Uông Bí: Dành nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp
Năm 2016, Uông Bí đã dành 12 tỷ đồng cho đầu tư phát triển nông nghiệp. Đây là số tiền thành phố đầu tư lớn nhất cho nông nghiệp từ trước đến nay.
Uông Bí không sở hữu nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp, bởi diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm diện tích nhỏ, người dân chưa mặn mà, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, nhất là hệ thống tưới tiêu còn hạn chế. Khắc phục những khó khăn, thành phố đã xây dựng Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020. Theo đó, dự kiến giai đoạn 2016-2020, thành phố sẽ huy động khoảng hơn 1.000 tỷ đồng để phát triển 7 sản phẩm đặc trưng.
Trang trại nuôi tôm công nghệ cao của anh Phạm Xuân Huy, khu Đầm Sứt, phường Yên Thanh (TP Uông Bí).
Quyết tâm bứt phá trong nông nghiệp, ngay năm đầu tiên thực hiện đề án, thành phố đã nâng mức đầu tư cho lĩnh vực này lên 12 tỷ đồng, gấp hàng chục lần so với năm 2015. Với phương châm hỗ trợ cụ thể, không chung chung, không dàn trải, các sản phẩm đều có chính sách hỗ trợ cụ thể, sát với tình hình thực tế. Do đó, đến nay việc mở rộng diện tích các sản phẩm nhằm xây dựng vùng sản xuất tập trung đều hoàn thành hoặc vượt kế hoạch đặt ra. Như với Dự án phát triển vùng vải chín sớm Phương Nam, theo kế hoạch năm 2016, thành phố sẽ mở rộng diện tích vùng trồng vải thêm 35ha. Trên cơ sở đó, thành phố tuyên truyền các cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với những hộ dân thực hiện dự án; tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại và tiêu thụ vải chín sớm Phương Nam. Thành phố đã tiến hành đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông, kênh mương, hồ nước phục vụ vùng sản xuất với tổng mức đầu tư trên 3 tỷ đồng. Qua đó, đến nay toàn phường đã trồng thêm được 54ha vải chín sớm, vượt 54% kế hoạch.
Cũng theo kế hoạch năm 2016, toàn thành phố mở rộng 150ha thông (trong đó doanh nghiệp 100ha, người dân 50ha), thì đến thời điểm này đã đạt gần 200ha, bởi hầu hết các địa phương đều đăng ký mở rộng diện tích trồng thông. Trong đó, thành phố đã vận động Công ty CP Thông Quảng Ninh hỗ trợ các hộ dân tham gia, như tặng 100% cây giống, hỗ trợ 2 triệu đồng/ha trồng cây (sau khi trồng 1 năm) và 1,5 triệu đồng/ha chăm sóc (sau khi trồng 3 năm).
Về phát triển nuôi trồng thuỷ sản, TP Uông Bí đã đầu tư trên 2 tỷ đồng lập quy hoạch vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung tại phường Yên Thanh và xã Điền Công. Đồng thời, hỗ trợ các hộ dân tham gia đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông, điện, thuỷ lợi cho các vùng nuôi. Ông Phạm Xuân Huy, chủ trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng công nghệ cao khu Đầm Sứt, phường Yên Thanh, cho biết: Từ sự hỗ trợ của thành phố, gia đình đã mạnh dạn đầu tư 5,5 tỷ đồng xây dựng trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 6ha. Trong đó, thành phố hỗ trợ 1,7 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng. Mô hình này áp dụng công nghệ tiên tiến nhất trong nuôi tôm hiện nay là thay nước chủ động và trải bạt đáy ao, hạn chế dịch bệnh trên tôm nuôi, đảm bảo môi trường nuôi thả, tăng vụ nuôi trong năm với bình quân 3 vụ/năm. Vụ nuôi vừa qua, gia đình thu hoạch trên 10 tấn tôm, với giá bán 160.000-180.000 đồng/kg đã mang lại doanh thu 1,6-1,8 tỷ đồng.
Đặc biệt, đầu năm 2016, thành phố đã đưa vào hoạt động 2 trung tâm OCOP tại phường Quang Trung và xã Thượng Yên Công. Đây là nơi trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của thành phố và các địa phương khác trên địa bàn tỉnh...
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của thành phố, năm 2016, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như: HTX Hương Việt đầu tư trồng rau an toàn, Công ty TNHH Đức Hà đầu tư khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại phường Vàng Danh của Công ty TNHH Đức Hà... Giá trị tăng thêm khu vực nông nghiệp của thành phố năm 2016 đạt 136,8 tỷ đồng, tăng 4,2% cùng kỳ năm 2015. Đây sẽ là tiền đề để nông nghiệp Uông Bí tiếp tục gặt hái được những thành công, gia tăng giá trị, phát triển bền vững.
Theo Quỳnh Hoa
Báo Quảng Ninh