Từ quầy bánh mì bán ở bãi rác, bà chủ TPHCM nuôi 9 người em, mua 9 căn nhà
(Dân trí) - Vì để nuôi em nhỏ khi cha đột ngột qua đời, dì Hai Lành (79 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) đã từ chối lấy chồng, đẩy xe bánh mì đi bán. Sau 50 năm, dì mua được 9 căn nhà và chia đều cho các em.
Nếu là người dân ở quận Bình Tân (TPHCM), chắc hẳn thực khách không còn xa lạ với xe bánh mì Dì Lành (đường Tỉnh lộ 10, quận Bình Tân, TPHCM).
Không chỉ có chất lượng bánh mì thơm ngon, tất cả nguyên liệu do thành viên trong gia đình thực hiện mà tiệm bánh mì Dì Lành còn nức tiếng bởi "truyền thuyết" người phụ nữ từ chối kết hôn để nuôi 9 người em, hà tiện mua 9 căn nhà.
Từ chiếc bánh bán ở bãi rác đến tiệm bánh mì nức tiếng
Năm 1964 khi mẹ vừa sinh đứa em thứ 10 được vài tháng, gia đình dì Hai Lành nhận tin cha đột ngột qua đời. Thương mẹ và các em thơ, dì Lành khi ấy 15 tuổi đã một mình ra đường bươn chải kiếm tiền.
Ban đầu, dì xin bán trái cây cho một chủ tiệm ở Chợ Lớn. Một lần bà chủ làm rơi cọc tiền, dì Lành nhặt được và nhất quyết mang trả. Thương cho sự thật thà, chất phác ấy, bà chủ đã cho dì Lành lấy trái cây nợ để gánh đi bán dạo.
"Có chút vốn, chị Hai còn mở bán cơm tấm, bánh ướt, bún riêu, nước sâm… Cứ làm được cái gì là chị đi buôn cái đó để có tiền nuôi em", bà Võ Thị Là (63 tuổi, người em thứ 9 của bà Lành) kể lại.
Trước năm 1975, số lượng người bán bánh mì ít nên quầy nào mới mở ra cũng nhanh chóng đông đúc. Nhận thấy có tiềm năng, dì Lành liền quyết định gom tiền để bán bánh mì thịt. Thế nhưng khi khách bắt đầu đông, chủ nhà liền xua đuổi, cuối cùng dì Lành đành chọn một bãi rác trước căn chung cư cũ của người Hoa để ngồi bán.
Cứ mỗi lần hết bánh mì, dì Lành lại chăm chỉ quét dọn, thu gom bãi rác khiến ban quản lý chung cư thương mà cho phép dì làm ăn lâu dài.
Mãi sau này dư dả hơn 1 cây vàng, dì Lành bèn quyết định mua đứt căn nhà mặt tiền nhằm mở xe bánh mì. Chính hương vị thơm ngon nhanh chóng khiến cái tên bánh mì dì Lành trở nên nổi tiếng, lúc nào cũng đông nghịt người.
Bà Là (em gái bà Lành) kể, thời điểm đó, toàn bộ thành viên trong gia đình đều ra tiệm giúp chị gái. Dì Lành còn mua thêm căn nhà đối diện để mở lò nướng bánh mì trực tiếp bán cho thực khách.
Ban đầu, ngoài lo chi phí ăn uống, sinh hoạt, dì Lành đều không trả lương cho các em mà dùng để tiết kiệm. Mãi đến khi các em lớn, lập gia đình, dì chủ động mua cho mỗi người 2 căn nhà làm của ăn của để. Riêng 3 người em không chồng thì được dì đưa về sống chung trong một căn nhà nhằm tiện bề chăm sóc.
"Nhờ chị hy sinh mà chúng tôi mới có hôm nay. Chị ấy rất hà tiện, cả đời không mua cho mình một bộ đồ nhưng luôn nuôi dạy em đến nơi đến chốn. Riêng dì và dì út thì sau làm giáo viên được một thời gian lại quay về tiếp tục công việc kinh doanh như hiện nay", bà Là nói.
Cuối đời không chồng con nhưng hạnh phúc
Theo sự chỉ dẫn của bà Võ Thị Là, phóng viên tìm đến căn nhà ở trên đường Tân Hòa Đông (quận Bình Tân, TPHCM) để gặp dì Lành. Sau dịch Covid-19, sức khỏe yếu nên dì Lành đã quyết định nghỉ bán, để lại toàn bộ xe bánh mì cho các em và cháu.
Về câu chuyện mua 9 căn nhà chia cho các em, dì Lành tủm tỉm cười xác nhận. Theo đó, vì bản thân sinh ra trong gia đình nghèo khó, từ nhỏ dì Lành luôn ý thức phải nuôi các em, không để gia đình quay lại hoàn cảnh cũ. Vì vậy, khi đã sở hữu "của ăn của để", dì Lành vẫn không giữ gì cho bản thân mà đầu tư cho tất cả thành viên trong gia đình.
"Đến tận bây giờ, chị Hai vẫn giữ thói quen không nằm nệm, ở máy lạnh, quạt điện. Thậm chí để chị có thể ăn ngon lúc nào chúng tôi cũng phải nói dối số tiền chứ không chị giận", bà Là lên tiếng.
Dì Lành cũng kể: Vào thời trẻ, vì tính cách chịu thương chịu khó nên nhiều người đàn ông cũng tìm đến hỏi cưới. Thế nhưng vì mong muốn toàn tâm nuôi em nên dì nhất quyết từ chối.
Hiện nay, mặc dù xe bánh mì không còn đông đúc như xưa, dì Lành và các em vẫn giữ tâm thiện nguyện. Với những người nghèo tìm đến tiệm, cả nhà đều tặng bánh mì và nước miễn phí để họ có một bữa no bụng.
Ở tuổi 79, không gia đình, con cái, dì Lành vẫn tự nhận mình hạnh phúc. Bởi lẽ, suốt thanh xuân trôi qua, dì đã có thể chứng kiến từng thành viên trong gia đình có cuộc sống ổn định.
"Nhiều người hỏi tôi lúc đó không lấy chồng giờ có hối hận không? Thực tế tôi không! Vì chỉ cần các em sống tốt, ăn ngon mặc đẹp là được. Mai mốt tôi có mất thì tài sản cũng chia đều cho mọi người", dì Lành khẳng định.