Unilever thay đổi khái niệm "bình thường", ủng hộ vẻ đẹp tích cực
(Dân trí) - Tập đoàn Unilever vừa tuyên bố sẽ loại bỏ từ "bình thường" khỏi tất cả các bao bì và quảng cáo của các thương hiệu chăm sóc cá nhân và làm đẹp trên phạm vi toàn cầu.
Đây là một hoạt động trong kế hoạch ra mắt chiến lược và tầm nhìn mới mang tên "Vẻ đẹp tích cực".
"Vẻ đẹp tích cực" là một quan điểm và cũng là chiến lược từ Unilever bao gồm nhiều cam kết và hành động cải tiến đến từ các thương hiệu làm đẹp và chăm sóc cá nhân như Dove, Lifebuoy, Axe và Sunsilk. Chiến lược này hứa hẹn sẽ dẫn đầu một kỷ nguyên của vẻ đẹp mang tính hài hòa, bình đẳng và bền vững.
Vẻ đẹp tích cực là khái niệm sẽ thúc đẩy sự bứt phá trong thiết kế, trong công thức sản phẩm của Unilever, ứng dụng các công nghệ và các sáng chế tiên tiến trên thế giới để mang lại nhiều điều tốt đẹp hơn cho con người và cho hành tinh này, đồng thời mang đến cho người tiêu dùng những trải nghiệm mới mẻ và hợp với xu thế thời đại.
Quyết định loại bỏ từ "bình thường" khỏi các bao bì và chiến dịch quảng cáo là một trong nhiều động thái mà Unilever đang thực hiện để chấm dứt những quan điểm về sự "bình thường" mang tính lỗi thời và mở ra một quan điểm mới về vẻ đẹp tích cực và hài hòa hơn.
Ngoài việc loại bỏ từ "bình thường" khỏi các bao bì và quảng cáo, Unilever sẽ không chỉnh sửa hình dáng cơ thể, kích thước, tỷ lệ hoặc màu da của người mẫu trong các quảng cáo thương hiệu của mình đồng thời sẽ tăng số lượng các tư liệu quảng cáo miêu tả những nhóm người đa dạng hơn.
Trọng tâm của chiến dịch "Vẻ đẹp tích cực" chính là tham vọng giảm thiểu những tác hại tiêu cực và tạo ra nhiều giá trị tốt hơn cho con người và hành tinh. Quyết định loại bỏ từ "bình thường" khỏi bao bì và quảng cáo của Unilever chỉ là một hành động trong bộ ba cam kết mà công ty đang thực hiện để tạo ra tác động thực sự và có thể đo lường được: Tiếp cận đến 1 tỷ người mỗi năm tính đến năm 2030, cải thiện sức khỏe và hạnh phúc cho mọi người, đồng thời thực đẩy sự bình đẳng và hòa nhập. Giúp bảo vệ và tái tạo 1,5 triệu ha đất, rừng và đại dương vào năm 2030, nhiều hơn diện tích tối thiểu cần để phát triển những nguyên liệu tái tạo trong các sản phẩm làm đẹp và chăm sóc cá nhân của Unilever. Hưởng ứng việc cấm thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật trên toàn cầu vào năm 2023, phối hợp với các cơ quan chức năng, các tổ chức bảo vệ động vật và các công ty có cùng định hướng.
Một nghiên cứu toàn cầu được thực hiện bởi Unilever với 10.000 người tham gia ở 9 quốc gia đã cho thấy:
Hơn một nửa số người tham gia nghiên cứu (56%) nghĩ rằng ngành làm đẹp và chăm sóc cá nhân có thể khiến mọi người cảm thấy bị kì thị.
Cứ mười người thì có bảy người đồng ý rằng việc sử dụng từ "bình thường" trên bao bì sản phẩm hoặc trên quảng cáo có tác động tiêu cực. Đối với những người trẻ - những người trong độ tuổi 18-35 - tỉ lệ này là tám trên mười người.
Mọi người mong muốn ngành làm đẹp và chăm sóc cá nhân tập trung nhiều hơn vào việc làm cho mọi người cảm thấy hạnh phúc hơn thay vì chỉ trông đẹp hơn (74%).
Hơn một nửa số người tham gia nghiên cứu (52%) cho biết hiện tại, họ chú ý nhiều hơn đến quan điểm của công ty về các vấn đề xã hội trước khi quyết định mua sản phẩm.
Ông Sunny Jain, Chủ tịch Ngành hàng Làm đẹp & Chăm sóc cá nhân từ Unilever cho biết: "Với một tỷ người sử dụng các sản phẩm làm đẹp và chăm sóc cá nhân của chúng tôi mỗi ngày, lớn hơn thế nữa là số người nhìn thấy các quảng cáo của chúng tôi, các nhãn hàng có thể tạo nên sự thay đổi cho cuộc sống của mọi người. Vì vậy, chúng tôi cam kết đấu tranh chống lại những định kiến, quan niệm sai lầm và định hình một khái niệm về vẻ đẹp hài hòa và rộng lớn hơn".