Trụ lại phố, lao động xa quê thổn thức "Con không về, trong ni vẫn ổn"

Hoài Nam

(Dân trí) - Xem clip chế lời theo bài hát "Chuyến tàu quê hương" đón người Hà Tĩnh ở TPHCM về quê, anh Nguyễn Xuân Duy nằm trong phòng trọ xúc động, cay cay nơi khóe mắt.

Những ngày qua, nhiều địa phương trong cả nước đã có kế hoạch đón người dân ở TPHCM, Bình Dương về quê khi diễn biến dịch Covid-19 đang ngày càng phức tạp.

Với người lao động nhập cư ở thành phố phải ở nhà trọ, sống bằng tiền thu nhập hàng tháng hàng tuần, thậm chí là hàng ngày... thì việc về nhà, về quê chính là nơi bình yên, an toàn nhất lúc khó khăn.

Thuê phòng tại một khu trọ ở phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức, TPHCM), anh Nguyễn Xuân Duy và em gái đang là sinh viên đã về quê nghỉ hè từ cuối tháng 5. Khi dịch bùng phát, khu vực nơi anh ở cũng đã bị phong tỏa vì ngay trong dãy trọ ghi nhận trường hợp F0 và đã được đưa đi điều trị.

Trụ lại phố, lao động xa quê thổn thức Con không về, trong ni vẫn ổn - 1

Nhiều lao động xa quê quyết định bám trụ lại thành phố bất chấp diễn biến dịch phức tạp (ảnh minh họa).

Cũng như nhiều người, anh không thể đi làm, chuyển qua làm việc online, thu nhập chỉ còn mang tính tượng trưng. Cả tháng qua, chàng trai quẩn quanh trong phòng trọ 10m2, không tránh được sự mệt mỏi, lo lắng.

Chị Ngọc Châu, quê ở Đồng Nai cho biết, chị chuyển qua làm việc online, thu nhập giảm. Nhà cách chỉ hơn 100 cây số nhưng không thể "dứt áo" khỏi TPHCM.

Đồ đạc nhiều không thể dọn hết để trả phòng. Hơn nữa, về quê cũng phải cách ly, nhà có mẹ già cháu nhỏ, chị sợ về có gì không hay sẽ ảnh hưởng. 

Anh Nguyễn Xuân Duy kể khi biết quê mình tổ chức các chuyến hồi hương cho người "kẹt" ở Sài Gòn, bản thân anh như bao người tạm cư cũng muốn trở về khi dịch bệnh trở nên phức tạp.

Mẹ anh gọi điện hối: "Về đi con!". Anh đáp lại: "Con không về mẹ ơi! Con trong ni ổn!". Vậy mà mẹ anh vẫn lo lắng đến bật khóc. 

Lượng người được đón hồi hương có giới hạn, cần ưu tiên những hoàn cảnh khó khăn hơn. Anh là thanh niên khỏe mạnh, vẫn còn có thu nhập dù ít nhưng vẫn có thể bám trụ. 

"Bản thân tôi, giờ thu nhập chỉ đủ trả tiền phòng, vẫn đang sống nhờ vào cứu trợ từ phường và các mạnh thường quân" - anh Nguyễn Xuân Duy bộc bạch. 

Nằm trong diện được xem xét ưu tiên khi đăng ký hồi hương về Nghệ An với tình cảnh một mẹ một con nhỏ, chị Phan Minh Ngọc sống trọ ở khu vực Quận 9 cũng quyết định ở lại. 

Anh chị em ở quê ai cũng giục giã về thôi, nhưng chị quyết định ở lại. Một phần lo trên đường về lúc này không an toàn cho con nhỏ, lại thêm 21 ngày cách ly ở quê. Con chị lại sắp vào lớp 1 nên kiểu gì cũng phải ở lại chờ tình hình nhập học. 

Hơn nữa, chị không về thì sẽ thêm cơ hội cho những đồng hương khác cần kíp hơn. Trước mắt hai mẹ con chỉ ở trong khu trọ vẫn ổn. Lâu nay đi làm, chị tằn tiện có khoản tiết kiệm nhất định, giờ đến lúc đưa ra dùng. 

Chị Phan Minh Ngọc gọi về nói bố mẹ, anh chị yên tâm, nhưng trong lòng cũng có chút lo lắng. Điều kiện của chị chưa nguy cấp, nhưng nếu kéo dài con không đi học trở lại, mẹ không đi làm được thì chị sợ rằng cũng chỉ còn cách ôm con về quê. Và sâu thẳm trong thâm tâm chị cũng lo, nhỡ đâu mình mắc Covid-19 thì không biết xoay xở thế nào. 

Tiết kiệm, kiếm việc làm thêm ngay tại phòng trọ

Vì nhiều lý do, không ít người chủ động "trụ" lại TPHCM. Họ tìm đủ cách để xoay xở cuộc sống ở thành phố trong một trạng thái mới. Tiết kiệm, tìm việc làm thêm ngay tại nhà để có nguồn thu nhập là cách nhiều người đang tận dụng. 

Trụ lại phố, lao động xa quê thổn thức Con không về, trong ni vẫn ổn - 2
Trụ lại phố, lao động xa quê thổn thức Con không về, trong ni vẫn ổn - 3

Người dân ở Hà Tĩnh lên "chuyến tàu quê hương" về quê (Ảnh: Nguyễn Quang).

Chị Phan Minh Ngọc và nhiều người trong khu trọ vận động chủ nhà giảm tiền phòng, trước mắt họ được giảm 50% trong hai tháng 7 và tháng 8, giúp họ bớt đi được gánh nặng trước mắt.

Chị tằn tiện hết sức, lúc này chỉ chi cho ăn uống, gác hết mọi nhu cầu khác. Chỗ trọ cũng thường xuyên nhận được viện trợ thực phẩm từ chính quyền, mạnh thường quân nên cũng đỡ tốn kém phần nào.

Trụ lại phố, lao động xa quê thổn thức Con không về, trong ni vẫn ổn - 4

Tiết kiệm hết sức, tìm việc làm thêm tại nhà là cách nhiều người lao động xa quê "trụ" lại TPHCM. 

 "Trụ" lại Sài Gòn trong tình cảnh khó khăn chưa từng có, chị Nguyễn Ngọc Anh, quê ở Lâm Đồng xác định bên cạnh việc tiết kiệm hết sức, chị còn tìm việc làm thêm tại nhà. Chị nhận việc thời vụ giới thiệu sản phẩm, tư vấn qua điện thoại... cũng kiếm được đồng ra đồng vào xoay xở trong thời gian này.

Tuy khó khăn nhưng chị thấy mình còn may mắn hơn nhiều người khi vẫn có việc để làm, có thu nhập và chỗ trọ cũng khá an toàn.

"Những lúc như thế này, ai còn có điều kiện cố gắng "ở yên một chỗ" cũng là để góp phần chống dịch. Mỗi người một tay, tôi tin mọi thứ ở thành phố này sẽ sớm ổn trở lại", chị Nguyễn Ngọc Anh nói đầy hy vọng.