TS.BS Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ cách chăm sóc trẻ mọc răng sữa đúng cách

Trường Thịnh

(Dân trí) - Theo TS.BS Nguyễn Thanh Sơn, chăm sóc con thời kỳ mọc răng sữa rất quan trọng, sẽ quyết định đến sự chắc khỏe của răng về sau này. Tuy nhiên, không nhiều bà mẹ hiểu và làm đúng.

TS.BS Nguyễn Thanh Sơn - Người xây dựng nên cộng đồng chăm sóc sức khỏe mẹ bé nổi tiếng, hữu ích.

TS. Bác sĩ Nguyễn Thanh Sơn hiện đã có 20 năm làm nghề y. Không chỉ đạt được nhiều thành tựu trong công việc, vị chuyên gia này cũng sáng lập 2 cộng đồng chăm sóc sức khỏe trên nền tảng Facebook.

TS.BS Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ cách chăm sóc trẻ mọc răng sữa đúng cách - 1
TS.BS Nguyễn Thanh Sơn hiện đang quản lý hai cộng đồng sức khỏe mẹ bé với hàng trăm ngàn người theo dõi.

Hai kênh này được bác sĩ Sơn xây dựng làm nơi giải đáp, truyền tải kiến thức y học về phương pháp chăm sóc con cho các mẹ. Tính đến nay, cả group cộng đồng sức khỏe mẹ bé lẫn fanpage chia sẻ của TS.BS Nguyễn Thanh Sơn đều đã trở thành địa chỉ tin cậy mỗi khi mẹ bỉm cần tìm sự giúp đỡ.

Theo bác sĩ Sơn, hành động đổ xô đi học theo các phương pháp tràn lan trên mạng nhưng không có sự chọn lọc hoặc thực hiện sai quy cách sẽ dễ làm mất đi vẻ đẹp và sự vững chắc của răng trẻ về sau này.

TS.BS Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ cách chăm sóc trẻ mọc răng sữa đúng cách - 2
Tính khoa học, an toàn của phương pháp chăm sóc con trong lúc mọc răng sữa là điều mẹ cần lưu tâm.

Với thời kỳ mọc răng sữa của các con, mẹ bỉm cần chú ý đến những điều sau:

Thời gian mọc răng sữa

Giai đoạn trẻ mọc răng sữa sẽ bắt đầu từ 5-32 tháng tuổi. Cụ thể, thứ tự mọc răng sữa thông thường sẽ theo một trình tự sau:

- Từ 5-8 tháng: Mọc bốn răng cửa giữa hàm trên và hàm dưới.

- Từ 7-10 tháng: Mọc bốn răng cửa bên.

- Từ 12-16 tháng: Mọc bốn răng hàm đầu tiên.

- Từ 14-20 tháng: Mọc bốn răng nanh.

- Từ 20-32 tháng: Mọc bốn răng hàm thứ hai.

Tuy nhiên, thứ tự này chỉ mang tính chất tham khảo, mỗi bé với từng thể trạng sẽ có lịch mọc khác nhau. Tuy nhiên nếu đến tháng tuổi thứ 13 răng vẫn chưa mọc thì có thể trẻ đang bị mọc răng chậm. Cha mẹ nên đưa con đến ngay bác sĩ nha khoa uy tín để được thăm khám và đưa ra giải pháp kịp thời.

Biểu hiện khi mọc răng

Thông thường, răng mới nhú rất khó để phát hiện và cũng không có thời điểm cụ thể. Nếu mẹ chú ý thấy con mình có các biểu hiện sau thì rất có thể bé đang mọc răng:

TS.BS Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ cách chăm sóc trẻ mọc răng sữa đúng cách - 3
Các biểu hiện thường gặp khi bé mọc răng sữa.

- Sốt nhẹ: Khi mọc răng, hệ miễn dịch của trẻ thay đổi nên dễ bị sốt, thường không quá 38 độ C và sẽ kéo dài trong 3-5 ngày. Nếu nhiệt độ cao hơn thì để an toàn, mẹ nên đưa bé đến trung tâm y tế gần nhất.

- Chảy nước dãi: Răng mọc sẽ kích thích đến dây thần kinh thứ 5, cộng thêm khoang miệng con còn nhỏ nên hay bị chảy nước dãi nhiều. Các vùng nước dãi hay chảy xuống như khu vực quanh cổ có thể sẽ bị phát ban tạm thời.

- Trẻ hay cắn, thích nhai, cho tay vào miệng và cắn vì răng nhú lên khiến hàm bị ngứa, gặm đồ vật hoặc tay có thể làm giảm cảm giác này.

- Nướu bị sưng to và đỏ.

- Vì khó chịu, đau nhức nên thường con sẽ bỏ bú, chán ăn, bỏ ăn, bị trằn trọc, khó ngủ và hay cáu gắt.

- Thường xuyên xoa má, kéo tai mình.

- Ngoài ra, một số bé còn có thể bị rối loạn tiêu hóa nhẹ như bị tiêu chảy.

Cách chăm sóc trẻ tại nhà khi mọc răng sữa

TS.BS Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ cách chăm sóc trẻ mọc răng sữa đúng cách - 4

Cách chăm sóc trẻ tại nhà khi mọc răng sữa.

Các biểu hiện khi mọc răng sữa đều là các triệu chứng bình thường. Nếu tình trạng không chuyển biến quá xấu, mẹ có thể chăm sóc tại nhà bằng những cách sau:

- Đối với bé từ 6 tháng tuổi trở lên, mẹ giảm kích thích, khó chịu cho con bằng việc cho uống Paracetamol hoặc ibuprofen giảm sốt theo đúng liều lượng, đồng thời rửa tay sạch và nhẹ nhàng massage nướu cho con.

- Thường xuyên lau miệng con để đảm bảo vệ sinh, đặc biệt là ở các khu vực quanh cổ có nước dãi chảy xuống nhiều. Ngoài ra, có thể đeo yếm cho con và sử dụng các loại kem chống hăm an toàn để giảm bớt vết đỏ phát ban.

- Nên chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa trong ngày, cho con thức ăn mềm mại, dễ tiêu và cho con bú nhiều hơn.

- Mỗi ngày nên "đánh răng" trẻ bằng một miếng gạc nhỏ mềm đã được làm ẩm, chà lưỡi và răng một cách nhẹ nhàng. Việc này sẽ giúp tránh bị các mảng bám gây hôi miệng.

Từng thời kỳ phát triển của con đều rất quan trọng và cần được chăm sóc cẩn thận. Nếu muốn bé con nhà mình có sức đề kháng tốt và một hàm răng chắc khỏe trong tương lai, mẹ hãy nhớ tìm kiếm các phương pháp khoa học, hữu hiệu và áp dụng đúng cách mẹ nhé!