Trung Quốc: Những cặp đôi kết hôn lâu nhưng không sinh con dù bị chê ích kỷ

Huy Hoàng

(Dân trí) - Đã kết hôn một thời gian như Yang Xiaotong, 26 tuổi, ở Thâm Quyến, Trung Quốc, không có ý định sinh con dù đang chịu nhiều điều tiếng của những người xung quanh cho rằng "hai vợ chồng sống ích kỷ".

Nở rộ trào lưu kết hôn nhưng không sinh con

Khi Zhang Chengying, 32 tuổi, nói với cha mẹ rằng, cô và chồng quyết định chỉ ở vậy mà không có con, cả hai đều rất sốc. Bố mẹ hỏi đi hỏi lại Zhang xem liệu con gái họ có gì bất ổn hay không.

Cô gái 32 tuổi giải thích, hai vợ chồng sẽ trở thành cặp đôi "DINK", viết tắt của (double income, no kids) - thuật ngữ chỉ cặp vợ chồng đều có việc làm và thu nhập nhưng không sinh con. Dù khiến bố mẹ lo lắng nhưng vợ chồng Zhang rất kiên định với ý kiến của mình.

"Mẹ tôi nói bà đã ngoài 60 và sẽ bị chế giễu vì đến giờ vẫn chưa có cháu. Nhưng liệu tôi nên đánh đổi cuộc đời của mình chỉ để mẹ không bị người khác chê cười? Đương nhiên là không", Zhang dứt khoát.

Trung Quốc: Những cặp đôi kết hôn lâu nhưng không sinh con dù bị chê ích kỷ - 1
Nhiều người trẻ ở Trung Quốc có xu hướng không muốn sinh con vì nhiều áp lực (Ảnh: SCMP).

Zhang tốt nghiệp tại một trường y ở tỉnh Sơn Đông, hiện chờ vị trí nghiên cứu khoa học tại một bệnh viện vào cuối năm nay. Chồng cô làm việc tại một tổ chức hành chính. Cả hai đều có thói quen thức khuya và ngủ nướng mà không muốn bận tâm về con cái.

Sắp tới, hai vợ chồng Zhang lên kế hoạch cho chuyến du lịch dài hơi hơn 5.400km đi qua các tỉnh thành ở Trung Quốc.

"Tôi không thể sống vô tư như thế này nếu có con. Trong khi đó, vài người bạn tôi vì vướng con nhỏ nên hiếm có thời gian ra ngoài gặp gỡ", Zhang nói.

Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh tới sức khỏe, kinh tế và tinh thần người dân Trung Quốc. Với nhiều người, áp lực tài chính khiến họ lo lắng hơn cho tương lai, đồng thời hình thành xu hướng mới trong giới trẻ - không muốn sinh con.

Các chuyên gia nhận định, xu hướng này đã nổi lên vài năm trước. Nhưng khi Covid-19 bùng phát, áp lực mỗi gia đình, từng cá nhân gia tăng, làn sóng này càng mạnh hơn.

Sau 6 thập kỷ, tỷ lệ sinh tại Trung Quốc đạt mức thấp kỷ lục vào năm 2022. Lần đầu tiên nước này chứng kiến số ca tử vong vượt quá số ca sinh nở.

Áp lực bủa vây, giới trẻ càng ngại cuộc sống bỉm sữa

Yang Xiaotong, 26 tuổi, làm việc tự do ở Thâm Quyến, Trung Quốc, cho rằng, giới trẻ ngày nay "ý thức rõ hơn về bản thân, dù bị người xung quanh chỉ trích ích kỷ".

Giống như Zhang Chengying, Yang Xiaotong đã kết hôn một thời gian nhưng cô không muốn từ bỏ cuộc sống tự do hiện tại. Hai vợ chồng cô quyết định lựa chọn "hôn nhân không con cái".

"Chúng tôi đã cùng nhau cân nhắc và suy nghĩ nhiều. Tôi muốn ngắm nhìn thế giới nhiều hơn là việc chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà 80m2 với cuộc sống bỉm sữa kéo dài", Yang bày tỏ.

Trung Quốc: Những cặp đôi kết hôn lâu nhưng không sinh con dù bị chê ích kỷ - 2
Trung Quốc đang chứng kiến tỷ lệ sinh giảm (Ảnh: NDTV).

Cô gái 26 tuổi đang đối mặt với áp lực từ việc xây dựng công việc kinh doanh riêng của mình nên càng không muốn bận tâm chuyện con cái. Cũng như Yang, nhiều bạn bè xung quanh cô có ý định trở thành DINK, thậm chí không kết hôn.

Ông Ren Yuan, Giáo sư đến từ Viện nghiên cứu Dân số thuộc Đại học Phúc Đán, nhận định, thực trạng nhiều người trẻ không muốn kết hôn hay ngại sinh con, sẽ tác động dài hạn tới Trung Quốc.

"Chúng ta đang chứng kiến tỷ lệ sinh tiếp tục ở mức thấp nhất trong những thập kỷ tới", Giáo sư Ren nói.

Theo Cục thống kê quốc gia Trung Quốc, tổng dân số nước này trong năm 2022 giảm 850.000 người so với năm 2021, đánh dấu lần giảm dân số đầu tiên sau 61 năm.

Bên cạnh đó, chi phí sinh con ngày càng tăng khiến nhiều cặp vợ chồng thấy không đủ khả năng nuôi con.

"Lương tháng 5.000 tệ - hơn 16 triệu đồng, sau khi trừ tiền thuê nhà, điện nước, phí sinh hoạt, tôi chẳng còn bao nhiêu. Mỗi ngày tôi làm 12 tiếng, chẳng có thời gian ăn trưa, thì thời gian nào cho con", Qu Yun, 24 tuổi, một y tá làm việc tại bệnh viện ở Sơn Đông, bày tỏ.

Trung Quốc: Những cặp đôi kết hôn lâu nhưng không sinh con dù bị chê ích kỷ - 3

Nhiều cặp đôi Trung Quốc có xu hướng thích tận hưởng cuộc sống hai vợ chồng hơn là vướng bận con cái (Ảnh: News).

Còn với Zhang Chengying, dù hai vợ chồng có mức thu nhập tốt, nhưng cô vẫn lo lắng vì việc "không thể chu cấp đầy đủ cho con cái".

"Chi phí giáo dục cao quá. Tôi không muốn con cái sinh ra trong môi trường cạnh tranh như vậy", Zhang nói. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm