúng tôi đều phải đóng thuế đầy đủ nhưng hàng họ lại không bán được nhiều. Còn chợ tạm, chợ cóc ngoài cổng không phải mất thuế má gì lại đang hoành hành, điều này ảnh hưởng rất lớn tới việc buôn bán của chúng tôi. Dù đã nhiều lần từ kiến nghị nhưng vẫn không dẹp được hết chợ tạm, chợ cóc ấy”.

Nhiều mặt hàng thực phẩm bàn bán tràn lan trên vỉa hè ngoài khu vực chợ Ngọc Hà
Nhiều mặt hàng thực phẩm bàn bán tràn lan trên vỉa hè ngoài khu vực chợ Ngọc Hà

Trái ngược hoàn toàn không khí trong chợ, việc mua bán ở ngôi chợ tạm, chợ cóc nằm ngay bên ngoài chợ Ngọc Hà luôn diễn ra tấp nập kẻ bán, người mua. Hầu hết các mặt hàng có trong chợ chính cũng được bày bán trên vỉa hè, lề đường, nhà ở của các hộ dân ở mặt tiền và mọi khoảng trống được tận dụng triệt để. Vào thời điểm chúng tôi ghi nhận tại chợ, lực lượng chức năng cũng có mặt, tuy nhiên chỉ nhắc nhở tại thời điểm đó, khi lực lượng chức năng đi họ lại tiếp tục bán hàng.

Ghi nhận thêm tại khu chợ cóc ngõ Thổ Quan, phường Thổ Quan, quận Đống Đa, điều đặc biệt là ngôi chợ này nằm cách trụ sở UBND phường Thổ Quan khoảng 100m và cách Công an quận và công an phường sở tại vào khoảng 500m nhưng chợ vẫn họp nhộn nhịp nhất là vào buổi sáng.

Một điều có thể dễ dàng nhận thấy là con đường nơi họp chợ vốn dĩ đã rất chật hẹp nhưng các hộ buôn bán tại đây tùy tiện căng bạt, che ô, bày hàng hóa la liệt xuống lòng đường.

Cách đó không xa, chợ cóc Khâm Thiên có chiều dài lên tới gần 1 km luôn tấp nập buôn bán cả ngày. Vào những giờ cao điểm, nhất là buổi chiều tối, con đường nơi họp chợ luôn chật cứng người và xe cộ. Người mua, kẻ bán chen chúc nhau, nhiều người dừng, đỗ xe máy bất cứ chỗ nào hay xếp hàng hai, hàng tư trên đường để ngồi chọn mua hàng.

Chợ tạm, chợ cóc Khâm Thiên đã hoạt động được nhiều năm
Chợ tạm, chợ cóc Khâm Thiên đã hoạt động được nhiều năm

Lý giải việc mua thực phẩm tại ngôi chợ này, chị Nguyễn Thị Doan chia sẻ: “Do đi làm về muộn nên tôi thường mua thực phẩm ở những chợ cóc, chợ tạm. Việc vào chợ truyền thống sẽ mất nhiều thời gian còn về độ an toàn của thực phẩm tôi thấy không khác nhiều so với đồ trong chợ hay ở siêu thị. Hơn nữa, tôi chủ yếu mua hàng của người quen nên khá yên tâm”.

Còn đối với các hộ dân sống tại các khu chợ tạm, chợ cóc mặc dù tạo nhiều thuận tiện trong việc mua bán song họ cũng luôn ngán ngẩm bởi tình trạng mất trật tự, ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Bác Oanh, một người dân sống gần chợ Khâm Thiên cho biết: “Vào những giờ cao điểm, tiếng mời chào khách xen lẫn tiếng mặc cả, đặc biệt là còi xe làm cả khu chợ trở lên rất ồn ào gây ảnh hưởng nhiều tới các gia đình sống gần chợ. Điều khó chịu nhất là mùi tanh, hôi của những chỗ bán cá, bán gà bốc lên rất khó chịu”.

Một điều đáng lo ngại nhất tại các ngôi chợ tạm, chợ cóc là do không chịu sự quản lý của các lực lượng chức năng, đa phần người bán từ các nơi khác trở về nên giá cả không ổn định, hàng hóa tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Hơn nữa việc người mua người bán chen chúc nhau còn tạo điều kiện cho tội phạm hoạt động.

Trên thực tế, những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã quyết liệt với việc dẹp chợ cóc, chợ tạm nhưng hiệu quả đạt được không đáng kể. Dù có nhiều khu đô thị lớn song lại không có chợ nên phát sinh chợ tạm, chợ cóc. Đến nay trên địa bàn Hà Nội vẫn còn tồn tại hàng trăm chợ tạm, chợ cóc hoạt động. Điều đáng lo ngại là loại hình chợ này ngày càng có chiều hướng gia tăng và xuất hiện ở nhiều nơi.

Bài&ảnh: Nhữ Trang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm