Trồng 20 m2 dưa lưới trên nóc nhà, ông bố Sài thành thu 4 tạ dưa mỗi năm
(Dân trí) - Trung bình mỗi vụ dưa, vườn nhà anh Khánh cho thu hoạch từ 75-80 quả, mỗi quả nặng từ 2-3kg. Tính ra một năm nếu trồng 3 - 4 vụ, anh Khánh có thể thu về khoảng 4 tạ dưa.
Anh Khánh kể, ý tưởng trồng dưa lưới trên sân thượng đến rất tình cờ. Cách đây 3 năm, vào năm 2017 một người bạn đi Nhật về, mua tặng anh một quả dưa lưới Nhật Bản.
“Thời điểm đó, loại quả này còn chưa phổ biến ở Việt Nam. Cả gia đình tôi ăn thử và ai cũng thích. Thế là tôi thử lên mạng tìm hiểu và phát hiện, dưa lưới không chỉ có vị thơm ngon đặc biệt mà còn rất giàu dinh dưỡng. Mọi chỉ số vitamin và khoáng chất đều ở mức rất cao so với các loại trái cây khác. Đây cũng là lý do khiến loại quả này được người Nhật rất ưa chuộng”, anh Khánh nói.
Thời gian sau, anh Khánh tìm đến các siêu thị Việt Nam mua dưa lưới ăn thử, tuy nhiên hương vị không thơm ngon như lần đầu anh thưởng thức. Vì thế, anh quyết định tự tìm hiểu, bắt tay vào trồng dưa lưới ngay trên khoảng không gian chật chội trên sân thượng. “Lúc nêu ý tưởng, cả gia đình tôi đều hưởng ứng và ủng hộ nhiệt tình”, anh Khánh hào hứng nói.
Ban đầu, anh Khánh trồng thử nghiệm 10 cây. Do chưa có kinh nghiệm nên anh mất khá nhiều thời gian chăm sóc. Bù lại, thành quả thu hoạch tương đối thành công, chất lượng quả vượt ngoài kỳ vọng.
Sau vụ đầu tiên, anh Khánh tiếp tục tăng dần số lượng cây trồng. Đến nay, sau 2 năm bắt tay thử nghiệm, vườn dưa lưới của vị kỹ sư công nghệ thông tin đã lên tới 80 cây.
Anh Khánh đã thử qua rất nhiều phương pháp trồng dưa như: Thủy canh, bán thủy canh, vô cơ cho tới hữu cơ. Tuy nhiên, phương pháp khiến anh hài lòng nhất là trồng hữu cơ. Cách trồng này tuy tốn thời gian hơn nhưng luôn bảo đảm hương vị và chất lượng dưa ổn định, thơm ngon.
Vườn dưa được anh Khánh trồng xen kẽ, gối vụ liên tục nên lúc nào trong nhà cũng có dưa ăn. Để giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, anh Khánh tận dụng các phế phẩm có sẵn trong nhà như: vỏ trứng, vỏ dứa, bã đậu nành, chuối và mua các phân hữu cơ có sẵn trên thị trường, bón cho cây chứ không dùng thuốc hóa học.
Giống dưa cũng được anh Khánh rất chú trọng. Từ khi bắt tay trồng dưa lưới, anh đã thử nghiệm trên 50 loại giống khác nhau nhưng chỉ tin tưởng loại giống có nguồn gốc từ Nhật Bản. “Điểm yếu của dưa Nhật là thời gian trồng rất dài (85-90 ngày trồng, trong khi các giống dưa khác chỉ dao động từ 65-75 ngày). Mỗi giống có những đặc tính riêng của nó, giống thì kháng bệnh sương mai, phấn trắng tốt, giống thì kháng bệnh héo rũ trên họ bầu bí… Bản thân tôi thường tự đặt hạt giống trực tiếp từ Nhật Bản để đảm bảo chất lượng tốt nhất”, anh Khánh nói.
Theo anh Khánh, khí hậu Việt Nam rất phù hợp để trồng dưa lưới, riêng với miền Bắc có mùa đông lạnh nên thời gian lý tưởng để trồng dưa ở đây là từ tháng 3 đến tháng 11 hàng năm, các tỉnh khác có thể trồng dưa lưới quanh năm.
“Sau nhiều lần trồng thành công mỹ mãn với loại dưa khó tính này, tôi cảm thấy nó hoàn toàn không khó như nhiều người vẫn nghĩ. Cơ bản chúng ta cứ làm theo các khâu thật kỹ từ trộn đất, ủ phân cho tới phun ngừa các bệnh cho dưa. Đặc biệt với dưa lưới muốn thành công thì các bạn bắt buộc phải phun ngừa các bệnh cơ bản cho dưa, không nên đợi xuất hiện rồi mới bắt đầu tìm cách chữa bệnh”, anh Khánh chia sẻ.
Trung bình mỗi vụ dưa, vườn nhà anh Khánh cho thu hoạch từ 75-80 quả/ trên 80 gốc dưa, mỗi quả nặng từ 2-3kg. Các thành viên trong gia đình anh Khánh đều yêu thích hương vị dưa lưới do anh trồng, đặc biệt là cô con gái đầu lòng của anh.
Hà Trang