Trung Quốc: Thông điệp kêu cứu từ các “nghĩa địa” xe đạp chia sẻ

Linh Lê

(Dân trí) - Sự cạnh tranh khốc liệt về thị phần chia sẻ xe đạp dẫn tới tình trạng phát triển kiểu“bong bóng”, mà khi tan vỡ đã tạo ra những “nghĩa địa” xe đạp tại nhiều thành phố của Trung Quốc.

Trung Quốc: Thông điệp kêu cứu từ các “nghĩa địa” xe đạp chia sẻ - 1
Người dân chạy xe máy điện qua bãi xe đạp chia sẻ tại Bắc Kinh ngày 5/2. (Ảnh: Reuters)

Theo truyền thông Trung Quốc, tại Changsa thủ phủ tỉnh Hồ Nam cư dân sống gần một công trường xây dựng bị bỏ hoang nay chất đống xe đạp chia sẻ, phàn nàn rằng họ liên tục nghe thấy những tiếng “kêu cứu” phát ra từ “nghĩa địa xe đạp” đó.

“Chiếc xe nhỏ màu vàng bị đổ. Làm ơn nhanh chóng giúp tôi!” - thông điệp bằng giọng nữ này được phát đi liên tục, nhiều người cũng có thể nghe thấy qua một video do Tencent News đăng tải và đang được lan truyền trên mạng xã hội Webo của Trung Quốc.

Trung Quốc: Thông điệp kêu cứu từ các “nghĩa địa” xe đạp chia sẻ - 2
Một “nghĩa địa” xe đạp chia sẻ. (Ảnh: Abacus A)

Những chiếc xe màu vàng này được cho là thuộc về Ofo - “start-up (công ty khởi nghiệp) tỷ đô” từng rất nổi tiếng. Ofo sử dụng những chiếc xe đạp màu vàng để phân biệt với các công ty chia sẻ xe đạp cạnh tranh khác.

Thực ra đó là kiểu tin nhắn thoại, được thiết kế cho loại xe đạp chia sẻ nhằm nhắc nhở người dùng đậu xe ở tư thế thẳng đứng. Nếu bị đổ nghiêng, xe sẽ tự động phát ra lời “kêu cứu” thông qua loa. Tính năng này không chỉ có ở xe đạp của Ofo, nhưng giọng nói của xe Ofo khá “độc” nên dễ gây hoảng hốt bởi giống tiếng kêu cứu của con người.

Trung Quốc: Thông điệp kêu cứu từ các “nghĩa địa” xe đạp chia sẻ - 3
Máy xúc xử lý đống xe đạp chia sẻ phế thải tại một nhà máy ở Thiên Tân hồi tháng 7/2019. (Ảnh: Li xiaofei/AP)

Thông điệp kêu cứu đó cũng được nhiều người coi như lời nhắc nhở xã hội đừng quên những chiếc xe đạp “còn sống”, bởi chúng vẫn có thể tiếp tục chức năng hoặc tái sử dụng khá hữu ích.

Ofo được thành lập năm 2014 bởi 5 thành viên câu lạc bộ đạp xe của Đại học Bắc Kinh, như một dự án ban đầu tập trung vào du lịch bằng xe đạp trước khi quyết định áp dụng mô hình chia sẻ xe đạp. Đó là sử dụng điện thoại thông minh để mở khoá và xác định vị trí xe đạp cho thuê gần nhất, phí thuê xe được tính theo thời gian sử dụng.

Trung Quốc: Thông điệp kêu cứu từ các “nghĩa địa” xe đạp chia sẻ - 4
Đồ nội thất làm bằng khung xe đạp và tay lái tháo rời tái sử dụng. (Ảnh: Mobike)

Từ Bắc Kinh, năm 2016 Ofo mở rộng sang các thành phố khác của Trung Quốc. Tới năm 2017 Ofo đã triển khai hơn 10 triệu chiếc xe đạp tại 250 thành phố và 20 quốc gia. Công ty được định giá lên tới 2 tỷ USD và có hơn 62,7 triệu người dùng hàng tháng.

Thương trường như chiến trường, “cuộc chiến” xe đạp chia sẻ cũng rất khốc liệt khi hàng chục start-up cạnh tranh thị phần bằng cách “nhồi nhét” vào các thành phố Trung Quốc vô số xe đạp đủ màu, dẫn tới tình trạng “bong bóng nổ tung” năm 2018. Kể từ đóOfo phải chật vật tìm cách hoàn lại tiền đặt cọc cho người sử dụng.

Trung Quốc: Thông điệp kêu cứu từ các “nghĩa địa” xe đạp chia sẻ - 5
Lốp xe cũ được tận dụng làm “nhà” cho mèo hoang. (Ảnh: Hellobike)

Thời Covid-19, sau khi các hạn chế đi lại được nới lỏng và người dân nhiều nơi trở lại đi làm, đi học… số xe đạp chia sẻ được sử dụng nhiều hơn nên tình hình tài chính của Ofo cũng như các công ty chia sẻ xe đạp khác có phần đỡ căng thẳng.

Nhưng các chuyên gia vẫn hoài nghi khả năng duy trì sự phát triển hình thức xe đạp chia sẻ, khi thói quen di chuyển của người dân trở lại hoàn toàn bình thường sau đại dịch.