Trung Quốc: muốn đặt tên con là “@”
(Dân trí) - Sáng hôm nay (16/8), một cuộc tranh luận trên mức “sôi nổi” đã diễn ra ở phòng chứng sinh thành phố Bắc Kinh khi một ông bố đỏ mặt tía tai đòi đặt tên con là “@” cho bằng được, bất chấp việc không một ký tự nào trong hàng chục nghìn chữ cái tiếng Trung Quốc có thể “diễn đạt” nổi cái tên trên.
Lý do vô cùng đơn giản: đó là ký tự quen thuộc đã xuất hiện trong mỗi bức “e-mail tình” của họ từ lúc quen nhau cho đến khi nên vợ nên chồng. “Nó mới là cội nguồn khai sinh ra đứa bé” - anh chồng khăng khăng.
Ký tự “@” đã không còn xa lạ gì với người dân Trung Quốc nhất là trong thời buổi Internet chạy rần rật khắp mọi nơi như thế này. Tuy nhiên ở đất nước của những chữ cái tượng hình này, người ta vẫn phải dùng tiếng Anh để phát âm thay thế: “at” - mà theo người nói tiếng Quan thoại, nếu kéo dài âm “T” ở cuối sẽ nghe hao giống “ai ta”, nghĩa là “yêu anh”.
Phát biểu trong một cuộc họp báo gần đây, ông Lý Vũ Minh - Phó trưởng ban ngôn ngữ quốc gia cho biết: hiện tượng đặt tên con là “a còng” là biểu hiện cho thấy người dân ngày càng có xu hướng xa rời tiếng mẹ đẻ, và Internet thực sự đang phá vỡ dần một số quan niệm truyền thống.
Thậm chí cách đây chưa lâu, một cặp vợ chồng trẻ còn tặng cho đứa con đầu lòng cái tên - mà nếu đọc chệch đi một chút thì nghe rất giống từ “King Osrina” (Chúa tể Osrina).
Ông Lý không khẳng định liệu cái tên “A còng” (viết trên giấy tờ nguyên lý tự là “@”) có được chấp nhận hay không, mặc dù hồi đầu năm nay chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh cấm đặt tên bằng tiếng nước ngoài, chữ số Ả-rập hay bất cứ biểu tượng hay chữ cái nào không thuộc ngôn ngữ chính thống của quốc gia.
Ông Lý trích một văn kiện tóm tắt trên website của chính phủ cho hay: 60 triệu người dân nước này hiện đang đối mặt với rắc rối khi tên chữ tượng hình của họ quá mơ hồ, đến nỗi các máy tính không thể nhận diện và nhiều khi ngay cả dân bản địa cũng phải vò đầu bứt tai.
Một trong số đó là cựu thủ tướng Chu Dung Cơ (Zhu Rongji) - cái chữ “rong” trong tên của ông nhiều khi khiến tổng biên tập các tờ báo phải đau đầu vì không biết phải viết thế nào cho đúng.
Thùy Vân
Theo AP